13 năm chơi với… “cái trên trời”
Anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) là cái tên không mấy xa lạ với các thành viên trong những hội nhóm yêu thiên văn nghiệp dư.
Bởi, hầu như trong bất cứ sự kiện thiên văn đặc biệt nào, anh cũng đều sử dụng nhiều thiết bị để livestream, chụp ảnh, gắn kết nhiều người yêu thiên văn với nhau.
Dù chỉ là “dân chơi" nghiệp dư, nhưng anh Tuấn đầu tư hết sức bài bản cho niềm đam mê của mình. Hiện tại, anh đang sử dụng 2 kính gồm kính khúc xạ tự chế D102F900 và kính phản xạ mua của hãng Sky-Watcher D150F750.
Những kính này được anh sử dụng để quan sát các hành tinh, thiên hà, các hiện tượng thiên văn xuất hiện trên bầu trời. Ngoài kính ra, anh cũng dùng nhiều thiết bị đi kèm tùy nhu cầu và mục đích quan sát. Chẳng hạn anh sử dụng thị kính các tiêu cự khác nhau để cho độ phóng đại khác nhau, gương chéo đảo ảnh, barlow để tăng độ phóng đại, film lọc để quan sát mặt trời, máy ảnh để chụp ảnh đối tượng quan sát, giá kẹp điện thoại để quay video livestream…
“Và còn một thiết bị cực kỳ quan trọng không thể thiếu chính là chân kính thiên văn. Mình đang dùng chân EQ3-D có dùng động cơ để bám nhật động. Mọi người cũng biết đấy, nếu không có chân kính và bám nhật thì sẽ khó quan sát thiên thể ở độ phóng đại lớn vì mọi thứ sẽ trôi rất nhanh do Trái đất không ngừng quay mà”, anh nói thêm.
Để đầu tư cho những thiết bị nói trên, anh Tuấn tiêu tốn từ 20 - 25 triệu đồng. Tất cả chỉ để thỏa mãn một điều duy nhất, chính là niềm đam mê và tình yêu đối với những “cái trên trời".
Ít ai biết, tình yêu thiên văn của người đàn ông này đã khởi nguyên từ thời anh còn là học sinh, với những sự tò mò và thích thú vô tận với những bí ẩn của bầu trời. Anh tham gia vào những câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư trong trường đại học, rồi sau này là của địa phương. Cứ như vậy, tình yêu đó ngày càng lớn dần trong anh. Tuy nhiên anh Tuấn cũng cho biết anh thực sự nghiêm túc đối với thiên văn từ hồi 2010.
“Hồi xưa, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, mình không thể mua được nhiều thiết bị xịn. Vả lại khi đó việc tìm các thiết bị dành cho thiên văn cũng khó khăn, mình còn phải tự chế một số kính để quan sát nhưng chất lượng không cao. Sau này khi đã ra trường, đi làm, mình có điều kiện hơn thì mức độ đầu tư cũng ngày càng tăng lên. Để có những thiết bị như hiện tại mình cũng đã trải qua thời gian dài nâng cấp, mua mới”, anh kể.
Hiện tại dù đang làm việc trong quân đội, nhưng điều đó không cản trở niềm đam mê thiên văn của anh. Hiếm khi anh bỏ qua các hiện tượng thiên văn trên bầu trời. Điều anh thấy hạnh phúc là truyền được tình yêu đó cho vợ con và các bạn trẻ yêu thiên văn khác.
“Với những sự kiện thiên văn khó quan sát như mưa sao băng, mình chủ yếu lên sân thượng ở nhà xem một mình. Còn với những hiện tượng lớn như nhật thực, nguyệt thực, vợ con mình hay nhiều trẻ em trong xóm cũng tới nhà mình quan sát. Có một thiết bị tốt để quan sát là một điều hết sức hạnh phúc với dân chơi thiên văn nghiệp dư như tụi mình", anh Tuấn nói.
Đầu tư hơn 100 triệu cho thú chơi thiên văn
Anh Huỳnh Hào Huy (tên thường gọi là Huy Huynh, 27 tuổi) hiện là thực tập sinh sống và làm việc tại TP.Tamano (tỉnh Okayama, Nhật Bản) cũng là người dành một tình yêu đặc biệt cho thiên văn. Trên các diễn đàn, nhiều người không khỏi say đắm với những bộ ảnh về dải ngân hà, các hiện tượng siêu trăng, mưa sao băng, sao chổi, nhật thực, nguyệt thực… do anh đăng tải.
Là một thực tập sinh tất bật với công việc ban ngày, ban đêm, anh Huy lại trở thành “người mộng mơ" đi săn những khoảnh khắc tuyệt đẹp trên bầu trời. Để có được những bức ảnh đẹp, cũng như quan sát được nhiều hiện tượng thiên văn, anh Huy đầu tư mua sắm nhiều thiết bị.
Anh Huy nói rằng khi mới bước vào cuộc chơi nhiếp ảnh thiên văn, anh đã tìm hiểu mua body Fujifilm X-H1, ban đầu cũng chỉ chụp đơn giản. Nhưng dần về sau, vì muốn tìm hiểu sâu hơn về thiên văn, anh đã nghiêm túc với bộ môn này và đầu tư thêm 1 body Sony A7R III nữa để chụp được nhiều hơn. Bên cạnh đó, anh còn mua thêm những thiết bị kèm theo như ống kính, chân máy, bộ bám nhật động... Theo đó, tổng chi phí đầu tư cho đến thời điểm hiện tại hơn 100 triệu đồng.
“Thực ra với những dân chơi thiên văn khác, những thiết bị mình đang có cũng là bình thường thôi, chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản. Nhiều khi việc chụp bầu trời với mình gặp nhiều khó khăn lắm, nhất là khi ở Nhật thời tiết giữa đêm vô cùng lạnh, chưa kể nhiều hiện tượng đòi hỏi mình phải kiên nhẫn chờ đợi trong suốt nhiều giờ liền mới có thể chụp được", anh cho biết.
Lần gần đây nhất, anh đã “săn" được sao chổi xanh lá cây C/2022 E3 đi ngang qua Trái đất sau 50.000 năm vào cuối tháng 1, đầu tháng 2. Để có được một bức ảnh về ngôi sao chổi này, anh đã dành tận 2 ngày. Ngày đầu, thất bại. Ngày hôm sau anh vẫn kiên trì chụp liên tục và cuối cùng cũng có được thành quả.
“Có được thiết bị cơ bản để chụp là một chuyện, nhưng còn phải biết căn chỉnh tọa độ để chụp được sao chổi này là rất điều cần thiết. Do chụp vật thể nhỏ và cần phải dùng ống kính tầm xa nên việc bắt vật thể trong phạm vi hẹp là khá khó khăn, cần nhiều thời gian. Về môi trường chụp thì bị nhiễm sáng kha khá do vị trí chụp nằm trong khu dân cư nên việc quan sát canh tọa độ cũng khá khó khăn với mình", anh nói.
Anh cho biết mình sẽ không ngừng cố gắng để có thể nâng cấp thiết bị, thỏa mãn được tình yêu dành cho thiên văn trong những năm tháng về sau.
Trong khi đó, với anh Nguyễn Văn Nhất (28 tuổi) chủ của “Gió Farm - Nơi của gió” ở địa chỉ đội 3 thôn 2, xã Quảng Tâm, H.Tuy Đức (Đắk Nông) thì nói rằng thiết bị tuyệt vời nhất để ngắm bầu trời chính là đôi mắt.
Nông trại của anh nằm ở một vùng quê, nơi không bị ô nhiễm ánh sáng, và việc quan sát bầu trời với anh là một điều thật tuyệt vời mỗi đêm. Bầu trời, trong ánh nhìn của anh Nhất luôn chứa đựng nhiều điều bí ẩn và thú vị vô tận mà anh không thể nào khám phá được hết.
“Vì nơi tôi ở không ô nhiễm ánh sáng, nên khi phóng tầm mắt lên bầu trời, tôi dễ dàng nhìn thấy sao băng, các chòm sao, mặt trăng, các hiện tượng thiên văn một cách rõ ràng. Tôi cũng thường dùng điện thoại để chụp lại chúng", anh tâm sự.
Bình luận (0)