(TNO) Sự vĩ đại của Nelson Mandela không dựa trên những năm tháng lao tù đằng đẵng mà ở cách ông để lại những niềm cay đắng phía sau cánh cửa nhà tù để đoàn kết một đất nước Nam Phi đầy chia rẽ bằng ngọn lửa hy vọng bất diệt.
>> Người tù thế kỷ Nelson Mandela - Niềm hy vọng bất diệt
|
Biểu tượng hòa giải
Trong cuốn Chặng đường dài đến tự do, Mandela đã viết về ngày ông rời khỏi tù: “Khi bước ra khỏi khung cửa dẫn đến cánh cổng sẽ đưa tôi đến với tự do, tôi biết nếu tôi không để lại sự chua xót và căm thù ở lại phía sau, tôi vẫn còn ở trong ngục tù”.
Vào năm 1991, Mandela được bầu làm chủ tịch ANC. Từ đây ông đã dấn thân vào những cuộc thương thuyết đầy sóng gió và đóng vai trò lãnh đạo trong việc dẫn dắt đất nước chia rẽ đi từ thời kỳ apartheid đến một nền dân chủ đa sắc tộc. Như là kết quả của những hy sinh và nỗ lực kiến tạo hòa bình không mệt mỏi, Mandela đã được nhiều người trên toàn thế giới công nhận là biểu tượng của sự hòa giải.
“Có một bài học tôi rút ra được khi thương thuyết là cho đến khi tôi thay đổi chính mình, tôi không thể thay đổi người khác”, Mandela viết.
Đôi lúc, những cuộc thương thuyết tưởng chừng như đã đổ vỡ, với đỉnh điểm là vụ ám sát lãnh đạo đảng Cộng sản Nam Phi và là thủ lĩnh nhóm Umkhonto we Sizwe, Chris Hani vào tháng 4.1993. Hơn 70 người đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực bùng phát sau vụ ám sát.
Sau vụ bắt giữ thủ phạm người gốc Ba Lan Janusz Walus nhờ công chỉ điểm của một người phụ nữ da trắng, Mandela đã có bài phát biểu trên toàn quốc kêu gọi hòa bình, đoàn kết và từ bỏ bạo lực: “Hôm nay, tôi đang nói với từng người Nam Phi, đen cũng như trắng, từ tận sâu thẳm tâm khảm. Một người đàn ông da trắng đầy định kiến và căm hờn đã đến đất nước chúng ta và thực hiện một hành động quá đỗi sai trái khiến cả quốc gia chông chênh bên bờ vực thảm họa”.
Tuy nhiên, Mandela đã kêu gọi: “Vụ giết người máu lạnh nhắm vào Chris Hani đã làm rung chuyển toàn thể đất nước và thế giới… Những gì xảy ra là một thảm kịch quốc gia làm lay động hàng triệu người, vượt qua sự chia rẽ chính trị và màu da… Giờ đây là lúc mọi người Nam Phi đoàn kết chống lại những kẻ, dù đến từ phương nào, muốn hủy hoại những gì mà Chris Hani đã cống hiến cả cuộc đời - tự do cho tất cả chúng ta”.
Với những nỗ lực bền bỉ của Mandela và cả người sẽ cùng ông nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 1993 - Tổng thống FW de Klerk, chưa đầy hai tháng sau vụ ám sát ông Hani, cuộc thương thuyết giữa ANC và chính phủ của người da trắng đã đi đến một thỏa thuận định ra ngày diễn ra cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên trong lịch sử Nam Phi và đánh dấu hồi kết cho chủ nghĩa apartheid vào ngày 27.4.1994.
|
Đó cũng là thời điểm Mandela trở thành tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử Đất nước Cầu vồng, với câu kết nổi tiếng bằng ngôn ngữ của những người Nam Phi da trắng trong bài diễn văn nhậm chức: “Quá khứ là quá khứ”.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa là hồi kết cho chặng đường dài đến tự do của Mandela và đất nước Nam Phi.
Trận cầu hóa giải hận thù
Là lãnh đạo trong thời kỳ quá độ từ apartheid sang nền dân chủ đa sắc tộc, Mandela xem ưu tiên hàng đầu của ông là hòa giải quốc gia. Những biến động và chia rẽ vẫn ám ảnh đất nước Nam Phi trong buổi bình minh của nền dân chủ đa sắc tộc và chỉ có những hành động dũng cảm và quyết liệt của Madiba, tên gọi trìu mến của người dân Nam Phi dành cho Mandela, mới có thể đặt dấu chấm hết cho những nghi kỵ hằn sâu giữa những con người trong cùng một đất nước.
Và khoảnh khắc biến Mandela trở thành một người khổng lồ đồng thời đánh dấu sự khuất phục cuối cùng của những người Nam Phi da trắng cựu thù đến vào ngày 24.6.1995, ngày diễn ra trận chung kết giải vô địch bóng bầu dục thế giới giữa Nam Phi và New Zealand.
Vào thời ấy, bóng bầu dục vẫn được người da đen Nam Phi là môn thể thao của những người da trắng. Lúc bấy giờ chỉ có duy nhất một người da đen trong đội tuyển quốc gia bị căm ghét Springboks, từng một thời là một trong những pháo đài của chủ nghĩa apartheid.
Cả sân vận động Ellis Park ở thành phố Johannesburg với phần lớn khán giả là người da trắng đã nín lặng trước khi vỡ òa khi chứng kiến Mandela khoác trên người chiếc áo màu xanh cam của Springboks bước ra bắt tay các cầu thủ trong đội tuyển Nam Phi.
Cùng với quốc kỳ và bản quốc ca cũ, chiếc áo đấu của Springboks là một trong những biểu tượng của apartheid song Mandela đã không ngần ngại khoác nó lên mình, bất chấp những nghi ngại. Đó là một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất của thể thao và cũng là khi thể thao nhường chỗ cho một điều gì đó lớn lao hơn.
Mandela đã xuất hiện một lần nữa sau khi Nam Phi giành chiến thắng trong trận chung kết. Theo tường thuật của tác giả John Carlin trong cuốn sách có tựa đề Play with enemy: Nelson Mandela and the game that saved a nation (tạm dịch: Chơi với kẻ thù: Nelson Mandela và trận đấu cứu rỗi một quốc gia), khi chuẩn bị trao cúp cho đội trưởng người da trắng Francois Pienaar, Mandela đã nói: “Francois, cám ơn các cậu vì những gì các cậu đã làm cho đất nước”.
Với sự xúc động sâu sắc, Pienaar đã trả lời: “Không, thưa ngài tổng thống. Cám ơn ngài vì những gì ngài đã làm”.
Đó ắt hẳn cũng là những gì mà người dân Nam Phi thầm nhủ trong ngày mà vị cha già đáng kính rời bỏ họ. Nelson Mandela đã ra đi song nguồn cảm hứng và niềm hy vọng mà ông để lại chắn chắn sẽ không bao giờ chết.
Sơn Duân
>> Hàng loạt sao Hollywood tiếc thương ông Nelson Mandela
>> Thế giới tiếc thương ông Nelson Mandela
>> Những cột mốc quan trọng trong cuộc đời Nelson Mandela
>> Các nguyên thủ bày tỏ lòng thương tiếc ông Nelson Mandela
>> Ông Nelson Mandela từ trần ở tuổi 95
>> Ông Mandela từ trần
Bình luận (0)