Trong khi ở nhiều nơi tại miền Bắc, Việt Nam đón tuyết rơi trong giá rét thì nhiều người Việt sinh sống ở bờ Đông nước Mỹ vừa trải qua trận bão tuyết Jonas kinh khủng. Tuyết dày hàng chục centimet và cuộc sống của nhiều người đang bắt đầu được tái khởi động vào ngày 24.1 (giờ Mỹ, tức rạng sáng 25.1, giờ VN).
Các gia đình Việt Nam và Mỹ lục tục dọn tuyết - Ảnh: AN Phạm |
Bão tuyết có tên Jonas đã tan ở thủ đô Washington của Mỹ và vùng phụ cận vào tối chủ nhật (23.1, giờ địa phương) sau 36 giờ trút xuống lượng tuyết dày trung bình 60 cm.
Tuy chưa có con số chính thức cuối cùng song các hãng tin lớn của Mỹ ước tính thiệt hại do cơn bão - được gọi không chính thức là Snowzilla - gây ra ở các bang miền Đông nước Mỹ lên đến hơn 1,5 tỷ USD do giao thông đường bộ bị ngưng trệ, khoảng 10 ngàn chuyến bay đi và đến vùng bão bị hủy, các công sở cũng như doanh nghiệp phải đóng cửa, và các thiệt hại khác.
Việc dọn tuyết được khẩn trương tiến hành - Ảnh: An Phạm
|
Ga Twinbrook ở Rockville, Maryland vẫn đóng cửa. Hoạt động dọn dẹp tích cực diễn ra. Phát ngôn viên của hệ thống metro của thủ đô Washington nói đến chiều chủ nhật mới có thể thông báo liệu hệ thống có hoạt động vào thứ hai hay không - Ảnh: An Phạm
|
Tin tức ban đầu cho hay ít nhất 20 người thiệt mạng trong bão ở các bang, chủ yếu vì tai nạn giao thông hoặc đang dọn tuyết, trong đó đặc biệt có 1 người đàn ông chết ở Washington khi đi bộ về nhà sau khi phải bỏ lại ô tô bị kẹt trong tuyết; 1 trường hợp bang Maryland, 1 ở Virginia và 4 ở New York chết khi đang xúc tuyết ở nhà riêng.
Điểm sáng trong cơn bão này là rất ít nơi bị mất điện do tuyết làm đổ cây dẫn đến đứt dây truyền tải.
Những gia đình Mỹ đang lục tục dọn dẹp sau trận bão tuyết - Ảnh: An Phạm
Gia đình người việt cũng sẵn sàng dọn dẹp tuyết tại nơi ở
|
Phần nguy hiểm nhất đã qua song phần nặng nề nhất còn ở phía trước, đó là dọn dẹp đống tuyết dày mà thiên nhiên bỏ lại.
Quang cảnh các thành phố vào 9 giờ sáng chủ nhật (tức tối 24.1, giờ VN) sau khi bão tan không khác các thành phố ma thường thấy trong các phim kinh dị Mỹ. Đường phố tuy sáng sủa chan hòa dưới ánh mặt trời rực rỡ song hầu hết đều không có bóng người. Thỉnh thoảng các xe dọn tuyết lầm lũi chạy qua, đầu xe ủi tuyết qua một bên còn đuôi xe rải chất chống đóng băng.
Những người hiếm hoi có mặt trên phố lúc này chủ yếu là người của các dịch vụ công chính hoặc của các siêu thị, cửa hàng có nhiệm vụ dọn tuyết. Lực lượng của chính quyền địa phương có trách nhiệm dọn mặt đường cho ô tô đi lại và vỉa hè cho người đi bộ. Do tuyết dày nên tuyết được dồn sang 2 bên đường phố như những con đê cao chừng 2m, còn lối đi bộ lọt thỏm xuống 2 bờ tuyết cao đến gần 1m như giao thông hào.
Hệ thống giao thông công cộng của vùng thủ đô nước Mỹ đã ngừng hoạt động từ đêm thứ sáu cho đến hết ngày chủ nhật. Sau bão, tại các ga tàu điện ngầm, người ta dọn tuyết ở các lối lên xuống, kiểm tra hoặc sửa chữa các thang cuốn.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi các nhân viên tại ga Twinbrook trên tuyến Đỏ (cách thủ đô Washington 28 km về hướng Tây Bắc) liệu đến sáng thứ hai hệ thống có hoạt động trở lại không thì họ trả lời “Không chắc chắn” và khuyên: trước 5 sáng thứ hai nên truy cập vào trang web của công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm để kiểm tra lại thông tin.
|
Tuyết chất đống 2m trong một bãi đỗ xe của một khu mua sắm - Ảnh: An Phạm
|
Nhân viên một siêu thị dọn tuyết - Ảnh: An Phạm
|
Như bất cứ gia đình Mỹ nào khác, các hộ gia đình Việt Nam sống ở vùng thủ đô Washington cũng chịu ảnh hưởng của bão tuyết khi buộc phải ở trong nhà vì sự an toàn, và hiện đang bắt tay dọn dẹp sau bão.
Báo chí Mỹ không đưa tin có trường hợp người Việt nào bị thương vong trong bão. Trên mạng xã hội, chủ yếu là Facebook, bà con người Việt ở Washington, Maryland và Virginia thăm hỏi, nhắc nhở nhau giữ an toàn và tích trữ thực phẩm trước khi bão đến, rồi chia sẻ hình ảnh vẫn bình an vô sự, thậm chí nghịch tuyết khi bão đến, và cảnh “đào hào” ra khỏi nhà khi bão tan.
Chị Phương, làm việc cho một tổ chức tài chính quốc tế, sống 3 năm ở Rockville, Maryland, đăng ảnh chồng và 2 con xúc tuyết khỏi lối đi trước nhà và ghi chú thích ảnh: “Nửa đêm đào công sự. Trẻ con ở nhà cả ngày, đêm được ra ngoài một tẹo sung sướng lắm”.
Con chị Phương có thể sẽ vẫn phải ở nhà vì tại Maryland, trường ĐH Maryland và các trường công Hạt Frederick sẽ vẫn đóng cửa vào thứ hai do hậu quả của bão tuyết.
Trước đó, ở bang Virginia lân cận, Thống đốc Terry McAuliffe khuyến cáo người dân: “Làm ơn đừng ra đường trong ngày chủ nhật hoặc thứ hai. Chúng tôi đang dọn các đường chính, và đầu tuần sau chúng tôi sẽ dọn các đường nhánh”, còn Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser kêu gọi dân chúng: “Chúng tôi cần các bạn ở trong nhà”.
Chị Loan, làm việc cho một đài phát thanh Mỹ đóng ở Washington, sống ở Virginia và từng trải qua các mùa đông băng tuyết, chia sẻ trên FB: “Khi tuyết rơi, thành phố như thiên đường. Khi tuyết tan, trở thành thành phố ma. Ngày mai, ngày kia càng kinh dị hơn”.
Trong khi đó, anh Thăng, làm việc cho một cơ quan chính phủ Mỹ, hiện sống ở Maryland, than thở: “Không biết thứ hai tàu đã chạy chưa. Mình trong danh sách nhân viên phải có mặt kể cả khi thành phố được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Nếu không đến làm việc được phải có bằng chứng đã nỗ lực đi làm nhưng các điều kiện thiên nhiên làm cho không thể thực hiện”.
Các nhà khí tượng hiện đang rà soát các số liệu để xếp hạng bão Jonas. Riêng trang tin WUSA9.COM cho rằng nó đứng số 4 trong 10 cơn bão tuyết lớn nhất từng đổ xuống thủ đô Mỹ, ngang bằng cơn bão hồi tháng 2.2010, với mức tuyết là 45,2 cm đo tại điểm quan trắc chính thức đặt ở sân bay Reagan; thấp hơn cơn bão của năm 1922, 1899 và 1979.
Bão tuyết ở bờ Đông nước Mỹ đã trôi qua và người Mỹ, cũng như người Việt đang sống tại đây đang tiếp tục "chiến đấu" với sản phẩm mà thiên nhiên để lại.
Sau bão tuyết, mọi việc phía trước vẫn còn rất ngổn ngang nhưng vẫn trong trật tự!
Bình luận (0)