Người Việt có tổ có tông

29/04/2018 08:19 GMT+7

Ở VN mình, có một thứ “đạo” mà không phải tôn giáo, đó là “đạo thờ cúng ông bà”. Hầu hết người Việt theo đạo này, dù sống ở đâu.

Thờ cúng tổ tiên, ông bà đã khuất là đạo nghĩa, và hơn nữa, là tình cảm sâu nặng của con, cháu, chắt...
trong gia đình, gia tộc để luôn tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà mình. Thờ cúng ông bà là điều thiêng liêng, có thể nói là thiêng liêng nhất với người Việt. Không một thứ “đạo” nào khác có thể xâm phạm hay hủy hoại được niềm tin và tình yêu thương tới mức “khắc cốt ghi xương” này của người Việt.
Dù không theo tôn giáo nào, nhưng tôi là người có đức tin. Đức tin mà tôi có được phần lớn nhờ vào niềm kính ngưỡng tổ tiên, ông bà mình. Đó không chỉ là kính ngưỡng, mà còn là tình yêu. Không biết yêu thương cha mẹ mình thì còn nói đến chuyện yêu thương ai được nữa? Cũng như không biết yêu đất nước mình thì làm sao yêu được toàn thế giới? Người Việt sống có thủy có chung, mà biểu hiện thường nhật và sâu sắc nhất của lòng chung thủy ấy là tình yêu thương cha mẹ mình, ông bà mình, dẫn tới lòng yêu kính tổ tiên, không bao giờ quên ngày Giỗ tổ Hùng Vương, bởi đó là biểu tượng cho tổ tiên dân tộc mình. Không có Quốc tổ thì không có dân tộc. Không có dân tộc làm sao có gia đình dòng họ cha mẹ mình? Sự gắn kết máu mủ là sự gắn kết đầu tiên và sâu thẳm nhất với người Việt.
Tôi biết, đã có biết bao người Việt khi khổ nghèo không thể xây mộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đã khuất thì lòng luôn canh cánh không yên. Còn khi đã vươn lên trong cuộc sống, đã có tài sản và tiền bạc dù chưa nhiều, thì việc đầu tiên họ nghĩ tới là phải về quê xây mộ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đã khuất. Đó là biểu hiện kỳ lạ của lòng biết ơn mà người Việt cho là trách nhiệm của mình đối với những đấng sinh thành, dưỡng dục mình. “Đừng bao giờ cõng bàn thờ ông bà đi bán!”, đó là câu răn dạy khốc liệt của dân gian đối với những ai có mưu toan bán nước, có manh tâm phản bội lại tổ tiên dòng họ, phản bội lại quê hương mình. Trong nhiều tội, với người Việt, thì tội bất hiếu là nặng nhất, ngày xưa, có khi nó còn nặng hơn cả tội bất trung (trung với vua).
Tôi trở lại với đạo thờ cúng ông bà. Tôi cho đó là “đạo” thuần Việt nhất, và sâu thẳm nhất trong tâm hồn người Việt. Nó bắt nguồn từ tình yêu, và mãi mãi đồng hành cùng tình yêu thương, lòng biết ơn, sự nhân hậu, đức hy sinh của người Việt. Đó là điều không thể đánh đổi, không vì bất cứ sự lôi kéo hay mê hoặc nào mà từ bỏ nó.
Rất nhiều năm nay, nhiều dòng họ đã tìm về với nhau, cùng tôn kính thờ phụng tổ tiên ông bà trong dòng họ mình, và thờ cúng những anh hùng dân tộc, những vị vua, những vị thành hoàng có công mở nước, dựng nước, xây làng dựng xóm, quần cư cộng đồng cùng làm ăn, chắt chiu gìn giữ quê hương mình. Tôn kính những bậc tiền hiền, cũng là yêu nước.
Không một tôn giáo nào dám nói là mình không yêu nước. Và cũng không có ai “giữa trời sinh ra” mà không phải là con của cha mẹ mình, ngay cả khi người cha ẩn danh và người mẹ đơn thân. Người mẹ, đó là người vĩ đại nhất trên thế gian này. Đừng bao giờ quên điều giản dị nhưng tối thượng đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.