Người Việt mua sắm hơn 86.000 ô tô 'nội' trong 3 tháng giảm lệ phí trước bạ

19/12/2024 09:20 GMT+7

Trong 3 tháng triển khai Nghị định 109/2024/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước, người Việt đã mua sắm hơn 86.000 xe ô tô "nội", góp phần giúp ô tô lắp ráp trong nước lật ngược thế cờ trong cuộc cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Không chỉ vực dậy sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam, chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 9 - 11.2024 đã thúc đẩy người Việt mua ô tô "nội". Mở ra cơ hội cho ô tô lắp ráp trong nước "lật ngược thế cờ" sau khi để xe nhập khẩu vượt mặt về doanh số bán trong 3 quý đầu năm 2024.

Thị trường ô tô Việt khó "có cửa" khởi sắc trong năm 2024

Liều thuốc "giảm lệ phí trước bạ" tăng lực cho ô tô lắp ráp trong nước

Sau bước sụt giảm trong năm 2023, thị trường ô tô Việt Nam có bước "chạy đà" năm 2024 không mấy khả quan. Bất chấp việc các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối ô tô vẫn "lao" vào cuộc đua giảm giá để tìm kiếm cơ hội cải thiện doanh số, giải phóng hàng tồn kho, sức mua vẫn ì ạch trong khung cảnh ảm đạm của toàn thị trường ô tô Việt Nam. Trong đó, ô tô lắp ráp sản xuất trong nước đang đánh mất dần sức hút trước màn đổ bộ ồ ạt của xe nhập khẩu không chỉ từ các nước thuộc khu vực ASEAN mà còn từ các hãng xe Trung Quốc.

Người Việt mua sắm hơn 86.000 ô tô 'nội' trong 3 tháng giảm lệ phí trước bạ- Ảnh 1.

Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 9 - 11.2024 đã thúc đẩy người Việt mua ô tô "nội"

Ảnh: Bá Hùng

Với cái danh xe nhập khẩu nguyên chiếc cùng với chiến lược giá bán cạnh tranh giúp ô tô nhập khẩu từng bước vượt xe lắp ráp trong nước về mặt doanh số bán hàng. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, sau 8 tháng đầu năm 2024 doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước chỉ đạt 94.141 xe, giảm 11%; trong khi lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt gần 95.000 xe tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ tháng 4 - 8.2024, lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu hàng tháng đều lấn át ô tô lắp ráp trong nước.

Tuy nhiên, cục diện cạnh tranh đã hoàn toàn thay đổi từ tháng 9.2024 khi ô tô lắp ráp trong nước một lần nữa được "tăng lực" bằng "liều thuốc" giảm 50% lệ phí trước bạ". Việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2024/NĐ-CP về việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước đã giúp thị trường ô tô Việt Nam sôi động hơn. Ô tô lắp ráp trong nước với lợi thế thu hút khách hàng nhờ việc được giảm 50% lệ phí trước bạ theo chính sách đã từng bước lật ngược thế cờ.

Người Việt mua sắm hơn 86.000 ô tô 'nội' trong 3 tháng giảm lệ phí trước bạ- Ảnh 2.

Doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước (CKD) và ô tô nhập khẩu (CBU) tại Việt Nam năm 2024.

Nguồn: VAMA

Trong 3 tháng áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ tháng 9 - 11.2024, lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước liên tục tăng trưởng qua từng tháng. Số liệu từ VAMA cho thấy đã có 65.727 xe ô tô lắp ráp trong nước bán ra trong 3 tháng áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Nếu tính cả lượng xe Hyundai lắp ráp, phân phối (đạt hơn 20.000 xe), doanh số ô tô lắp ráp trong nước trong thời gian Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực đã lên đến 86.122 xe. Con số này chưa tính lượng ô tô điện do VinFast sản xuất, phân phối.

Đến nay sau 11 tháng đã qua của năm 2024, tổng doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước của các thành viên VAMA đạt 159.868 xe, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xe nhập khẩu tăng trưởng tới 40% nhưng chỉ đạt 148.676 xe.

Người Việt mua sắm hơn 86.000 ô tô 'nội' trong 3 tháng giảm lệ phí trước bạ- Ảnh 3.

Trong 3 tháng áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước liên tục tăng trưởng.

Ảnh: Bá Hùng

Lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước vẫn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ

Tính đến thời điểm này, ô tô lắp ráp trong nước vẫn đang năm ưu thế so với xe nhập khẩu ở khía cạnh doanh số bán hàng. Tuy nhiên, dựa vào diễn biến thị trường trong những năm qua cùng với số liệu bán hàng của VAMA cũng như TC Motor công bố thời gian gần đây cho thấy, mặt bằng giá bán ô tô lắp ráp trong nước vẫn còn ở mức khó cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt các dòng xe nhập khẩu từ các nước thuộc khu vực ASEAN vốn được hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Với việc Nghị định 109/2024/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực trong 3 tháng vừa qua, nên nhớ rằng đây đã lần thứ 4 trong 4 năm trở lại đây, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp sản xuất trong nước được áp dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Điều này cho thấy, việc thúc đẩy doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước vẫn còn "cậy" nhiều vào chính sách hỗ trợ ngắn hạn từ Chính phủ, dù cho bản thân các nhà lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước vẫn nỗ lực giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh.

Người Việt mua sắm hơn 86.000 ô tô 'nội' trong 3 tháng giảm lệ phí trước bạ- Ảnh 4.

Việc thúc đẩy doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước vẫn còn "cậy" nhiều vào chính sách hỗ trợ ngắn hạn từ Chính phủ.

Ảnh: Bá Hùng

Do đó, để ngành ô tô Việt Nam có thể phát triển trong bối cảnh thị thị trường ô tô toàn cầu đang ngày càng cạnh tranh, cần có chính sách dài hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước tăng năng lực sản xuất cũng như tỉ lệ nội địa hoá… Chứ không thể cứ mãi phụ thuộc vào "liều thuốc giảm đau" ngắn hạn như việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong thời gian qua.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.