Người Trung Quốc biểu tình hàng loạt để phản đối Dior

01/08/2022 17:34 GMT+7

Theo Thời báo Hoàn Cầu hôm 31.7, ngày càng nhiều người Trung Quốc ở các nước khác nhau tham gia các cuộc biểu tình phản đối Dior 'chiếm đoạt văn hóa'. Dư luận xứ Trung đang vô cùng phẫn nộ trước sự im lặng của nhà mốt danh tiếng.

Đám đông người Trung Quốc đang học tập và làm việc tại Madrid (Tây Ban Nha) tập trung bên ngoài cửa hàng Dior hôm 30.7 để yêu cầu nhà mốt phản hồi vụ đạo nhái “váy mã diện”

chụp màn hình global times

Trang tin tiết lộ đông đảo công dân Trung Quốc ở nước ngoài đang tổ chức các cuộc biểu tình phản đối Dior. Làn sóng chống lại nhà mốt lừng danh diễn ra tại nhiều quốc gia khác nhau như Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Mỹ, Canada… Mọi chuyện bắt đầu vào giữa tháng 7 khi nhiều người Trung Quốc phát hiện mẫu váy của Dior trong bộ sưu tập mùa thu 2022 đạo nhái “váy mã diện”, trang phục phổ biến của người Trung Quốc vào thời Minh, Thanh. Trên website, hãng giới thiệu đây là thiết kế mới mang phom dáng điển hình của Dior và bày bán với giá 29.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng). Sau hai tuần, làn sóng chỉ trích vẫn chưa hạ nhiệt thậm chí còn bùng nổ hơn khi phía nhà mốt Pháp không giải thích rõ nguồn gốc của thiết kế và phản hồi về vụ việc.

Sau khi nhiều người Trung Quốc xuống đường phố Paris (Pháp) biểu tình phản đối Dior vào ngày 23.7 vừa qua, các hoạt động tương tự cũng diễn ra ở nhiều quốc gia khác. Hôm 30.7, nhiều người Trung Quốc đang học tập hoặc làm việc ở Madrid (Tây Ban Nha) đã cùng nhau mặc “váy mã diện” và tập trung bên ngoài một cửa hàng của Dior để yêu cầu thương hiệu nổi tiếng này phản hồi về vấn đề trên. Những người tham gia sự kiện kể trên cho biết họ muốn Dior thừa nhận rằng thiết kế mới của hãng được lấy cảm hứng từ “váy mã diện” của Trung Quốc.

“Văn hóa Trung Quốc rất rộng mở và hòa nhập. Chúng tôi hoan nghênh việc tham khảo các yếu tố văn hóa Trung Quốc để nhiều người trên thế giới biết về nó nhưng Dior phải nói rõ ràng rằng thiết kế đó đến từ đâu”, một người biểu tình tên Zhuzhu chia sẻ. Được biết, các cuộc biểu tình tương tự dự kiến diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), New York (Mỹ) và Kuala Lumpur (Malaysia) trong vài ngày tới.

Thiết kế của Dior (phải) và "váy mã diện" của Trung Quốc

dior, chụp màn hình

Trong khi các cuộc phản đối từ người Trung Quốc đang diễn ra tại các cửa hàng của Dior ở nhiều quốc gia, nhà mốt Pháp vẫn không có phản ứng rõ ràng trước vấn đề này. Tính đến hôm 31.7, Dior chưa đưa ra phản hồi cụ thể với nhiều hãng truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả Thời báo Hoàn Cầu ngoài câu: “Cảm ơn sự quan tâm của các bạn”. Mẫu váy gây tranh cãi hiện đã không còn xuất hiện trên trang web của Dior tại nhiều quốc gia.

Cùng với những hoạt động sôi nổi của cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài, làn sóng “ném đá” Dior vẫn diễn ra sôi nổi tại xứ tỉ dân. Tuần trước, một người yêu Hán phục họ Bao đã bị đuổi khỏi cửa hàng của Dior ở một trung tâm mua sắm tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Bao sau đó đã đăng video về vụ việc lên mạng xã hội và khiến thương hiệu xa xỉ bị chỉ trích thậm tệ. Trong clip được ghi lại, người này mặc “váy mã diện” màu vàng và đang đứng trước gương tại cửa hàng để chụp ảnh, quay video thì bị nhân viên của Dior đến ngăn cản 2 lần và yêu cầu rời đi. Bao sau đó đã chụp ảnh trước logo của Dior bên ngoài cửa hàng và bị một nhân viên của trung tâm mua sắm chặn lại.

“Nhiều người yêu thích Hán phục sẽ không tức giận nếu Dior sử dụng yếu tố Hán phục lên các thiết kế của họ và lưu ý nguồn gốc của nó. Giống như cựu giám đốc sáng tạo John Galliano đã nhiều lần sử dụng yếu tố Trung Quốc và luôn nói rõ ràng về nguồn gốc của chúng”, Bao nói với Thời báo Hoàn Cầu.

Làn sóng biểu tình phản đối Dior được người Trung Quốc hưởng ứng ở nhiều quốc gia

chụp màn hình weibo, douyin

Zhang Yiwu - một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng trong những năm gần đây, người Trung Quốc đã trở nên yêu và có ý thức bảo vệ văn hóa truyền thống của họ hơn. Ông nhận định: “Trước đây, một số thương hiệu quốc tế nghĩ rằng việc áp dụng các yếu tố văn hóa Trung Quốc sẽ góp phần quảng bá văn hóa Trung Quốc và sẽ được người Trung Quốc đánh giá cao. Tuy nhiên hiện nay giới trẻ trong nước rất lo ngại về việc ‘chiếm đoạt văn hóa’ và không sẵn sàng chấp nhận sự kiêu ngạo từ phương Tây”.

Một chuyên gia sở hữu trí tuệ giấu tên nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 31.7 rằng việc các thương hiệu thời trang quốc tế sử dụng các yếu tố truyền thống của một quốc gia nhất định trong các thiết kế của họ thường nằm ngoài phạm vi sử dụng theo luật bản quyền hiện hành. Điều này khiến việc bảo vệ các yếu tố này trở nên khó khăn hơn.

Sự im lặng từ phía Dior khiến dư luận xứ Trung thêm tức giận

dior

Đây không phải lần đầu tiên Dior vướng chỉ trích từ người dân Trung Quốc. Cuối năm ngoái, một bức ảnh của Trần Mạn được trưng bày tại triển lãm nghệ thuật của Dior ở Thượng Hải (Trung Quốc). Trong tác phẩm, người mẫu cầm chiếc túi Dior gây chú ý với đôi mắt một mí mang ánh nhìn ma quái cùng cách trang điểm u ám, làm nổi bật nhiều khuyết điểm trên gương mặt. Bức ảnh nhanh chóng vấp phải làn sóng tranh cãi, chỉ trích dữ dội tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng này đang bôi xấu hình ảnh phụ nữ Trung Quốc, phỉ báng người Trung Quốc, thể hiện những định kiến của phương Tây về Trung Quốc… khiến cô sau đó phải lên tiếng xin lỗi. Phía Dior cũng gỡ bức ảnh gây tranh cãi khỏi các nền tảng của hãng và nhấn mạnh họ luôn tôn trọng người Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.