Mức giá lỗ này tiếp tục kéo dài trong những ngày đầu năm và có thể trong cả tháng giêng vì là tháng có nhiều người ăn chay. Đáng nói, đây không chỉ là dấu hiệu nhất thời, nhiều nghiên cứu cho thấy, người Việt đã không còn chuộng thịt heo như trước.
Giảm ăn thịt heo đến 8 kg/người/năm
Cả năm giá lình xình, tháng tết là tháng người nuôi kỳ vọng nhiều nhất giá heo hơi sẽ tăng. Thế nhưng, trái với sự kỳ vọng của người nuôi cũng như dự báo của các chuyên gia, giá heo hơi thấp ổn định từ trước tới sau tết do nhu cầu sụt giảm mạnh. Có một điều ít ai nói ra là nhu cầu giảm không hẳn do kinh tế khó khăn hay người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, mà một phần không nhỏ là thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Thịt heo với nhiều người, nhiều gia đình không còn là thực phẩm thiết yếu.
Khảo sát nhanh của chúng tôi thực hiện với nhiều người xác nhận điều này. Chị Nguyễn Thị Nga (ngụ Q.10, TP.HCM) kể thịt heo luôn là món không thể thiếu trong mỗi dịp tết. "Nhà tôi ở Huế, năm nào cũng nhờ người quen ở trong làng nuôi hộ một con heo để chia nhau ăn tết vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, qua cả mùa tết mà phần thịt được chia hơn cả chục ký đủ loại vẫn còn nằm nguyên trong tủ lạnh. Cả nhà năm bảy người chỉ dùng một miếng thịt ba rọi luộc chừng 700 - 800 gr trong khi các nguyên liệu thay thế như tôm, cá, thịt bò, gà, rau củ… được ưa chuộng hơn. Không chỉ nhà tôi mà trong các buổi tiệc tập thể những năm gần đây có thể thấy, nhiều người thường "giành" nhau ăn rau, ăn cá, hải sản thay vì thịt các loại", chị Nga nói.
Đây cũng là chia sẻ của chị N.H (ngụ Q.4, TP.HCM). Theo chị, nếu trước đây thịt heo là thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hằng ngày của gia đình chị thì giờ đây, có khi cả tuần không mua thịt heo. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước, thừa nhận xu hướng tiêu thụ thịt heo của người dân đang thay đổi theo hướng giảm và tăng các sản phẩm thay thế.
Một lý do không kém phần quan trọng là dù giá heo hơi giảm mạnh, người nuôi thua lỗ, nhưng giá bán lẻ thực tế ở các chợ, siêu thị vẫn rất cao, từ 100.000 - 150.000 đồng/kg; cá biệt một số sản phẩm như: ba rọi (có sườn), ba rọi rút sườn hay sườn non có giá từ 240.000 - 280.000 đồng/kg. Đáng nói, trong khi giá thịt heo bán lẻ cao thì giá thịt bò các loại như đùi, vai chỉ có từ 320.000 - 330.000 đồng/kg. Đặc biệt, ở các chợ truyền thống và trên các trang bán hàng trực tuyến, giá thịt bò phi lê, bò bắp còn rẻ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/kg... Chưa kể các sản phẩm gia cầm làm sẵn đóng gói được bán trong các siêu thị còn rẻ hơn nhiều, chỉ từ 80.000 - 100.000 đồng/con, tùy loại. Mức chênh lệch giữa một số sản phẩm thịt heo và thịt bò là không nhiều và tâm lý người tiêu dùng là thịt bò vẫn giá trị hơn. Do đó, thịt heo thất thế.
Theo thống kê của Công ty Ipsos Strategy3, chuyên nghiên cứu thị trường đa quốc gia (có trụ sở tại Pháp), tiêu thụ thịt heo theo đầu người ở VN đạt đỉnh khoảng 32 kg/người/năm vào giai đoạn 2018. Trong giai đoạn 2021 - 2022, mức tiêu thụ thịt heo chỉ còn khoảng 23,5 kg/người/năm, giảm khoảng 8 kg/người/năm. Xu hướng này phù hợp với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Nguyên nhân là thu nhập theo đầu người của VN tăng, người dân có nhiều sự lựa chọn về nguồn đạm động vật thay thế khác ngoài thịt heo. Các sản phẩm thịt gia cầm, hải sản, thịt bò đang dần được người Việt ưa chuộng hơn.
Số liệu của Ipsos Strategy3 cho thấy thịt gia cầm là sản phẩm thay thế lớn nhất khi tăng từ 12 kg/người/năm vào năm 2017 lên 20 kg/người/năm trong năm 2022. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ thịt bò tăng nhẹ từ 0,5 - 0,7 kg lên mức 5 kg/người/năm trong năm 2022.
Giai đoạn chuyển dịch của ngành chăn nuôi
Trả lời Thanh Niên, ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos Strategy3 tại VN, cho biết trong nghiên cứu của công ty này, mức tiêu thụ thịt heo của người Việt trong năm 2022 là 24 kg/người/năm. Đây là mức đáy nên sẽ không giảm thêm trong năm 2023 vì thịt heo vẫn là món ăn gắn với truyền thống ẩm thực của người Việt. Giá heo hơi và tổng đàn cũng giảm (vì giá và dịch bệnh) nên xu hướng giá sẽ phục hồi và tăng trở lại kéo dài ít nhất đến giữa năm 2023.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11.2022, VN nhập khẩu gần 615.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 1,35 tỉ USD, giảm 8,6% về lượng, nhưng tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu thịt heo liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu thấp. Từ tháng 1 - 11.2022, VN nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo, trị giá gần 215 triệu USD, giảm 32% về lượng và giảm 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
"Dù giá heo hơi có thể tăng, nhưng tin vui với người tiêu dùng là giá bán lẻ sẽ giảm. Nguyên nhân là trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường chăn nuôi và cung cấp thịt heo, các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường", ông Phong Quách nói.
Dù vậy, là người trực tiếp trong lĩnh vực này, ông Công lại không mấy lạc quan khi những ngày sau tết giá heo hơi còn tệ hơn cuối năm. Trong ngắn hạn, ít nhất là hết tháng giêng giá vẫn khó tăng vì sức tiêu dùng không tăng. "Xu hướng giảm tiêu thụ thịt heo của người tiêu dùng đã được các nhà chăn nuôi nhìn thấy và đang chuyển dịch theo nhu cầu thị trường. Nếu giai đoạn cực thịnh, tổng đàn heo cả nước lên đến khoảng 30 triệu con thì vài năm gần đây chỉ còn 27 - 28 triệu con.
Trong số này, chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm mạnh và chăn nuôi quy mô lớn trang trại đang phát triển. Việc phát triển các mô hình trang trại quy mô lớn hiện đại sẽ giúp giảm giá thành sản xuất. Bằng chứng là có nhiều thương hiệu thịt sạch an toàn liên tục ra mắt thị trường trong năm qua.
"Vấn đề là người chăn nuôi và doanh nghiệp cần các bộ ngành hỗ trợ cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác liên quan đến các số liệu về đàn vật nuôi để có thể điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thị trường", ông Công nhấn mạnh.
Bình luận (0)