9 tháng đầu năm 2020 thị trường xe máy Việt Nam chứng kiến 1,928 triệu xe tới tay khách hàng, giảm 407.000 xe so với cùng kỳ năm 2019. Dù chỉ là doanh số của 5 thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) nhưng cũng có thể coi là đại diện chung của thị trường xe máy khi doanh số của các thương hiệu mô tô, các cửa hàng nhập khẩu tư nhân thực sự quá ít ỏi, thị phần không đáng kể.
Mức giảm lên tới gần nửa triệu xe được xem là đáng báo động dù vẫn còn 1 quý cuối năm trúng mùa mua sắm để bứt phá. Nhưng ngay cả khi 3 tháng cuối năm thị trường đạt tương đương doanh số 831.440 xe năm ngoái thì tổng kết cả năm cũng chỉ có khoảng 2,75 triệu xe bán ra vẫn thấp hơn đáng kể so với 3,25 triệu xe tới tay khách hàng Việt vào năm ngoái. Đỉnh điểm của thị trường xe Việt trong những năm gần đây là vào năm 2018 với 3,38 triệu xe tới tay người tiêu dùng.
VIDEO: Thị trường xe máy Việt Nam ‘lao dốc’ vì Covid -19
|
Nguyên nhân khiến thị trường xe máy Việt Nam không được như kỳ vọng được nhiều người cho rằng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Đây đúng là lý do thuyết phục khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không ít tới túi tiền của nhiều người việt dẫn tới nhu cầu tiêu dùng của người Việt cũng như đi lại trong khoảng 1 tháng cách ly giảm mạnh, đặc biệt là sắm phương tiện mới.
Tuy nhiên đây không hẳn là nguyên nhân chính dẫn tới doanh số giảm mạnh lên tới gần nửa triệu xe so với cùng kỳ bởi Việt Nam hiện vẫn là một trong những nước chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, thời gian cách ly xã hội là rất ngắn, nhu cầu đi lại gần như là bình thường so với trước đại dịch. Thậm chí, do lo ngại từ dịch bệnh không ít người đã chuyển từ các phương tiện công cộng sang xe máy.
|
Không hẳn do đại dịch Covid-19, người Việt đã chán xe máy?
Nhìn vào bức tranh thị trường Việt trong 10 năm gần đây có thể thấy rõ doanh số xe gắn máy thường lên xuống theo đồ thị hình Sin, có lên, có xuống. Giống như giai đoạn đầu 2010, thị trường xe máy sau khi lên đỉnh vào năm 2012 với 3,1 triệu xe đã nhanh chóng lao dốc xuống còn 2,7 triệu xe trong năm 2014, tăng dần trở lại trong các năm tiếp theo trước khi thiết lập đỉnh mới liên tiếp trong 2 năm 2017 (3,27 triệu xe) và 2018 (3,38 triệu xe). Năm 2019 doanh số xe máy bắt đầu giảm nhẹ còn 3,25 triệu xe, rất có thể 2020 là năm doanh số giảm kỷ lục xuống dưới 3 triệu xe kể từ năm 2016.
|
Việc thị trường xe máy ngụp lặn với “tiết tấu” nhanh chủ yếu trong 10 năm qua kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, nhu cầu đổi xe cao cấp hơn, chuyển dịch từ xe số sang xe ga của người Việt là rất lớn. Bằng chứng là mẫu xe ga Yamaha Sirius đã mất vị trí dẫn đầu doanh số vào tay mẫu xe ga giá rẻ Honda Vision trong năm 2017, trước đó mẫu Air Blade cũng từng đạt vị trí tương tự vào năm 2014. Ở phân khúc xe cao cấp, Honda SH vẫn tiếp tục đạt doanh số ấn tượng khiến nhiều mẫu xe ga giá rẻ còn phải ngưỡng mộ.
Nếu theo dõi thị trường, vào mỗi thời điểm doanh số xe máy tăng mạnh thường có một cú hích lớn từ những mẫu xe hoàn toàn mới hay thế hệ mới của một dòng xe hấp dẫn ra mắt với nhiều cải tiến hoặc xu hướng công nghệ vừa được cập nhật.
VIDEO: Xe máy Peugeot có gì để cạnh tranh Vespa, Honda SH?
|
Tuy nhiên, thị trường xe máy Việt Nam 2 năm trở lại đây không có nhiều thay đổi như vậy. Sau khi Piaggio đi đầu trong việc trang bị phanh an toàn ABS, Yamaha tích cực đưa công nghệ này phổ cập phân khúc xe phổ thông thì làng xe máy Việt chưa có cú hích nào thực sự nặng đô. Thậm chí hai mẫu xe được kỳ vọng nhiều sẽ có thay đổi lớn làm nên chuyện trong năm nay là Honda Winner X và SH 2020 đều khiến người tiêu dùng thất vọng hay Piaggio Meldey thế hệ mới cũng không thể tạo nên đột phá.
Những mẫu xe nhàm chán sẽ khó tạo ra một thị trường sôi động. Trong vài năm tới, thị trường vẫn có thể bứt phá khi các nhà sản xuất tung thêm mẫu xe mới hấp dẫn hơn kích thích người tiêu dùng Việt móc hầu bao nhưng việc đổi mới chưa bao giờ là dễ thực hiện.
Bình luận (0)