Tờ The Brown Daily Herald đưa tin các lớp tiếng Việt đã được khai giảng ở Đại học Brown vào học kỳ mùa thu 2021 (bắt đầu vào cuối tháng 7, đầu tháng 8). Các khóa học được tổ chức trực tiếp tại trường, với giáo viên đứng lớp là cô Trang Tran (giảng viên thỉnh giảng theo chương trình Fulbright).
Các sinh viên theo học khóa tiếng Việt tại Đại học Brown và Princeton |
The Brown Daily Herald |
Thông qua quan hệ đối tác với Đại học Brown, Đại học Princeton cùng lúc tổ chức các lớp tiếng Việt cho sinh viên trường này. Lớp ở Đại học Princeton được kết nối qua nền tảng Zoom, cho phép các sinh viên cùng tham dự lớp của giảng viên Tran tại Đại học Brown.
Các khóa học trên là thành quả của Sáng kiến Sinh viên Đông Nam Á (SEASI) và sự vận động không mệt mỏi từ những sinh viên gốc Việt mong muốn được học tiếng mẹ đẻ trên đất Mỹ. Là dự án do sinh viên dẫn đầu, SEASI được khởi động vào năm 2016 với mục tiêu kiến tạo cơ sở hạ tầng học thuật, cho phép các sinh viên Đại học Brown nghiên cứu Đông Nam Á. Tháng 4.2019, SEASI chính thức thảo luận ý tưởng mở lớp tiếng Việt với lãnh đạo trường.
Trong thư gửi cho cấp lãnh đạo Đại học Brown, các sinh viên đằng sau sáng kiến SEASI nhấn mạnh họ không những ủng hộ mở lớp tiếng Việt, mà còn đính kèm danh sách các khóa học cần thiết để tăng cường kiến thức liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa của người Việt. “Họ rất tích cực tiếp cận tôi, Văn phòng chủ nhiệm khoa và Khoa Nghiên cứu Đông Á, để thúc đẩy Đại học Brown mở khóa học tiếng Việt”, The Brown Daily Herald dẫn lời bà Jane Sokolosky, Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ (CLS) của đại học.
Còn tại Đại học Princeton, khóa học trên đại diện cho nỗ lực không mệt mỏi của những sinh viên muốn theo học tiếng Việt trong những năm qua. Cô Cam My Nguyen, niên khóa 2019 - 2023, chia sẻ: “Khi bắt đầu theo học tại Princeton, tôi nhận ra rằng sinh viên đến từ Đông Nam Á không những là thiểu số trong cộng đồng đại học, mà còn ít đại diện trong lĩnh vực học thuật”. Theo tờ The Daily Princetonian, tương tự cô Nguyen, một vài sinh viên khác tìm đến Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ Princeton (PCLS) và đề nghị trường mở khóa tiếng Việt. Đến tháng 5.2020, 9 sinh viên nhận thư phản hồi từ PCLS với nội dung trường bắt đầu thảo luận với các thành viên về khả năng này.
Gần như tất cả sinh viên đăng ký khóa mới ở cả hai đại học Ivy League đều là người gốc Việt và đều muốn nói được ngôn ngữ của cha ông. Tuy nhiên, giảng viên Tran thừa nhận dạy tiếng Việt tại đại học Mỹ không hề dễ. “Có rất nhiều nguồn và tài liệu để dạy tiếng Anh, nhưng lại quá khó để tìm được đúng sách giáo khoa để dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ”, theo cô Tran. Điều đáng mừng là tất cả sinh viên tích cực tham gia lớp học. “Tôi muốn chuẩn bị cho các em cơ hội quay về Việt Nam, vì một số em có thể chọn Việt Nam là nơi thực tập, hoặc theo chương trình học bổng trao đổi Fulbright”, giảng viên Tran cho biết.
Bình luận (0)