Người Việt kể từ 'tâm dịch' Daegu: 'Con người ta về hết, sao con không chịu về'

26/02/2020 13:12 GMT+7

Dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, người dân sống tại tâm dịch TP.Daegu, Hàn Quốc không ai dám ra đường. Nghiên cứu sinh Việt Nam sống trong tâm dịch vẫn bám trụ, trữ thức ăn để hạn chế ra ngoài và vẫn đến phòng thí nghiệm.

Dự trữ thức ăn

Tối 24.2, trò chuyện với PV Thanh Niên, anh Trung Trị (nghiên cứu sinh tại Đại học Kyungpook, TP.Daegu, Hàn Quốc) cho biết, khi dịch Covid-19 lây lan, những cửa hàng, nhà thờ… đều đóng cửa. Đặc biệt, khi Chính phủ Hàn Quốc nâng báo động đối với dịch Covid-19 lên mức cao nhất sau khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm mới đã khiến người dân hoang mang lo lắng.
Người Việt Nam sống tại TP.Daegu cũng tập trung xếp hàng mua khẩu trang, chen nhau tại các siêu thị mua thực phẩm về dự trữ. Nhiều siêu thị tại khu vực tâm dịch rơi vào tình trạng “cháy hàng” càng khiến nhiều người lo lắng về việc “khủng hoảng thức ăn giữa đại dịch”.

Đường phố vắng phương tiện, xe cứu thương hoạt động dày hơn

Ảnh: Quang Dao (Nghiên cứu sinh tại Kyungpook, Hàn Quốc)

Các siêu thị tại Daegu đã nhanh chóng nhập thực phẩm, không còn tình trạng "cháy hàng"

Ảnh: Quang Dao (Nghiên cứu sinh tại Kyungpook, Hàn Quốc)

“Mình cùng những nghiên cứu sinh khác đã cố gắng sắp xếp thời gian để đến siêu thị mua thực phẩm để dự trữ nhằm hạn chế ra ngoài trong thời điểm này. Những ngày đầu thì siêu thị rơi vào tình trạng hết hàng. Tuy nhiên hôm qua, mọi hoạt động tại các siêu thị diễn ra bình thường. Không còn chuyện ‘cháy hàng’ nữa”, Trị chia sẻ.
Theo thông tin từ các nghiên cứu sinh còn bám trụ ở Daegu thì đường phố vắng người hơn, bởi người dân hạn chế ra ngoài. Trên các tuyến đường lúc này, phương tiện hoạt động nhiều nhất là xe cứu thương và nhân viên giao hàng.
Người dân Hàn Quốc cũng như người Việt ở đây phần lớn đã chọn cách sử dụng thức ăn nhanh, giao thức ăn tận nơi.
“Các quán ăn dường như đã đóng cửa, họ chỉ nhận đặt hàng qua hệ thống giao hàng tận nơi. Ai nấy đều sử dụng dịch vụ gọi thức ăn, đồ dùng sinh hoạt trong thời gian ngắn về tận nhà… thời điểm này nhân viên giao hàng đắt khách nhất”, Trị nói.

“Con người ta về hết, sao con không chịu về?”

Đã có thông báo chính thức dời lịch nghỉ đông, các du học sinh tại Daegu đã được dời lịch nghỉ đông thêm 2 tuần (đến ngày 16.3 thay vì 2.3 như trước đây) để phòng tránh dịch Covid-19. Các du học sinh dù ở xa TP.Daegu như Seoul hay Busan cũng quyết định trở về Việt Nam để tránh dịch.
Bạn Trần Kiều Oanh Ngọc (du học sinh tại Trường Đại học Busan, Hàn Quốc) cho biết, dịch bùng phát tại Hàn Quốc khiến gia đình Ngọc rất lo lắng, mẹ Ngọc đã yêu cầu Ngọc đặt vé máy bay trở về Việt Nam sớm nhất có thể.
“Sau khi về nước thì có thông tin một nữ bệnh nhân tử vong tại bệnh viện ở Busan khiến em vô cùng lo lắng. Khi về Việt Nam, thời điểm đó chưa cách ly các hành khách bay từ Hàn Quốc về nhưng em vẫn tự cách ly trong phòng, vẫn theo dõi sức khoẻ chặt chẽ”, Ngọc chia sẻ.

Trung Trị cùng các nghiên cứu sinh mua thực phẩm về dự trữ nhằm hạn chế ra ngoài trong thời điểm này

Ảnh: NVCC

Các cửa hàng, tiệm ăn uống tại Daegu đóng kín cửa

Ảnh: Quang Dao

Hoàng Thành (du học sinh tại TP.Daegu) cho biết mặc dù sống tại tâm dịch khiến người nhà ở Việt Nam vô cùng lo lắng nhưng Thành vẫn ở lại bởi chỗ làm thêm của Thành vẫn chưa có thông báo nghỉ, việc làm thêm không tiếp xúc nhiều người nên cũng không đáng lo ngại.
“Mẹ gọi và nói: "Con người ta về hết, sao con không chịu về?". Nhưng sau lời giải thích của em thì mẹ hiểu phần nào, tuy nguy hiểm nhưng Daegu không phải đến mức “thành phố chết” như mọi người nghĩ”, Thành nói.
Theo Thành, tuân thủ việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống an toàn, theo dõi sức khoẻ thật kỹ thì việc phòng chống dịch cũng không phải là đáng sợ. Hàn Quốc cũng đang nỗ lực và có lẽ sẽ sớm kiểm soát dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.