Người Việt hôn hít, nựng nịu trẻ em: Cần một khoảng cách 'an toàn'

19/06/2016 14:03 GMT+7

Thói quen của người Việt mình là hay nựng nịu, hôn hít trẻ con, thậm chí còn sờ vào “vùng kín” của trẻ để đùa. Điều này sẽ làm trẻ mất cảnh giác với những kẻ xâm hại và nghĩ rằng ai cũng có thể làm thế.

Phải xin phép
Tôi có nhóc em, năm nay 3 tuổi. Con bé trắng trẻo dễ thương nên được mọi người trong xóm rất thương. Các bác hay ẵm em về nhà chơi, hay nựng nịu và cho quà bánh. Nhưng tôi không bao giờ để con bé đi loanh quanh mà không có mình ở đấy. Bế ẵm hay hôn má đối với các bác gái hay các cô thì tôi cũng cho phép trong một vài trường hợp, nhưng với các chú các anh thì tôi luôn tìm cách nói khéo: “Lớn rồi, sắp thành thiếu nữ rồi mấy chú không hôn được đâu”.
Mọi người trong xóm có vẻ khó chịu vì điều đó, thậm chí nhiều người còn nói nhà tôi “chảnh”, giữ con bé như sợ ai ăn trộm mất không bằng. Nhưng thật ra tôi quan tâm đến sự an toàn của con bé hơn bất cứ cái gì khác. Khi mà trẻ con chưa học được những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ mình thì sự “đề phòng” của cha mẹ là điều cần thiết.
Thói quen của người Việt mình là hay nựng nịu, hôn hít trẻ con, thậm chí còn sờ vào “vùng kín” của trẻ để đùa. Những trò đùa như thế sẽ làm trẻ mất cảnh giác với những kẻ xâm hại và nghĩ rằng ai cũng có thể làm thế.
Tôi có cô bạn nước ngoài, hiện đang ở Mỹ. Bạn tôi nói đi ra ngoài thấy con nít nhà hàng xóm đẹp lắm, thấy cưng lắm mà không dám nựng vì sợ tụi nó… kiện. Ở nước ngoài, trẻ con chơi trong sân, ngoài đường tự do nhưng có người lạ là cha mẹ sẽ đến ngay. Muốn ôm trẻ hay làm gì phải xin phép chúng, trẻ nhỏ hơn thì xin phép ba mẹ chúng. Đùa cái kiểu “ngắt chim” hay “vỗ mông” kiểu Việt Nam là bị kiện ngay.
Ít nhất một cánh tay
Trong vòng 5 năm, từ năm 2011 đến 2015 đã có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong đó có 90% thủ phạm là người quen. Đây là con số được thống kê cụ thể, nhưng thực chất chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi có nhiều vụ xâm hại không được gia đình công khai hoặc nạn nhân im lặng.
Người phương Tây rất cẩn thận trong việc dạy trẻ giữ khoảng cách
Trong tình hình đó, việc bảo vệ con em chúng ta là điều cần thiết. Tôi có một gợi ý cho các phụ huynh là dạy trẻ về khoảng cách an toàn khi giao tiếp.
Đầu tiên, cần dạy trẻ không được tự ý ngồi vào lòng người khác, không được để người khác vuốt ve, ôm hôn mà không được sự đồng ý của mình. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ, cần dạy trẻ về khoảng cách an toàn trong giao tiếp để trẻ có thể từ chối những tiếp xúc quá gần gũi mà trẻ không thích.
Trong tâm lý, khoảng cách thể hiện mối quan hệ giữa các đối tượng với nhau. Khoảng cách càng gần, chứng tỏ quan hệ càng thân thiết và ngược lại. Thông thường khoảng cách an toàn khi giao tiếp là một cánh tay.
Chúng ta có thể dạy trẻ theo cách khi gặp người lạ hoặc người không mang lại cảm giác an toàn cho trẻ, thì dạy trẻ đứng cách người đó một cánh tay. Khi người đó tiến tới, muốn thể hiện ý muốn đụng chạm hoặc gần gũi mà trẻ không thích, thì trẻ chủ động lùi lại, sao cho khoảng cách khi đứng với người khác là một cánh tay.
Lúc đầu có thể trẻ sẽ quên nguyên tắc này vì trẻ em vốn vô tư, thì ba mẹ có thể nhắc: “Một cánh tay” sau đó cầm tay trẻ lên để đo khoảng cách. Nếu thấy khoảng cách quá gần, ba mẹ nhắc trẻ chủ động lùi lại. Sau đó giảm dần sự hỗ trợ bằng cách khi trẻ đến gần muốn nói chuyện, chúng ta sẽ phải nhắc trước: “Một cách tay”. Trẻ cần luyện tập trong nhà với ba mẹ và những người thân trước, sau đó mới ứng dụng với những người khác.
Trong giai đoạn đầu thực hiện bài tập này, có thể xảy ra chuyện ba mẹ hoặc người lớn trong nhà muốn ôm hôn trẻ, nhưng bị trẻ từ chối. Đây là việc hiển nhiên vì trẻ chưa phân tách được bài học và thực tế, chưa biết khi nào nên để người khác ôm, khi nào không. Cho nên nếu trẻ được dạy là không, trẻ sẽ liên tục “không”.
Ba mẹ cần chấp nhận giai đoạn này, và khi được học đầy đủ về cảm xúc, cách thể hiện thì trẻ sẽ tự phân tách được cảm giác an toàn hay không và tự ra quyết định.
Phụ huynh có thể giải quyết mâu thuẫn này bằng cách khi muốn ôm hôn trẻ thì ba mẹ cần “xin phép” và nói rõ lý do: “Hôm nay Nhím học giỏi quá, cho ba ôm một cái được không?”, “Ồ, hôm nay Nhím mặc áo đầm mới xinh quá, cho mẹ hôn một cái đi”… những câu nói như vậy mang đến cảm giác ôn hòa và trẻ cảm thấy được tôn trọng.
Cảm giác an toàn và thoải mái trong gia đình rất quan trọng, vì khi gặp người khác không đối xử với trẻ theo cách mà chúng được đối xử trong gia đình thì trẻ sẽ có xu hướng tránh xa người hoặc môi trường đó vì nó đem lại cho trẻ cảm giác khó chịu.
Đó chính là tiền đề tốt nhất để triển khai những bài học cao hơn về giới tính sau này. Tôi tin rằng, những đứa trẻ tự tin, hiểu biết, năng động và được dạy dỗ đầy đủ, có nhiều kĩ năng thì khó có thể trở thành nạn nhân của bất cứ vấn nạn nào. Mà để dạy dỗ được một đứa trẻ như thế cần nền tảng của giáo dục gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.