Người Trung Quốc có những truyền thống riêng biệt cho mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán. Những hoạt động này được thực hành rộng rãi, nhưng thường sẽ có vài điểm khác biệt giữa các cộng đồng khác nhau trên toàn quốc, cũng như khác với các cộng đồng người Hoa ngoài Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Đêm giao thừa: Các gia đình thường tụ tập ăn tối cùng nhau trong "bữa cơm tất niên" thịnh soạn (còn gọi là "bữa cơm đoàn viên"). Đây là hoạt động nhấn mạnh sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, nhất là với những nhà có người đi làm ăn xa.
Mùng 1: Ngày đầu tiên của năm mới âm lịch là ngày để thăm hỏi và chúc Tết các thành viên trong gia đình, bắt đầu từ các thành viên lớn tuổi.
Nhiều người cũng ghé chùa miếu, hy vọng trở thành một trong những người đầu tiên bày tỏ lòng kính trọng đối với các vị thần, thánh quan trọng.
Theo truyền thống Trung Hoa, việc quét dọn nhà cửa là cấm kị trong ngày này vì bạn có thể "quét đi" vận may. Người Trung Quốc cũng có truyền thống mặc quần áo mới vào mùng 1, tượng trưng cho khởi đầu mới.
Mùng 2: Để chào đón năm mới, nhiều người tổ chức "bữa cơm khai niên". Các gia đình và những người kinh doanh buôn bán quây quần bên nhau để cầu mong phát tài phát lộc trong năm mới.
Mùng 3: Dân gian Trung Quốc quan niệm rằng việc tụ tập ăn uống vào mùng 3 thường dễ sinh chuyện. Vì vậy, những người mê tín chọn cách ở nhà cả ngày để tránh nguy cơ gặp rắc rối như vậy. Đối với những người khác, đây là một ngày tốt để thư giãn sau nhiều ngày tiệc tùng linh đình trước đó.
Mùng 4: Đây là ngày đón ông Táo và được xem là ngày tốt lành, trái ngược với mùng 3. Theo truyền thống, mọi người ở nhà thắp hương và bày mâm cúng lớn để chào đón thần linh và cầu mong một năm may mắn.
Mùng 5: Người ta tin rằng ngày thứ năm của năm mới âm lịch đánh dấu ngày sinh của thần Tài. Các cửa hàng, cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại vào ngày này và việc dọn dẹp nhà cửa được coi là an toàn mà không có điềm xấu nào ảnh hưởng đến bạn.
Mùng 6: Đây là ngày để bạn tống khứ mọi thứ tượng trưng cho sự nghèo khó. Mọi người thường dọn rác xung quanh nhà để chiêu tài và cầu may trong năm mới âm lịch.
Mùng 7: Ngày này đánh dấu sự ra đời của loài người nói chung, được gọi là "nhân nhật" trong tiếng Trung. Theo thần thoại Trung Quốc, mùng 7 là ngày con người xuất hiện và đánh dấu ngày mọi người cùng nhau già đi một tuổi.
Mùng 8: Ngày thứ tám của năm mới âm lịch đánh dấu sự ra đời của lúa gạo - lương thực chủ yếu của người Trung Quốc. Ngày này thường được dùng để cầu mong mùa màng bội thu và nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp.
Năm Giáp Thìn, xem quẻ cho người tuổi rồng
Mùng 9: Đây là ngày sinh của Ngọc Hoàng, người cai trị thiên đình theo thần thoại Trung Quốc. Nhiều người đổ xô đến các đền chùa để cầu xin Ngọc Hoàng phù hộ cho sức khỏe và sự thịnh vượng.
Mùng 10 và ngày 11-12: Ngày 10 đến ngày 12 tháng giêng không mang nhiều ý nghĩa như những ngày khác. Đây được coi là thời gian để mọi người giao tiếp với xã hội nhiều hơn, tụ tập vui vẻ cùng gia đình và bạn bè.
Ngày 13: Các món ăn chay như cơm và rau xanh được ưa chuộng vào ngày 13 tháng giêng. Đây là cách để thanh lọc cơ thể sau nhiều ngày ăn uống và nạp nhiều năng lượng trước đó.
Ngày 14: Để chuẩn bị cho Tết Nguyên tiêu ngày hôm sau, các gia đình thường làm đèn lồng và bánh trôi nước (tiếng Trung gọi là "thang viên"), tượng trưng cho sự đoàn kết trong gia đình.
Ngày 15 (rằm tháng giêng): Kết thúc "xuân tiết" là Tết Nguyên tiêu, thường gắn liền với hoạt động thắp đèn lồng. Các gia đình quây quần thưởng thức món bánh trôi nước với những viên bột tròn giống như mặt trăng trong ngày rằm đầu tiên của năm âm lịch.
Bình luận (0)