Sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng cùng sự chuyển mình của bản thân mỗi thương hiệu ô tô cũng như làn sóng đổ bộ của xe Trung Quốc… đang từng bước làm thay đổi cục diện cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam. Vị thế của ô tô Hàn Quốc đang dần suy yếu trước sự áp đảo của các hãng ô tô đến từ Nhật Bản vốn đang nỗ lực thay đổi, đồng thời sự xuất hiện của các thương hiệu đến từ Trung Quốc cũng khiến thị trường ô tô ngày càng cạnh tranh.
Người Việt không còn chuộng ô tô Hàn Quốc như trước đây
Khoảng 2 năm trước đây, ô tô Hàn Quốc dù không quá áp đảo về số lượng so với xe Nhật Bản nhưng luôn khẳng định được vị thế hàng đầu trên thị trường ô tô Việt Nam. Nếu như Hyundai liên tục dẫn đầu về doanh số bán hàng thì Kia luôn được nhiều khách hàng ưa chuộng nhờ mẫu mã đa dạng, thiết kế hiện đại thời trang cùng mức giá khá cạnh tranh khi phần lớn đều được Trường Hải (THACO AUTO) lắp ráp, phân phối tại Việt Nam.
Từng có thời điểm, Hyundai cùng "người anh em" Kia chiếm 2 trong 3 vị trí dẫn đầu cuộc đua doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam. Dù lép vế hơn về số lượng so với xe Nhật Bản, tuy nhiên việc đánh trúng thị hiếu số đông khách hàng Việt bằng những chiếc ô tô có vẻ ngoài hiện đại, thời trang, nhiều tính năng, công nghệ cùng mức giá dễ tiếp cận… đã giúp Hyundai, Kia chiếm ưu thế về mặt doanh số để tạo dựng vị thế trên thị trường ô tô Việt Nam.
Dù vậy, trong khoảng 2 năm trở lại đây, vị thế của ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam đang bị lung lay. Việc người tiêu dùng ô tô tại Việt Nam không còn ưa chuộng xe Hàn Quốc như trước đây đã khiến doanh số, thị phần xe Hàn sụt giảm. Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2023, doanh số Hyundai, Kia chiếm tới 27,5% tổng lượng ô tô mới bán ra tại Việt Nam, thì sau 9 tháng đầu năm 2024 thị phần ô tô Hàn Quốc đã giảm còn 24%.
Trong khi doanh số bán ô tô của nhiều thương hiệu ô tô đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam có bước tăng trưởng, lượng xe Hyundai, Kia bán ra sau 9 tháng đầu năm 2024 đều sụt giảm. Cụ thể, nếu tính riêng mảng ô tô du lịch, doanh số bán của Hyundai chỉ đạt 33.387 xe trong 9 tháng đầu năm 2024, giảm 503 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Kia giảm doanh số khi chỉ bán ra 22.948 xe, giảm gần 5.000 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Kia cũng là thương hiệu ô tô có mức sụt giảm doanh số thuộc hàng cao nhất thị trường ô tô Việt Nam sau 9 tháng đầu năm 2024.
Vì sao ô tô Hàn Quốc không còn hút khách như trước?
Trong bối cảnh công nghệ cũng như xu hướng thời trang đang không ngừng thay đổi, đòi hỏi mỗi một mẫu ô tô nói riêng cũng như bản thân mỗi nhà sản xuất ô tô nếu muốn thành công, phải liên tục đổi mới để đáp ứng nhu cầu thời đại cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Nói như vậy, không phải để ám chỉ các hãng ô tô Hàn Quốc như Kia, Hyundai đang chậm lại trong cuộc đua đổi mới công nghệ, thiết kế để đáp ứng thị hiếu khách hàng trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam (!?)
Ngược lại, phải thừa nhận rằng mẫu mã, công nghệ ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam đã có sự thay đổi đột phá trong khoảng 2 năm trở lại đây. Kia gần như đã làm mới toàn bộ thiết kế, công nghệ các sản phẩm thuộc phân khúc sedan, Crossover của hãng trong thời gian gần đây đồng thời có những thành công nhất định với những dòng sản phẩm mới như Kia Sonet, đặc biệt là Kia Carnival.
Hyundai cũng không hề kém cạnh. Nếu nhìn vào màn lột xác của Hyundai Tucson, Hyundai Creta, Hyundai Elantra hay đặc biệt là cuộc cách mạng tạo ra với Hyundai Accent, gần đây nhất là Santa Fe… có thể thấy bản thân Hyundai không ngừng nỗ lực để đáp ứng thị hiếu khách hàng cũng như có sự đầu tư, chú trọng cho một thị trường ô tô như Việt Nam.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các thương hiệu ô tô Nhật Bản và màn trở lại mạnh mẽ của xe Trung Quốc đã khiến ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Xe Nhật Bản trước đây được cho là khá bảo thủ, chậm thay đổi theo thời cuộc nhưng hiện nay nhận định đó đã có phần không phù hợp.
Hãy nhìn vào cách Toyota đang "khoác tấm áo mới" cho danh mục sản phẩm của hãng đặc biệt là các dòng xe đa dụng như Toyota Corolla Cross, Yaris Cross, Innova Cross cũng như hướng tiếp cận khách hàng bằng các phiên bản xe hybrid trong xu hướng điện hoá… Hãy nhìn vào cách Mitsubishi đang gia tăng thị phần tại Việt Nam bằng những dòng sản phẩm mới như Xforce hay Xpander, Triton, mới thấy ô tô Nhật Bản đang có bước chuyển mình đầy ngoạn mục về thiết kế, công nghệ. Đáng chú ý, sự thay đổi này lại đang được khách hàng đón nhận rất nồng nhiệt. Chính điều này đã phần nào khỏa lấp những yếu tố về mặt thiết kế, công nghệ vốn được xem là thế mạnh của ô tô Hàn Quốc.
Đặc biệt, sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Việt Nam với nhiều mẫu mã ngập tràn công nghệ, tính năng, trang bị… trong khi giá bán cũng khá hấp dẫn khiến áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng với xe Hàn Quốc. Đáng chú ý, cuộc đua giảm giá bán diễn ra rầm rộ trên thị trường ô tô Việt Nam trong khoảng hơn 2 năm qua cũng phần nào khiến lợi thế cạnh tranh về giá của ô tô Hàn Quốc không còn nổi bật như trước đây.
Hiện tại, với nhiều mẫu mã ô tô được các đối tác liên doanh sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy đặt ở Việt Nam, một số dòng ô tô Hàn Quốc đang được hưởng ưu đãi từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục đầu tư cải tiến về mặt sản phẩm, chất lượng giá thành về dịch vụ hậu mãi… vị thế ô tô Hàn Quốc tại Việt Nam có thể sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.
Bình luận (0)