Thị trường tiêu thụ thực phẩm - đồ uống lớn thứ ba châu Á
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố khảo sát bức tranh toàn cảnh ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam năm 2018. Theo đó, chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước (theo GSO). Số liệu khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, thực phẩm - đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).
tin liên quan
Các hãng thức ăn nhanh đua nhau lỗ: Bán lẻ với nghi án chuyển giáBên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú cùng với sự dồi dào các sản phẩm nông nghiệp - nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng với nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.
Thực phẩm chế biến sẵn "lên ngôi"
Trong nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam, thực phẩm nằm trong top 3 nhóm thực phẩm có giá trị tăng trưởng nhanh nhất (7%), tương đương với đồ uống không cồn và chỉ đứng sau nhóm bia (10%).
Có thể thấy, cuộc sống hiện đại, bận rộn, quan điểm về gia đình, đặc biệt ở khu vực thành thị đã có sự thay đổi. Nhu cầu với nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh cũng có sự khác biệt so với trước đây. Để phục vụ cho các đối tượng này, các công ty thực phẩm - đồ uống đã thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa, đóng gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi. Ngoài ra, các công ty cũng hướng tới cung cấp các bữa ăn tươi (ready meals) nhằm mang đến cho người tiêu dùng không chỉ là những sản phẩm đóng gói/ăn liền khô, mà còn là những sản phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.
|
Khảo sát thực tế, thực phẩm chế biến ngày càng phong phú, đa dạng. Từ các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi tới hệ thống siêu thị, kệ hàng thực phẩm đóng gói luôn chiếm diện tích lớn. Mì gói, cháo, miến, phở, hay cả những đặc sản địa phương như bún bò Huế, hủ tiếu nam vang, bún riêu... cũng được đóng gói, giữ nguyên hương vị. Đơn cử, chỉ với hơn 30.000 đồng, cho vào lò vi sóng làm nóng khoảng 7 phút, một tô bún bò Huế với đầy đủ thịt bò, giò heo, hành tây, gói gia vị, mùi vị không thua kém gì ăn trực tiếp tại cửa hàng, đã sẵn sàng. Mì xào, phở trộn, mì Ý xốt bò bằm... cũng vô cùng tiện lợi, dễ làm, nhanh gọn mà giá chỉ dao động từ 14.000 - 25.000 đồng tùy loại.
Không chỉ đồ ăn Việt, các món ăn "quốc hồn quốc túy" của Nhật Bản, Hàn Quốc như mì ramen, mi udon, mì trộn tương đen, topokky... nay cũng được đóng gói, sẵn sàng thưởng thức chỉ sau 5 - 7 phút làm nóng. Giá nhóm thực phẩm ngoại này cao hơn, từ 25.000 - 40.000 đồng tùy loại.
Một nhân viên bán hàng tại Ministop (quận 4) thông tin các sản phẩm như mì ly, phở trộn, mì trộn đóng hộp chiếm lượng tiêu thụ rất lớn. Đây là lựa chọn phổ biến của nhóm đối tượng học sinh, dân văn phòng cho bữa sáng, bữa trưa, bữa xế và ăn đêm.
Bình luận (0)