Người Việt ăn tôm hùm, cua, cá ngoại ngày càng nhiều

03/03/2023 11:50 GMT+7

Quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường hải sản Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, nhiều cường quốc xuất khẩu hải sản đang đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam.

Trong những ngày cuối tháng 2 đầu tháng 3, các cơ quan ngoại giao và chuyên trách lĩnh vực hải sản của nhiều cường quốc về ngành này như Na Uy, Canada, Mỹ... liên tiếp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Người Việt ăn tôm hùm, cua, cá ngoại ngày càng nhiều dù kinh tế khó khăn - Ảnh 1.

Hải sản ngoại nhập ngày càng được tiêu thụ mạnh

CHÍ NHÂN

Chuyên gia và doanh nghiệp những nước này đánh giá thị trường thủy hải sản Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Với dân số 100 triệu người và mức tiêu thụ hải sản thuộc nhóm đầu thế giới 37kg/người/năm, tốc độ tăng trưởng cũng đang ở mức cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, tháng 12.2022, Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC), chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam dù sản phẩm đã có mặt từ rất lâu. Đến 28.2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Na Uy và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức hội thảo "Việt Nam - Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản".

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2022 Việt Nam nhập khẩu hải sản từ Na Uy trị giá gần 260 triệu USD, tăng 16,5%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Na Uy chỉ 9,4 triệu USD, tăng 5,2%.  

Hội đồng Hải sản Na Uy cho biết, nhiều công ty của nước này đã và đang xuất khẩu cá hồi và các sản phẩm hải sản khác sang thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ năm 2023, NSC đang có chiến lược mở rộng xuất khẩu thủy sản của Na Uy sang thị trường Việt Nam.

Ngay sau đó, tại TP.HCM các nhà xuất khẩu hải sản bang Alaska phối hợp với Tổng lãnh sự quán Mỹ tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng này. Kim ngạch xuất khẩu hải sản Alaska sang Việt Nam tăng từ 9 triệu USD năm 2018 lên 27 triệu USD trong năm 2022. Tôm hùm và các sản phẩm cá hồi, cá tuyết, cá minh thái được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Các doanh nghiệp Mỹ tin tưởng, sau các hoạt động xúc tiến thương mại, kim ngạch của các sản phẩm này tiếp tục tăng.

Người Việt ăn tôm hùm, cua, cá ngoại ngày càng nhiều dù kinh tế khó khăn - Ảnh 2.

Nhiều cường quốc xuất khẩu hải sản xem Việt Nam là thị trường số 1 Đông Nam Á

CHÍ NHÂN

Trước đó, bang Nova Scotia (Canada) cũng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại TP.HCM. Việt Nam được xem là đối tác lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á. Năm 2022, Việt Nam là thị trường tiêu thụ hải sản Canada số 1 ở khu vực Đông Nam Á với kim ngạch đạt 65 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2021. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh như tôm hùm, cua tuyết, ốc vòi voi… Canada cũng nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu hải sản hàng đầu thế giới.

Theo một số nhà nhập khẩu và phân phối hải sản Việt Nam, những năm gần đây, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do nên thuế nhập khẩu hải sản từ nhiều thị trường giảm xuống 0% khiến giá thành nhóm sản phẩm ngày càng cạnh tranh hơn. Trong khi đó, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm nên các nhà xuất khẩu ở các nước này buộc phải hạ giá bán và mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tăng cường xúc tiến thương mại ở các thị trường như Việt Nam. Đó là những lý do cơ bản khiến gần đây sản phẩm hải sản ngoại nhập vào Việt Nam tăng mạnh dù kinh tế đang khó khăn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.