Người Việt không dám làm những thói xấu này ở nước ngoài, vì sao?

11/07/2017 13:40 GMT+7

Thật lạ lùng khi chứng kiến những trường hợp người Việt thay đổi hẳn cách cư xử, sinh hoạt khi ra nước ngoài sinh sống. Những hành động mà trong nước nhiều người vẫn vô tư làm thì sang đến nước bạn, mọi thứ đều biến mất. Họ sợ gì chăng?

Có lẽ không phải tự nhiên mà người Việt Nam mình có những câu châm ngôn như "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" hay "Đi với bụt mặc áo cà sao, đi với ma mặc áo giấy".
Văn hóa Việt luôn khuyến khích sự linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, thay vì khư khư giữ lề lối cũ.
Quan sát kĩ một chút sẽ thấy dường như đúng là người Việt có khả năng thích ứng với thay đổi khá tốt, sống ở môi trường mới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi bản thân để thích nghi và tồn tại. Chính vì thế, ta chứng kiến những trường hợp người Việt thay đổi hẳn cách cư xử, sinh hoạt khi ra nước ngoài sinh sống.
Không dám bẻ hoa nơi công cộng
Bà V. là một trường hợp như thế. Năm nay đã hơn 90 tuổi, bà sang Mỹ từ khi còn rất trẻ, và sau đó chuyển sang Pháp sinh sống với chồng.
Vì sống ở nước ngoài đã lâu, bà có cách cư xử rất "văn minh", luôn tuyệt đối tuân thủ các quy định ở Pháp.
Thế nhưng, theo lời bà kể thì hóa ra hồi mới ra nước ngoài bà không biết, cứ vặt hoa trồng ở nơi công cộng mang về cắm. Cảnh sát chưa phát hiện ra để phạt nhưng về nhà chồng la mắng … không ra gì.
Xấu hổ quá nên bà… xin chừa, từ đó không bao giờ dám trộm hoa nơi công cộng nữa. Bà hỏi tôi giờ ở Việt Nam thế nào? Có còn giống thời của bà người ta vẫn thường hái trộm hoa ngoài đường hay không?
Trường hợp vợ chồng anh T. cũng khá đặc biệt. Mỗi khi anh T. kể về nỗi vất vả khi trồng rau, làm vườn ở Canada là mọi người phì cười.
Không dám đụng đến sóc, chồn phá vườn mình
Cách đây 10 năm, anh cùng vợ chuyển sang sống ở Canada và đã khá quen miền đất mới này. Nhà anh chị có vườn khá rộng, tuy rau và cây trái mọc rất tốt, nhưng chủ nhà chả mấy được ăn, vì các loại thú hoang như sóc, chồn, nhím vào xơi sạch.
Bầu chọn
Những thứ bạn không dám làm khi ra nước ngoài?
Mỗi đầu mùa xuân, thảm cỏ nhà anh chị hoa trồi lên tung tóe, mà anh chị không hề trồng củ hoa ở đó. Hóa ra vì sóc nhổ củ hoa ở vườn ăn không hết, chúng chôn lại xuống đất để dành ăn sau, mà lại … đãng trí quên mất, nên củ hoa mọc ở thảm cỏ trông rất lộn xộn.
Không chỉ thế, nhà anh chị có cây mơ rất to, nhưng có khi cả năm chả được ăn quả nào vì chúng xơi sạch sẽ. Đã thế, anh cho biết “chúng vừa nhằn hạt vừa giương mắt nhìn thách thức mình”. Nhưng khi mọi người hỏi sao không đặt bẫy bắt chúng, anh hốt hoảng xua tay “Không, không được, mình mà làm gì là dễ bị kết tội “bạo hành” động vật, bị phạt nặng lắm”.
Rõ ràng là cho dù khó chịu đến mấy, anh chị đành phải nhịn hoặc tìm cách “thân thiện” mời động vật hoang đi thôi, chứ không dám dùng đến … vũ lực để giải quyết. Tất nhiên không chỉ đối với động vật hoang, luật các nước phát triển như Mỹ, Canada hay châu Âu cũng cấm đối xử tàn nhẫn đối với vật nuôi.
Cuộc sống thân thiện với thiên nhiên như vợ chồng anh T. thật khác với Việt Nam. Khác với vợ chồng anh T. , nhiều người Việt vẫn còn coi hành hạ vật nuôi hay thú hoang “cho vui”, như các vụ quay đưa lên mạng việc hành hạ chó nhà, hay trường hợp chú hải cẩu đáng thương bị giết ở Bình Thuận.
Thêm vào đó là việc luật Việt Nam còn chưa quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, chúng ta mới chỉ có luật cấm giết hại động vật hoang dã, còn đối với động vật nuôi thì chưa hề có văn bản nào cấm các hành vi đối xử tàn tệ cả.
Chính vì thế, một số người Việt chưa có văn hóa tôn trọng “quyền” của động vật. Tuy nhiên, khi ra sinh sống ở nước ngoài, luật lệ của nước sở tại rất nghiêm nên họ không dám có bất cứ hành vi nào bạc đãi động vật, nếu không muốn bị phạt một số tiền lớn. Môi trường sống ở đây buộc họ phải cải thiện hành vi đối xử, trở nên “văn minh” hơn hẳn.
Cũng như thế, nhiều người Việt khi ở trong nước thì xả rác khá thoải mái, nhưng sang tới Singapore lại nhắc nhau liên tục không xả rác, vì sợ bị phạt cả hơn chục triệu đồng. Sự thay đổi nhanh chóng này có lí do rất đơn giản, đó là khả năng thực thi luật vô cùng hiệu quả và nghiêm khắc ở Singapore.
Hơn nữa, khi đến một đất nước sạch sẽ như thế, tự dưng con người ta cũng có tâm lí hòa nhập với cách sống ở đây và bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Khi về đến Việt Nam, một số bạn lại quay lại thói xấu cũ, vì đường nào “cũng đầy rác”...
Qua một vài ví dụ trên, có thể thấy một điều là ngoài giáo dục, luật pháp nghiêm minh, hiệu quả đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng con người tới các cách hành xử văn minh, nhân văn.
Người Việt Nam không hề kém các dân tộc khác, lại thêm khả năng hòa nhập rất nhanh. Khi ra nước ngoài nhiều người cũng nhanh chóng bỏ các thói xấu vốn có ở Việt Nam và học hỏi cách sống văn minh xứ người. Vì thế, rõ ràng là nếu như việc răn đe mạnh và hiệu quả hơn thì sẽ thay đổi được rất nhiều những thói hư tật xấu mà một số người Việt đang làm hàng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.