Người tự tử ở Mỹ và Mexico tăng vì thời tiết nóng hơn

24/07/2018 11:03 GMT+7

Nhóm nghiên cứu phát hiện "bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thời tiết nóng hơn làm tăng cả tỷ lệ tự tử và sử dụng ngôn ngữ trầm cảm trên mạng xã hội”.

Những phát hiện của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change ngày 23.7. Theo Medical Daily, sau khi phân tích dữ liệu y tế về hơn 850.000 vụ tự tử trong 36 năm ở Mỹ và hơn 611.000 vụ tự tử trong hơn 20 năm qua ở Mexico, các nhà nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ tự tử trên khắp nước Mỹ và Mexico.
Họ ước tính nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C sẽ làm tỉ lệ tự tử tăng 0,7% tại Mỹ, 2,1% tại Mexico, tức sẽ có thêm 21.000 trường hợp tự tử vào năm 2050 ở hai nước.
Medical Daily tiết lộ, nhóm nghiên cứu còn kiểm tra ngôn ngữ được sử dụng trên truyền thông xã hội. Tỷ lệ các từ nhất định (chẳng hạn như "cô đơn", "bị mắc kẹt" hoặc "tự sát") được đo lường trong hơn nửa tỉ tweets. Họ phát hiện "bằng chứng mạnh mẽ rằng thời tiết nóng hơn làm tăng cả tỷ lệ tự tử và sử dụng ngôn ngữ trầm cảm trên mạng xã hội”.
Solomon Hsiang, Giáo sư tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), cho biết khi xem xét các tài liệu về xung đột và bạo lực, người ta thấy rằng mọi người đánh nhau nhiều hơn khi thời tiết nóng hơn. Ông nhận xét: "Nhiệt ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí con người và cách chúng ta gây hại”.
Marshall Burke, Phó giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ), cho biết: "Nhiệt độ nóng hơn rõ ràng không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất và quan trọng nhất khiến người ta tự tử. Nhưng phát hiện của chúng tôi gợi ý rằng sự nóng lên có thể có tác động lớn đáng ngạc nhiên đến nguy cơ tự tử. Điều này quan trọng đối với sự hiểu biết của chúng ta về sức khỏe tâm thần cũng như những gì chúng ta mong đợi khi nhiệt độ tiếp tục ấm lên”.
Trang Medical Daily cho hay, từ những năm 1800, số lượng vụ tự tử đã có xu hướng cao hơn trong mùa ấm như mùa hè và mùa xuân. Texas, một trong những bang nóng nhất nước Mỹ, có tỷ lệ tự tử cao hơn. Và tất cả các số liệu này đã tăng lên, đặc biệt trong thời gian gần đây.
Một số chuyên gia cho rằng ánh sáng mặt trời làm tăng nồng độ serotonin, có thể làm tăng hành vi hung hăng ở những người được chẩn đoán bị trầm cảm. Tương tự như vậy, một lý thuyết khác liên quan đến tác động của dị ứng và phát hỏa theo mùa cũng dược dùng để giải thích hiện tượng nói trên.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thông báo hồi tháng 6.2018, từ năm 1999 đến năm 2016, tỷ lệ tự tử ở hầu hết các tiểu bang của Mỹ tăng vọt hơn 30%. Gần 45.000 người tự tử vào năm 2016, khiến nó trở thành 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong gia tăng ở Mỹ, cùng với bệnh Alzheimer và dùng thuốc quá liều.
Tổ chức khí tượng thế giới của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3 thống kê cho thấy 3 năm qua là kỷ lục nóng nhất được ghi nhận. Tổ chức Y tế Thế giới thông báo stress nhiệt liên quan đến biến đổi khí hậu, có thể gây ra thêm 38.000 ca tử vong/năm trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2050. Reuters đưa tin, tháng 5 năm nay, hơn 60 người đã chết ở Karachi (Pakistan) khi nhiệt độ tăng trên 40 độ C.
Trước đó, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) hồi tháng 12.2015. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850) và nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5 độ C vào năm 2018.
Nhưng ngày 1.6.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút tên Mỹ khỏi Hiệp định trên. Hành động này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái đất do Mỹ là nước phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai trên toàn cầu, theo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.