Người nhạc sĩ vừa hoàn thành những nốt nhạc cuối của khuông nhạc cuộc đời. Những giai điệu mà ông đã viết từ cách đây 45 năm “đêm qua em mơ gặp Bác Hồ, râu Bác dài tóc Bác bạc phơ...” sẽ mãi còn ngân nga trong ký ức của biết bao cậu bé, cô bé ở xứ sở này.
|
Nhạc sĩ Xuân Giao không học nhạc trong trường lớp. Ông viết nhạc từ những thanh âm cuộc sống, từ trái tim và lòng nhiệt huyết.
Anh bộ đội với cây đàn mandolin
Thuở nhỏ ở Hải Phòng, cậu thiếu niên Xuân Giao tham gia nhóm hướng đạo sinh. Ở đây cậu được gặp nhạc sĩ Hoàng Quý, người có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của cậu sau này. Năm 17 tuổi, Xuân Giao lên đường nhập ngũ, học tập tại Trường Sĩ quan lục quân. Sau rồi Xuân Giao về công tác tại đoàn văn công của Tổng cục Chính trị. Những năm tháng theo đoàn văn công vào chiến trường, ông bắt đầu viết nhạc. Sau này, về làm việc tại Nhà xuất bản m nhạc, Xuân Giao tiếp tục sáng tác ca khúc.
|
Người bạn thân của nhạc sĩ Xuân Giao - nhà báo Hoàng Sơn - năm nay đã 85 tuổi. Ông không còn khỏe nữa, nhưng nhắc đến người bạn của mình, giọng người đàn ông ấy bỗng ríu rít như đứa trẻ. “Cậu ấy luôn cầm cây đàn mandolin trên tay nghêu ngao hát. Xuân Giao có chất giọng trầm ấm, truyền cảm lắm”, nhà báo Hoàng Sơn bùi ngùi nhớ lại. “Cậu ấy đâu có học nhạc chuyên nghiệp. Viết nhạc như thế cho thấy sự tiến bộ rất dài của Xuân Giao. Tất cả đều do nghị lực của cậu ấy”, ông nói.
Sức sống của những giai điệu giản dị
Trong ký ức của nhà báo Hoàng Sơn, Xuân Giao là người rất yêu trẻ con. Có lẽ bởi thế nên nhạc sĩ sáng tác rất nhiều ca khúc cho thiếu nhi như Em mơ gặp Bác Hồ, Cháu yêu bà, Múa cho mẹ xem… Với giai điệu giản dị, lời hát thân thương, gần gũi, những ca khúc ấy mang sức sống vượt thời gian. Và đến giờ trẻ con khắp nơi vẫn líu lo hát.
Trong một lần chia sẻ với báo chí cách đây đã nhiều năm, nhạc sĩ Xuân Giao có kể lại hoàn cảnh ông sáng tác ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ. Đó là năm 1969. Khi vừa nghe tin Bác Hồ mất, người nhạc sĩ cảm thấy hụt hẫng và buồn thương vô hạn. Lúc đó những kỷ niệm tuổi thơ chợt ùa về. Năm 1946, trong chuyến công tác qua Hải Phòng, Bác Hồ đã gặp gỡ bà con và các cháu thiếu nhi. Xuân Giao cũng có mặt trong đoàn thiếu nhi may mắn được gặp Bác. Và những lời hát Em mơ gặp Bác Hồ cứ thế nảy ra trong đầu ông, giống như một giấc mơ được gặp lại Người.
Cũng như bài hát Em mơ gặp Bác Hồ, âm nhạc của Xuân Giao được nhận xét là giản dị đến mức đơn giản, nhưng vì sao lại có sức sống mãnh liệt đến thế? Có lẽ bởi âm nhạc của Xuân Giao được viết từ những xúc cảm chân thành như chính con người ông. “Xuân Giao chân thành đến mức thật quá. Nhiều người không biết tưởng cậu ấy kiêu kỳ. Nhưng đã quen cậu ấy rồi sẽ biết đó là người sống tình cảm lắm”, nhà báo Hoàng Sơn nói. Thêm nữa có lẽ Xuân Giao học giỏi văn, nên lời nhạc của ông nhiều chất thơ, dễ chạm đến cảm xúc của con người.
Khi viết xong ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ, Xuân Giao đến Đài tiếng nói VN đưa bài hát cho nhạc sĩ Mộng Lân phụ trách phần âm nhạc của đài khi đó. Ít lâu sau, bài hát được vang khắp mọi nơi qua sóng của đài tiếng nói. Sau 45 năm, sức sống của bài hát như vẫn còn vẹn nguyên. “Vẫn biết đời người là hữu hạn, không ai cưỡng lại được việc phải nói lời chào từ biệt với cõi nhân sinh này, nhưng tôi tin chắc rằng nhạc sĩ Xuân Giao sẽ sống mãi trong lòng khán giả VN nhiều nhiều thế hệ sau này nữa với những tác phẩm mà ông đã để lại cho âm nhạc VN thế kỷ 20. Cảm ơn nhạc sĩ Xuân Giao đã viết hộ tâm tư của biết bao em bé VN sinh ra sau sự kiện 2.9.1969, ngày Bác Hồ ra đi mãi mãi... Ngay cả con tôi, cháu tôi sau này cũng sẽ hát ca khúc này khi bắt đầu bi bô tập nói, như chính thế hệ chúng tôi vậy. Điều làm tôi thích thú và kính phục nhạc sĩ Xuân Giao là ông đã chuyển đi một thông điệp giản dị nhưng rất có ý nghĩa về sự ra đi của một vị lãnh tụ vĩ đại qua một ca khúc lung linh, trong sáng và chan chứa yêu thương ngay sau thời khắc Bác Hồ từ trần. Kể từ đó đến nay, quả thực là các thế hệ con người VN chúng ta cũng chỉ có thể được gặp Người trong mơ mà thôi. Xin vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa, đáng kính. Mong ông sẽ sớm về với cõi mơ để gặp Bác Hồ” - nhà văn Phan Huyền Thư nhớ người nhạc sĩ.
Minh Ngọc
Bình luận (0)