Người viết biên niên sử bằng âm nhạc

05/08/2018 14:00 GMT+7

Trải qua 2 cuộc kháng chiến cho đến khi đất nước thống nhất, đổi mới, phát triển, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chứng kiến và đi theo những dọc dài lịch sử của đất nước. Ông được ví như người viết biên niên sử bằng âm nhạc.

Giữ cho mình trong sáng
Cuộc sống thường ngày của nhạc sĩ khi sắp bước sang tuổi 90 như thế nào?
Tôi vẫn tập thể dục nhẹ nhàng. Nhà ở tầng 3 nên tôi chỉ lên tầng trên tập một chút. Còn xuống nhà đi bộ buổi sáng thì bạn bè đông lắm, xuống tập thì ít, nói chuyện thì nhiều (cười). Tôi vẫn giữ nếp từ khi còn bé đến nay là ham đọc sách. Hằng ngày, tôi vẫn dành một số thời gian nhất định để đọc sách, báo.
Ông là người con thứ 9 của học giả Phạm Quỳnh. Cha và gia đình đã có những ảnh hưởng thế nào đến con đường nghệ thuật của ông?
Ông cụ nhà tôi mất khi tôi 15 tuổi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ câu dặn của ông mà các bà chị tôi vẫn hay nhắc trong thời kỳ biến động: “Làm thế nào phải giữ cho mình trong sáng”. Ảnh hưởng lớn nhất của ông cụ với tôi là sự ham học hỏi. Thuở bé, cứ chơi đá bóng về thế nào tôi cũng chui vào buồng làm việc của ông cụ, lục trong các tủ sách những cuốn sách hay. Đến giờ, đọc sách đã thành nếp sống.
Người viết biên niên sử bằng âm nhạc1
Đoàn văn nghệ học sinh Khu học xá T.Ư với Bác Hồ (nhạc sĩ Phạm Tuyên đứng ngoài cùng bên trái) Ảnh: Tư liệu gia đình
Học giả Phạm Quỳnh có là người ép buộc con cái theo định hướng?
Ông cụ nhà tôi không ép buộc con cái theo định hướng nào, mà để từng người con phát triển theo khả năng riêng.
Thuở bé, thấy tôi thích làm phim với sáng tác âm nhạc, cụ rất động viên. Trong gia đình, mỗi anh chị em có một định hướng, nhưng quan trọng nhất, chúng tôi được dạy rằng luôn phải giữ cho lòng mình trong sáng với cuộc sống, với đất nước, quê hương.
Tôi rất cảm động khi tháng 3 vừa rồi (tháng 3.2018), Giải thưởng Phan Châu Trinh (do Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh sáng lập, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ tịch) đã vinh danh Phạm Quỳnh là danh nhân văn hóa VN thời hiện đại. Bấy lâu nay, việc ấy đã chìm trong quên lãng, đến nay được nhắc đến khiến tôi rất cảm động. Tôi lại nhớ đến lời Bác Hồ từng nói với hai người chị của tôi: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sau này lịch sử sẽ đánh giá lại”.
Những ca khúc để lại dấu ấn
Ông được ví như người viết biên niên sử bằng âm nhạc. Nhưng có ca khúc nào vừa gắn liền với sự kiện lịch sử của đất nước, vừa gắn với kỷ niệm của riêng ông?
Sở dĩ có nhận định (người viết biên niên sử bằng âm nhạc - PV) như thế là vì tôi được sống trong môi trường của một đơn vị làm báo của thời chiến. Tình hình của đất nước ảnh hưởng như thế nào đến mình thì mình viết. Tôi không tự đặt cho tôi nhiệm vụ ấy đâu, nhưng đấy là xúc cảm chân thành của một người làm nghệ thuật, mà nghệ thuật cũng là phương tiện để mình thể hiện tình cảm. Khi tôi làm ở Đài tiếng nói VN, các anh hay nhắc một câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết để làm gì, viết cho ai và viết như thế nào. Viết cho thiếu nhi, viết cho người lớn, viết cho công nhân, viết cho nông dân là khác.
Người viết biên niên sử bằng âm nhạc2
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (phải) và nhạc sĩ Lý Trọng Hưng tại Khu học xá T.Ư
Người viết biên niên sử bằng âm nhạc3
Nhạc sĩ Phạm Tuyên (người cầm guitar đứng cao nhất) và dàn nhạc Lục quân Việt Bắc năm 1950
700 bài hát, mỗi bài có sức sống riêng. Nhưng bài hát để lại cho tôi nhiều ngạc nhiên nhất vẫn là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Năm 2000, tôi có dịp vào Huế, gặp một đoàn du khách Nhật Bản. Một nữ du khách khoác đàn guitar và hát hai bài, một là Sakura (Hoa anh đào) và hai là bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Tôi rất cảm động và bất ngờ. Lúc sau, nữ du khách ấy có nói với tôi, với cô, ca khúc chính là thông điệp của VN truyền ra thế giới: một đất nước nhỏ bé nhưng đã chiến thắng hai đế quốc lớn.

Đừng quên một chức năng cũng cao quý khác của âm nhạc là nhắc nhở con người về trách nhiệm xã hội

Ca khúc Gửi nắng cho em được sáng tác sau ngày giải phóng miền Nam, nhưng ngay sau đó bị lệnh cấm bất thành văn. Gần 10 năm sau, vào đúng giao thừa năm 1986, lần đầu tiên, ca khúc được trở lại trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM qua tiếng hát Ngọc Tân. Khoảng thời gian đó có khiến ông buồn?
Hồi đấy, anh em bảo là có thông tin không chính thức báo cho đài phát thanh và truyền hình không phát bài hát đó. Nhiều anh em nhạc sĩ bảo tôi: “Này ông Tuyên ơi, ông phải viết một bài để nói ai lại cấm như thế”. Tôi chỉ cười bảo: “Cứ để cho xã hội thẩm định, rồi xã hội sẽ trả lại chỗ đứng cho bài hát, chứ tôi không viết bài tranh luận”. Quả nhiên, sau này bài hát được phổ biến lại. Bạn tôi, anh Bùi Văn Dung (tác giả bài thơ được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ thành ca khúc Gửi nắng cho em) bảo anh viết về tình cảm thống nhất đất nước, thế mà có người lại suy luận mới giải phóng mà Phạm Tuyên đã ảnh hưởng chủ nghĩa thực dân mới, chưa chi đã gửi nắng miền Nam ra miền Bắc. Rồi có cả chuyện bài hát Đảng đã cho ta một mùa xuân có người suy luận một năm có bốn mùa mà sao viết Đảng chỉ cho mỗi mùa xuân?
Thực ra, những chuyện ấy đối với tôi không khó khăn lắm để vượt qua và tôi cũng không bị ảnh hưởng lắm. Vì tôi vẫn tin những tình cảm chân thành, những gì trong sáng nhất mình viết sẽ đến với mọi người.
Cho đến mãi gần đây, khán giả mới biết đến nhiều hơn những khúc tình ca của Phạm Tuyên. Phải chăng ông đã “nén” lại những ca khúc về đề tài này bởi nhiệm vụ với những ca khúc về đất nước, Đảng và nhân dân?
Tình ca tôi viết nhiều đấy. Và thật ra đứng đằng sau những bài tôi viết chung vẫn có bóng dáng của gia đình. Ông anh tôi (Nhà giáo nhân dân, GS Phạm Khuê - PV) lúc còn sống hay bảo: “Thế nào dạo này có còn hay gửi nắng cho em nữa không?”. Tôi cười: “Lúc nào em chả gửi nắng”. Khi mọi người hỏi tôi có bóng dáng của bà nhà tôi trong ca khúc (Gửi nắng cho em - PV) không, tôi nói tại sao không có, phải có bóng dáng người thân yêu của mình nằm trong tình yêu đất nước. Khi đất nước thống nhất, có tình yêu của bản thân mình thì mới có được những xúc cảm chân thành.
Người viết biên niên sử bằng âm nhạc4
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ - cố PGS-TS Nguyễn Ánh Tuyết cùng hai cháu ngoại chụp năm 1995 Ảnh: Tư liệu gia đình
Còn đó những trăn trở…
Khi đã đi qua chặng đường dài cùng nền âm nhạc nước nhà, đến giờ, có điều gì ông vẫn còn trăn trở?
Nhiều bạn âm nhạc gặp tôi vẫn đau đáu bây giờ làm thế nào để động viên lại mọi người quan tâm hơn nữa đến âm nhạc cho trẻ con. Năm 1997, tôi thật cảm động khi ông Nguyễn Thắng Vu, lúc ấy là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, gọi điện cho tôi nói trẻ con thiếu bài hát và hỏi tôi có bao nhiêu bài hát cho trẻ con, bao nhiêu bài ông cũng in. Đợt đó, nhà xuất bản in 100 bài. Khi ông Nguyễn Thắng Vu mất, bên nhà xuất bản lại gọi tôi để xin in thêm 100 bài nữa. Đến năm ngoái, nhà xuất bản xin phép tái bản. Nhưng lần này, tôi không vui. Tôi không hiểu vì sao một thế hệ nhạc sĩ được đào tạo cẩn thận, sức trẻ nhiều mà lại không viết. Có lần, tôi vào TP.HCM, gặp một số nhạc sĩ trẻ ở trong đấy, tôi hỏi: “Tại sao các em không viết nhạc cho thiếu nhi?”, các bạn chỉ cười, nói viết nhạc thiếu nhi khó tiêu thụ lắm. Những nhạc sĩ quan tâm đến chuyện này cũng phàn nàn với tôi, gần đây họ viết nhưng không có kinh phí để dàn dựng. Tôi nghĩ, với những thế hệ trước, các bài hát thiếu nhi phổ biến như thế là bởi có sự phối hợp không những của giới âm nhạc, mà còn có cả các tổ chức, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục. Phải kết hợp mới được. Nhưng gần đây thiếu sự kết hợp ấy, mạnh ai nấy làm cho nên sức phổ biến của bài hát hạn chế.
Ông còn có kỷ niệm nào để kể về cuộc đời sáng tác?
Còn câu chuyện khác tôi muốn nói. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc trước khi vào Nam bảo tôi: “Tuyên ơi, chú ý nhé, trong chiến tranh âm nhạc là vũ khí đấy”. Tôi nhắc lại như thế, bởi có một khoảng thời gian lúc bắt đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi từng nghĩ là thôi mình phát trên đài những khúc tình ca cho nhẹ nhàng, thì ông Lưu Hữu Phước gọi điện cho tôi, nói: “Ông Tuyên ơi, trong này chúng tôi chỉ ngủ có một mắt thôi”, ý là âm nhạc luôn đánh thức người ta, trách nhiệm xã hội. Với âm nhạc trong thời bình, chức năng giải trí rất lớn, không ai phủ nhận, nhưng đừng quên một chức năng cũng cao quý khác của âm nhạc là nhắc nhở con người về trách nhiệm xã hội.
Tôi thuộc về thế hệ đi qua 2 cuộc kháng chiến. Tôi không nghĩ lúc nào cũng phải viết nhạc cổ động đâu, vì xã hội đổi mới mà. Người nào phản đối tình ca là không đúng, phải hát tình ca nhiều. Nhưng không phải vì hát tình ca mà quên tình cảm lớn hơn.
Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 1948, ông học Trường đại học Pháp lý. Khi Pháp đổ bộ lên Việt Bắc, ông xếp bút nghiên để tòng quân. Ông học tại Trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 5, khóa chuẩn bị tổng phản công. Trong thời gian này, ông viết ca khúc đầu tiên Vào lục quân. Tốt nghiệp năm 1951, ông về làm đại đội trưởng đại đội thiếu sinh quân bé nhất của Trường Thiếu sinh quân VN ở Thái Nguyên. Năm 1953, ông công tác tại Bộ Giáo dục, đồng thời là giáo viên dạy văn và nhạc, phụ trách công tác văn - thể - mỹ ở Khu học xá T.Ư. Năm 1958, ông làm Trưởng ban Biên tập âm nhạc, Trưởng đoàn Ca nhạc Đài tiếng nói VN. Đến năm 1979, ông công tác tại Đài truyền hình VN ở vị trí Trưởng ban Văn nghệ. Ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội từ năm 1996 - 2015 và là chủ tịch danh dự từ năm 2016 đến nay.
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên năm 1957 Ảnh: Tư liệu gia đình
Ông sáng tác 700 ca khúc ở nhiều mảng đề tài, thể loại như cách mạng, trữ tình, thiếu nhi, ngành nghề. Những sáng tác tiêu biểu của ông: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Đảng đã cho ta một mùa xuân, Màu cờ tôi yêu, Chiếc gậy Trường Sơn, Con kênh ta đào, Lời ru của đêm, Gửi nắng cho em, Cánh én tuổi thơ, Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Trường cháu là trường mầm non…
Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước đợt 1 về văn học nghệ thuật. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Năm 2018, Trung tâm kỷ lục Guinness VN đã trao bằng chứng nhận Phạm Tuyên là nhạc sĩ VN có nhiều bài hát trẻ em yêu thích nhất.
Nhạc sĩ của nhân dân
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Ảnh: T.L
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là người luôn trân trọng, yêu mến cuộc sống, một niềm tin yêu giúp ông luôn có những cảm xúc chân thành, sáng trong để bình thản sống và hoạt động nghệ thuật giữa những khó khăn đời thường. Ông là người có lòng yêu nước sâu nặng, đồng thời rất nhạy bén với thời cuộc. Trước mỗi biến chuyển của đất nước, ông đều ghi lại bằng âm nhạc, như việc của một người ghi chép lịch sử, và mang đến sự cổ vũ, động viên đồng bào ta. Phạm Tuyên là một trong số các nhạc sĩ VN thành công nhất, được công chúng nhớ và mến yêu. Ông chính là nhạc sĩ của nhân dân.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ảnh: T.L
Phạm Tuyên là một nhạc sĩ “vạm vỡ”. Ông có khả năng tung hoành trên nhiều đề tài, nhiều thể loại: ca khúc chính trị, ca khúc trữ tình, ca khúc thiếu nhi, ca khúc về các ngành nghề. Ở mảng đề tài nào Phạm Tuyên cũng có những bài hát “găm” được vào trí nhớ công chúng. Đặc biệt là những ca khúc chính trị.
Cuộc đời nhạc sĩ Phạm Tuyên là một pho tiểu thuyết bề bộn với nhiều cung bậc. Có thể tóm tắt bằng hai câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”. Cái khả năng không phải ai cũng có được của nhạc sĩ Phạm Tuyên là biến nỗi đắng trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng cho người đời chiêm ngưỡng.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.