Cách đây vài năm, nhân kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất (1917 - 2017), truyền hình nước Pháp đã công bố các hình ảnh, tư liệu quý hiếm về binh lính Việt tham gia chiến trường này (lúc đó Nam kỳ là thuộc địa của Pháp), trong đó Đỗ Hữu Vị có nhiều hình ảnh được đưa lên.
Ông Vị xuất hiện nhiều lần, từ các tấm ảnh ông chụp chung với các sĩ quan Pháp ở trường đào tạo không quân đến cảnh ông ngồi lái máy bay, cưỡi ngựa...
Đỗ Hữu Vị là con trai thứ năm trong 11 người con của Tổng đốc Phương (tức Đỗ Hữu Phương, có quốc tịch Pháp). Ông này là một trong 4 “đại hào phú” của miền Nam hồi cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20 qua câu thành ngữ “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”. Ông Phương bỏ tiền ra mua cái hàm Tổng đốc từ người Pháp nên được gọi là Tổng đốc Phương (không có thực quyền như Tổng đốc của triều đình nhà Nguyễn).
Đỗ Hữu Vị sinh năm 1883 theo giấy tờ (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1881). Thuở nhỏ, ông Vị cùng các anh em trai của mình được cha cho theo học trường Tây. Sau đó, anh em ông tiếp tục sang Pháp học Trường Janson de Sailly, Paris.
21 tuổi, ông Vị học Trường Võ bị Saint-Cyr, trường đào tạo sĩ quan nổi tiếng của nước Pháp. Tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque - Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, cũng từng theo học tại trường.
Năm 1906, Đỗ Hữu Vị ra trường với quân hàm thiếu úy trong Quân đoàn lê dương số 1, tham chiến tại châu Phi.
|
Lái máy bay vòng quanh nước Pháp
Sau 4 năm chinh chiến, cuối năm 1910, ông Vị tiếp tục ghi danh vào Trường Quân sự lái máy bay (L’école militaire de pilotage).
Tốt nghiệp năm 1911, ông được cấp bằng lái máy bay của Aéroclub de France và thăng một cấp lên trung úy. Ông đã cùng người bạn phi công người Pháp Victo Ménard thực hiện bay chuyến bay vòng quanh nước Pháp đầu tiên trong lịch sử nền hàng không của nước này và đã được ghi vào sử sách.
Ở trong nước, tờ Nam Phong Tạp Chí số tháng 2 - 1920 cũng đã có bài viết rằng Đỗ Hữu Vị là phi công Việt Nam bay vòng quanh nước Pháp.
“Can đảm gấp đôi người thường”
Đỗ Hữu Vị thường được nhắc tới với sự can đảm khác thường.
Ông từng là phi công lái thử máy bay mới. Đây là công việc rất nguy hiểm. Trong một lần bay thử, chiếc Gaudron bị trục trặc và bị rơi, ông may mắn thoát chết. Tuy nhiên, ông vẫn gắn bó với những chiếc máy bay.
Năm 1914, Đỗ Hữu Vị trở lại Việt Nam. Ông là một trong những người Việt đầu tiên học vận hành loại thuyền lướt trên sông chạy bằng động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo.
Đỗ Hữu Vị cũng là phi công Việt Nam duy nhất bay biểu diễn cùng các phi công nước ngoài ở Sài Gòn và Hà Nội. Ông tham gia CLB Hàng không đầu tiên do người Pháp thành lập ở Đông Dương.
Khi Thế chiến thứ nhất diễn ra ác liệt, Đỗ Hữu Vị cùng người anh là Đỗ Hữu Chấn sang Pháp để chiến đấu ngay tại chiến trường Pháp.
Sự dũng cảm của ông thể hiện qua câu nói mà người Pháp đã ghi lại: “Sự can đảm của tôi gấp đôi người thường vì tôi vừa là dân Pháp vừa là người Việt”.
(còn tiếp)
Bình luận (0)