Người Việt Nam cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà
Đặt mục tiêu mua nhà ngay khi mới đi làm, anh Khánh Nguyễn (31 tuổi, là nhân viên truyền thông) đã mua được căn nhà đầu tiên trị giá 4,7 tỉ đồng ở quận Tân Bình (TP.HCM) vào năm 30 tuổi nhờ việc gửi tiền cho mẹ giữ giúp và tự mang cơm đi làm suốt 10 năm.
"10 năm từ lúc mình đi làm tới giờ. Công việc đầu tiên là nhân viên văn phòng, lúc đó mình nghĩ rằng cần phải đặt ra mục tiêu dài hạn để có thể nhắm tới đó làm. Ngày xưa lương tháng 7 triệu thì để dành 3-4 triệu, không biết để dành thì chỉ biết đưa về cho mẹ thôi để mẹ giữ dùm. Dần dần đi lên, từ 10 triệu để dành 5 triệu, 20 triệu để dành 10 triệu, 30 triệu để dành 15 triệu. Tới thời điểm 2022, mình cũng để dành kha khá, đúng vừa gần đủ số tiền mình bắt đầu vay ngân hàng, mua nhà", anh Khánh kể lại bài toán mua nhà của mình.
Anh chia sẻ thêm: "Mình vay ngân hàng 2 tỉ, còn 2 tỉ ba mẹ cho mình một ít thôi, còn lại mình người bỏ ra mua căn nhà này lại, sửa hết và decor hết toàn bộ mọi thứ, từ những thứ nhỏ nhất cũng do mình sắm. Tính tất cả khoảng 4,6-4,7 tỉ".
Tuy nhiên, câu chuyện của anh Nguyễn Khánh lại không phải là một câu chuyện điển hình về việc hoàn thành sở hữu mơ ước một căn nhà.
Đi làm 10 năm rồi tự tích cóp, gia đình hỗ trợ cùng với một khoản vay 2 tỉ đồng, anh Khánh có thể sẽ phải mất thêm vài năm nữa để trả nợ; và nếu không có gì thay đổi, anh sẽ trả nợ xong khi đã trên dưới 40 tuổi. Nghe có vẻ lâu, nhưng nếu mọi thứ suôn sẻ, anh Nguyễn Khánh vẫn mất thời gian ít hơn nhiều người để thực hiện mơ ước sở hữu một căn nhà cho riêng mình.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vào sáng 17.2.2023, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết giá bất động sản tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Nếu một gia đình muốn mua một căn hộ hay căn nhà có giá 3 tỉ đồng, thì họ phải bỏ ra hơn 10 triệu/tháng trong 23 năm rưỡi mới có thể mua được.
Ở thông số này, Việt Nam đứng thứ 14/107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của người Việt Nam thấp hơn 2 quốc gia này). Và với hơn 23 năm, thời gian để người Việt Nam hoàn thành ước mơ có một căn nhà lâu hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Có thể thể kể đến như Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)...
Căn hộ dưới 2 tỉ đồng ở TP.HCM đã biến mất
Sở hữu một căn nhà, tất nhiên, là mơ ước của đa số người trẻ. Thế nhưng để thực hiện mơ ước ấy thì bài toán với người trẻ tuổi càng ngày càng khó hơn.
Anh Phan Tấn Duy (ở phường 7, quận 8, TP.HCM) phải từ bỏ thói quen đi du lịch từ 1-2 lần/tháng để tiết kiệm tiền, mua được căn nhà đầu tiên cho bản thân trị giá gần 2 tỉ đồng.
"Căn hộ của mình là 1 tỉ 9, mình đang vay ngân hàng khoảng 850 triệu, mình trả trước 1,1 tỉ. Mình vay ngân hàng thời gian dài nhất ngân hàng hỗ trợ là trong vòng 20 năm. Với lãi suất ngân hàng tầm 10% thì mỗi tháng mình trả khoảng gần 8 triệu với thu nhập của mình thì mình cảm thấy khá ổn. Trả trước một phần khoảng 500 triệu, sau đó trả theo từng giai đoạn, đến khi nhận nhà phải thanh toán số tiền còn lại. Khi vay ngân hàng mình không muốn nặng gánh khoản nợ nên trả trước khoản nào sẽ trả", anh Duy cho hay.
Để mua được nhà, anh Phan Tấn Duy đã phải từ bỏ nhiều sở thích cá nhân, từ bỏ những thói quen lãng mạn để "thắt lưng buộc bụng" thực hiện ước mơ sở hữu một căn nhà gần 2 tỉ đồng. Thế nhưng, gần đây, ước mơ sở hữu một gần nhà 1,9 tỉ đồng như anh Duy thậm chí cũng đã trở thành một sự lãng mạn.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 4/2022 tại TP.HCM của Savills Việt Nam (là tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản) cho thấy những căn hộ có giá dưới 2 tỉ đồng/căn đã không còn xuất hiện ở thành phố.
Căn hộ dưới 2 tỉ đồng ở TP.HCM đã biến mất
Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, hiện tượng giá bất động sản tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân có nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp); chi phí ở các khâu làm dự án đều cao… Ngoài ra, bất động sản đang bất thường ở chỗ, kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng".
Nguyên nhân suy giảm, theo ông Cấn Văn Lực, là do xu hướng điều chỉnh chung của thế giới và trong nước sau 2 năm tăng trưởng khá "nóng" (giá bất động sản thế giới tăng khoảng 10 - 20% và của Việt Nam tăng khoảng 20 - 50%).
Ngoài ra, còn do vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời; nguồn vốn bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua; nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh; giá cả chưa hợp lý.
Giấc mơ "an cư lạc nghiệp" hay dân dã hơn là "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" với những người trẻ tuổi cũng vì thế mà sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Bình luận (0)