Người Việt mua sắm ô tô nhập khẩu nhiều hơn xe lắp trong nước

30/05/2024 11:38 GMT+7

Nhiều người Việt chọn mua các mẫu mã ô tô nhập khẩu nguyên chiếc vốn đang được nhà phân phối giảm giá bán thay vì chờ đợi xe lắp ráp trong nước một lần nữa hưởng chính sách ưu đãi giảm lệ phí trước bạ.

Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu mua sắm ô tô của người Việt vẫn đang chậm lại, tuy nhiên cuộc đua giảm giá diễn ra rầm rộ trên thị trường ô tô cùng với thông tin về những ưu đãi từ chính sách… khiến cho xu hướng lựa chọn ô tô đang có sự thay đổi. Ô tô lắp ráp trong nước với mẫu mã đa dạng chủ yếu của các thương hiệu như Toyota, Kia, Mazda, Hyundai… từ trước đến nay vẫn chiếm ưu thế về lượng tiêu thụ hàng tháng. Tuy nhiên, trong tháng 4.2024 đã có sự thay đổi khi lượng ô tô nhập khẩu tiêu thụ trên thị trường đã vượt xe lắp ráp trong nước.

Người Việt mua sắm ô tô nhập khẩu nhiều hơn xe lắp trong nước- Ảnh 1.

Tháng 4.2024, người Việt mua sắm ô tô nhập khẩu nhiều hơn xe lắp ráp trong nước

Bá Hùng

Số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 4.2024 các thành viên thuộc VAMA đã bán ra thị trường tổng cộng 24.350 xe. Trong đó, doanh số bán xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 11.983 xe, giảm 17% so; doanh số bán ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đạt 12.367 xe, giảm 3% so với tháng trước.

Thị trường ô tô Việt khó "có cửa" khởi sắc trong năm 2024

Như vậy, sau 3 tháng đầu năm 2024 "lép vế" hơn xe lắp ráp trong nước về lượng tiêu thụ, bước sang tháng 4, doanh số bán ô tô nhập khẩu đã bất ngờ tăng tốc để lật ngược thế cờ. Trong top 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam tháng 4.2024, ô tô nhập khẩu cũng chiếm ưu thế khi có tới 5 cái tên góp mặt, gồm: Mitsubishi Xpander, Toyota Yaris Cross, Mitsubishi Xforce, Toyota Innova, Ford Everest. Trong đó, Mitsubishi Xpander là mẫu xe hút khách nhất, vừa có bản lắp ráp trong nước, vừa có bản nhập khẩu từ Indonesia, tuy nhiên lượng tiêu thụ bản nhập khẩu gấp 7,3 lần so với bản lắp ráp trong nước.

Điều này xuất phát từ việc nhiều mẫu mã ô tô nhập khẩu được nhà phân phối ưu đãi, giảm giá bán hấp dẫn hơn so với xe lắp ráp trong nước. Thậm chí, một số mẫu xe như Mitsubishi Pajero Sport, Honda Accord, Subaru Forester, MG RX5… vẫn đang được nhiều đại lý giảm giá bán lên đến cả trăm triệu đồng.

Trong khi đó, xe lắp ráp cũng được nhà sản xuất, đại lý áp dụng ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên thông tin về việc Chính phủ đang xem xét áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước cũng phần nào khiến khách hàng có nhu cầu mua xe mang tâm lý chờ đợi.

Người Việt mua sắm ô tô nhập khẩu nhiều hơn xe lắp trong nước- Ảnh 2.

Chính phủ đang xem xét áp dụng ưu đãi giảm lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp trong nước

Bá Hùng

Cụ thể, vào cuối tháng 4.2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Nhiều khách hàng kỳ vọng, trong bối cảnh sức mua cũng như doanh số bán ô tô sụt giảm, đề xuất này nếu được xem xét áp dụng, mua ô tô trong nước sẽ được hưởng ưu đãi kép. Tức vừa được được hưởng ưu đãi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ, vừa được đại lý giảm giá bán. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.

Tính đến hết tháng 4.2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 17% trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kì năm ngoái. Dù vậy, theo VAMA, tổng lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước (đạt 42.902 xe) vẫn nhiều hơn ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (đạt 39.613 xe).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.