Theo một báo cáo mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã đưa ra so sánh về tiêu thụ thịt, trứng, sữa của người dân Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
Qua số liệu này, Cục Chăn nuôi nhận định, ngành chăn nuôi Việt Nam còn nhiều dư địa trong sản xuất để trở thành nguồn cung thực phẩm của thế giới.
Cụ thể mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ 42,5 kg thịt/năm, cao hơn so với mức trung bình thế giới là 34,7 kg nhưng lại thấp hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc là 50 kg, Malaysia 61 kg, Nga 64 kg, châu Âu 70 kg và Mỹ 100 kg.
Tiêu thụ thịt của Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới |
TN |
Đối với lượng tiêu thụ trứng, trung bình năm mỗi người Việt Nam tiêu dùng 100 - 200 quả trứng. Trong khi đó, ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ là 200 - 300 quả và Trung Quốc 300 quả.
Đối với sản phẩm sữa, số liệu công bố cho thấy, khối lượng tiêu thụ sữa trung bình của mỗi người dân Việt Nam đang thấp hơn 5 lần so với người dân ở khu vực châu Âu, Bắc Mỹ.
Người Việt chỉ uống dưới 50 lít sữa/người/năm. Người châu Âu, Canada tiêu thụ 100 - 200 lít sữa/người/năm. Khối lượng tiêu thụ sữa lớn nhất là tại Úc và Mỹ, mỗi người dân ở các quốc gia này dùng trên 250 lít sữa/năm.
Theo Cục Chăn nuôi, trong cơ cấu sản xuất thực phẩm của Việt Nam, thịt lợn vẫn chiếm số lượng nhiều nhất với 62%, thịt gia cầm 28% trong khi đó, tỷ lệ này của thế giới lần lượt là 37% và 35%.
Năng lực sản xuất thịt trâu, thịt bò của Việt Nam chỉ có 9%, trong khi thế giới là 22%. Thịt dê, cừu ở Việt Nam chiếm 2% và tỷ lệ này trên thế giới là 6%.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, thể chế trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam hiện đã hoàn thiện, rõ ràng về mục tiêu và định hướng phát triển khi đã có luật Chăn nuôi 2018 và Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, ngành chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, kết nối sản xuất và thị trường, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sản xuất thực phẩm trong nước đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước với quy mô 100 triệu dân và hướng đến xuất khẩu, trong đó sẽ phát triển hơn nữa các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì ngành hàng thịt lợn và gia súc ăn cỏ.
Bình luận (0)