“Không quá bi đát”
Chính quyền bang California đang lên kế hoạch mở cửa lại trường học, tiệm làm tóc, nhà thờ, nhà hàng và rạp chiếu phim nhưng vẫn chưa ấn định ngày cụ thể.
Chờ tái ngộ khán giảTại thủ đô Paris của Pháp, giáo sư nhạc dân tộc Hồ Thụy Trang, Chủ tịch Trung tâm Tiếng Tơ Đồng, cho hay tất cả show diễn của hội rơi vào thời gian bị phong tỏa đều được hoãn lại và chờ dịp khác. Các thành viên của hội đều thường xuyên tập luyện qua mạng và giữ liên lạc với nhau, duy trì “lửa” để chờ ngày tái ngộ với khán giả. Tuy nhiên, Giáo sư Trang cũng tỏ ra thận trọng khi đề cập đến khả năng quay lại sân khấu trong tương lai.
“Dù chính phủ nới lỏng lệnh phong tỏa, Tiếng Tơ Đồng cũng chưa sẵn sàng sinh hoạt ngay lập tức, mà dự kiến sẽ chờ đến đầu tháng 9 để mọi việc thực sự ổn định”, giáo sư cho hay. Sau khi mọi thứ quay lại bình thường, hội có thể tiếp nhận biểu diễn theo yêu cầu, nhưng nếu là show do Tiếng Tơ Đồng tổ chức thì có lẽ phải đợi đến năm sau.
Thụy Miên
|
“Chính quyền bang California yêu cầu đóng cửa tiệm nail từ đầu tháng 3. Ban đầu, tôi lo lắng vì phải đóng nhiều chi phí khác nhau như điện, nước, internet, bảo hiểm là khoảng 2.000 USD/tháng (khoảng 46 triệu đồng), chưa kể tiền mặt bằng khoảng 1.300 USD/tháng. Thợ thì còn có trợ cấp thất nghiệp, còn chủ tiệm thì ban đầu gặp chút khó khăn vì cùng lúc có nhiều công ty nộp đơn xin hỗ trợ từ chính phủ”, bà Vanna Nguyen (49 tuổi), chủ tiệm tóc ở TP.Sacramento (California), cho biết.
Vừa qua, bà Nguyen được chính phủ xét duyệt hỗ trợ tài chính, nên cũng giảm bớt khó khăn. “Chủ nhà cũng không đòi tiền thuê mặt bằng và cho thiếu rồi sẽ trả dần sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Đa số chủ nhà ở Sacramento đều làm vậy. Do đó, việc kinh doanh cũng không quá bi đát. Tôi chỉ lo ngại đóng cửa lâu quá sẽ mất khách hàng”, bà Nguyen chia sẻ.
|
Các chủ tiệm nail gốc Việt ở những bang khác như Tennessee cũng phải đóng cửa từ cuối tháng 3 đến nay theo lệnh của chính quyền. Đa số chủ tiệm nail được chủ nhà hỗ trợ, cho phép trả dần tiền thuê mặt bằng sau khi dịch qua đi và họ cũng có thể xin tiền hỗ trợ của chính phủ với những mức khác nhau.
Bà Anna Tran, chủ một tiệm nail ở bang Tennessee, cho hay: “Theo quy định, các doanh nghiệp tùy theo quy mô hoạt động lớn hay nhỏ có thể được hỗ trợ 7.000 - 10.000 USD. Nhiều chủ tiệm nail đã nhận được khoản tiền hỗ trợ này”. Nếu doanh nghiệp không xài hết số tiền hỗ trợ cho đến thời điểm mở cửa tiệm trở lại thì phải trả lại cho chính phủ số tiền còn dư.
Bà Tran nói thêm chính quyền bang Tennessee ngày 28.4 thông báo vẫn tiếp tục đóng cửa các tiệm nail, tiệm hớt tóc... cho đến ngày 29.5. Bên cạnh đó, bà Tran cũng như các chủ tiệm nail khác hiện lắp các tấm kính mica trên các bàn làm móng để đảm bảo an toàn cho thợ và khách, phun xịt khử khuẩn, mua sắm thêm khẩu trang, nước sát khuẩn.
|
Chuẩn bị khôi phục hoạt động
Trong khi đó, chính quyền một số bang như Georgia có lộ trình tái mở cửa nền kinh tế cụ thể hơn. Giai đoạn 1 “mở cửa” bắt đầu từ ngày 24.4, Georgia là một trong những bang khôi phục hoạt động kinh tế sớm nhất tại Mỹ. Cô Michelle Huynh, thợ làm móng ở Georgia, cho biết: “Trong giai đoạn 1, các tiệm làm tóc, tiệm nail, phòng gym được phép hoạt động trở lại, nhưng phải tuân thủ một số quy định giãn cách xã hội, tức cửa tiệm chỉ có 10 người trở lại (kể cả khách và thợ), đảm bảo khoảng cách giữa hai người khoảng 2 m”.
Nhiều tiệm nail chỉ nhận làm khách đặt hẹn trước và khách đến không được dẫn theo người khác hoặc con cái vào tiệm như trước. Một số tiệm đặt thêm tấm kính mica trên bàn làm móng, hoặc làm màn nhựa trong suốt ngăn cách giữa khách và thợ để tăng tính an toàn. Việc thanh toán cũng khuyến khích cà thẻ, thay vì nhận tiền mặt.
“Quy định hạn chế số khách vào tiệm nail cùng thời điểm, nên thu nhập của những người làm nail sẽ không còn được như trước. Ngoài ra, dù có đeo khẩu trang và găng tay thì các thợ làm nail cũng sợ bị lây nhiễm bệnh vì tiếp xúc nhiều người trong không gian kín”, theo cô Huynh.
Hiện vẫn còn nhiều tiệm nail ở Georgia chưa mở cửa vì lo ngại đại dịch Covid-19. “Nhiều người dân xuống đường biểu tình tại thủ phủ Atlanta của bang Georgia. Họ phản đối lệnh mở cửa sớm vì cho rằng thời điểm này chưa an toàn, công tác xét nghiệm còn hạn chế, bỏ sót người nghi nhiễm”, theo cô Huynh. Trong giai đoạn 2 mở cửa từ ngày 27.4, tuy chính quyền bang cho phép các nhà hàng được phép mở cửa, nhưng nhiều người mua thức ăn đem về. Trường học vẫn đóng cửa, học sinh học trực tuyến cho đến khi kết thúc năm học vào khoảng đầu tháng 5.
Tập sống chung với đại dịch
Ông Tôn Thất Hòa (42 tuổi), chuyên viên tư vấn hướng nghiệp - tuyển sinh tại Trường trung học Erindale ở TP.Mississauga (tỉnh bang Ontario, Canada), cho hay Ontario là một trong hai tỉnh bang có số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong cao nhất Canada. Từ ngày 17.3, Ontario ban bố lệnh khẩn cấp nên toàn bộ các trường học công lập và tư thục, thư viện, nhà hát, trung tâm vui chơi giải trí, nhà thờ, chùa chiền đều phải đóng cửa.
Chính phủ Canada hỗ trợ 500 CAD (hơn 8,4 triệu đồng)/tuần cho người lao động bị nghỉ việc vì đại dịch, liên tục đến 4 tháng. “Riêng tôi làm việc ở trường học nên chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến tại nhà kể từ khi có lệnh khẩn cấp đến nay... Tôi may mắn vẫn được trả lương đầy đủ. Riêng chính quyền tỉnh bang Ontario hỗ trợ cho mỗi học sinh từ 0 - 12 tuổi 200 CAD, nhận một lần. Với khoản trợ cấp cho hai con nhỏ là hơn 500 CAD/trẻ mỗi tháng, gia đình tôi may mắn vẫn ổn định hơn so với nhiều gia đình khác”, ông Hòa chia sẻ.
Hiện chính phủ Canada đang cân nhắc về việc nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh phong tỏa để mở cửa lại trường học, công sở và dịch vụ. “Một số lĩnh vực có thể sẽ dần tái hoạt động giữa cuối tháng 5. Tuy nhiên, trường học là nơi cuối cùng được mở cửa nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên, tập thể giáo viên và các bộ phận liên quan”, ông Hòa cho biết.
Từ giữa tháng 3 đến nay và dự kiến đến hết tháng 5, tất cả học sinh của Trường Erindale vẫn tiếp tục học với giáo viên theo lịch học bình thường nhưng qua ứng dụng Zoom... Hiện có 15 học sinh Việt Nam đang theo học từ lớp 9 đến lớp 12 tại đây. Ông Hòa cho biết thêm: “Dù không thể gặp trực tiếp nhưng tôi vẫn hỏi thăm tình hình sinh hoạt và học tập của các em mỗi ngày qua nhóm Facebook dành riêng cho học sinh Việt Nam và thường xuyên liên hệ với các gia đình homestay nơi các em đang lưu trú”.
“Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi gần như tất cả mọi lĩnh vực cuộc sống và thói quen sinh hoạt, lối sống của con người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta không thể trốn dịch mãi được, mà phải tập sống chung với nó. Chúng ta cùng cầu mong cho dịch bệnh sớm được khống chế để cuộc sống trở lại bình thường như trước đây”, ông Hòa nhấn mạnh.
Bình luận (0)