Trước đây, các nhà làm phim trong nước thường phải nhờ tới các studio nước ngoài thực hiện kỹ xảo. Nhưng hiện nay đã có những bộ phim Việt được thực hiện 100% kỹ xảo tại VN.
|
Thực hiện kỹ xảo cho các pha hành động trong phim “Thiên mệnh anh hùng” - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
|
Chiếc xe đua bốc cháy dữ dội, thiêu rụi garage của Việt, một phân cảnh kịch tính trong bộ phim Tốc độ và đường cong được dàn dựng hoàn toàn bằng kỹ xảo. Những chuyên gia của Vinamation, một studio chuyên thực hiện kỹ xảo của VN đã làm người xem mãn nhãn và không hề thấy “gợn”. Đây cũng chính là studio được các nhà làm phim “chọn mặt gửi vàng” thực hiện kỹ xảo trong nhiều bộ phim như: Cô dâu đại chiến, Hiệp sĩ mù, Thiên mệnh anh hùng và Siêu nhân X (chuẩn bị ra mắt). Không ít khán giả lầm tưởng những hiệu ứng kỹ xảo đẹp mắt trong bộ phim cổ trang “bom tấn Việt” Thiên mệnh anh hùng được dàn dựng tại nước ngoài, nhưng kỳ thực Vinamation đã được giao đảm nhiệm nhiều phân cảnh quan trọng như hình ảnh con kỳ lân hiện ra từ tượng đá, cảnh mưa rơi khi nhân vật luyện tập võ nghệ, dựng và thay cảnh nền, xóa dây (gắn trên người diễn viên khi thực hiện cảnh bay trên không)... Tất cả các hiệu ứng kỹ xảo trong hai bộ phim vừa ra mắt mới đây là Tốc độ và đường cong và Hiệp sĩ mù cũng được thực hiện tại Vinamation.
Trong khi Vinamation được coi là studio thực hiện kỹ xảo hàng đầu tại TP.HCM thì Panamotion được giới làm phim Hà Nội tin cậy. Bộ phim chiến tranh được đánh giá cao nhất về hiệu ứng kỹ xảo trong thời gian gần đây là Những người viết huyền thoại cũng đã nhờ đến các chuyên gia tại studio này. Một cảnh quay gây ấn tượng với người xem là hình ảnh những chiếc trực thăng chiến đấu của quân địch tấn công dồn dập. Để thực hiện cảnh quay này, các nhà làm phim đã không phải điều động nhiều trực thăng mà chỉ cần dựng mô hình và dùng hiệu ứng kỹ xảo. Hiện studio này cũng đang đảm nhận làm kỹ xảo cho bộ phim lịch sử Thầu Chín ở Xiêm. Panamotion còn tham gia gia công kỹ xảo cho các bộ phim trong khu vực.
Lợi thế của kỹ xảo nội
Phan Minh, đạo diễn bộ phim Tốc độ và đường cong quyết định thực hiện 100% hiệu ứng kỹ xảo tại một studio trong nước. Anh lý giải: “Thực hiện kỹ xảo tại nước ngoài sẽ đắt hơn nhiều, điều đó là đương nhiên. Trong khi kỹ xảo VN không hề dở, chẳng qua còn thiếu điều kiện, còn về mặt chất xám, tài năng, chúng ta không kém so với các nước trong khu vực”. Một chuyên gia trong giới 3D cho biết có không ít studio trong nước đã tham gia gia công kỹ xảo cho các bộ phim điện ảnh, hoạt hình của nước ngoài. “Do những bảo mật khắt khe về thông tin với đối tác nước ngoài, nên hầu như công việc của các studio này được tiến hành khá lặng lẽ, âm thầm. Chính vì thế nên nhiều người không biết VN có những studio có khả năng làm kỹ xảo”, chuyên gia này cho hay.
Người Việt đã làm được kỹ xảo, nhưng cần nhìn nhận thực tế rằng để kỹ xảo Việt phát triển vẫn là con đường dài phía trước. “Một trong những khó khăn lớn nhất của chúng tôi là kinh phí. Thường thì nguồn kinh phí bỏ ra cho việc làm kỹ xảo trong nước không nhiều. Nếu được đầu tư tốt, kinh phí nhiều, có thời gian chuẩn bị kỹ càng thì chất lượng kỹ xảo trong nước hoàn toàn ngang bằng với các nước trong khu vực”, anh Ngọc Duy (chuyên gia kỹ xảo tại Vinamation) bày tỏ.
Phùng Đình Dũng, Giám đốc Studio Thunder Cloud, người đã từng được mời làm việc tại Double Negative, một trong những công ty kỹ xảo điện ảnh hàng đầu của châu Âu, tham gia thực hiện kỹ xảo cho nhiều bộ phim Hollywood thì cho rằng: “Một số studio tại VN hoàn toàn có thể làm kỹ xảo cho các bộ phim trong khu vực. Còn với tiêu chuẩn của Hollywood, chúng ta chưa thể làm tất cả các khâu, hoàn thiện một sản phẩm tổng thể, nhưng có thể tham gia làm một khâu trong đó. Cá nhân người Việt có tài, nhưng cái chúng ta còn thiếu là chu trình chuẩn với một công ty”. Nhưng dù sao, anh vẫn nhận thấy tín hiệu mừng: thị trường kỹ xảo Việt đã bắt đầu nhen nhúm phát triển, đạo diễn đã đặt hàng các studio trong nước. Điều đó ắt sẽ kích thích cho ngành kỹ xảo Việt phát triển.
Phim kinh dị kỹ xảo của sinh viên gây sốt
Vừa qua, tập 1 của bộ phim Câu chuyện học sinh được tung lên YouTube ngay lập tức đã gây xôn xao cộng đồng mạng với phần kỹ xảo ấn tượng, đẹp mắt. “Không thể tin đây là bộ phim do sinh viên VN làm”, một người xem đã bình luận. Bất ngờ hơn, những sinh viên 9X này không theo học bất kỳ chuyên ngành điện ảnh nào. Các em đã tự học làm kỹ xảo qua mạng internet. Trịnh Tài Việt sinh năm 1995 giữ vai trò đạo diễn, diễn viên, làm hậu kỳ, kỹ xảo, dựng phim, ba người bạn còn lại là Nguyễn Công Hiệp - quay phim chính, Nguyễn Anh Tùng phụ trách thiết kế phục trang và Trần Nhật Anh làm 3D model và kỹ xảo.
|
Bình luận (0)