Người Việt ở Mỹ kể chuyện học sinh đi học thêm

Phan Quốc Vinh
(từ Mỹ)
24/02/2025 20:45 GMT+7

Học thêm sau chương trình chính khóa sẽ được tiếp tục như thế nào sau khi thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 đang là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các phụ huynh Việt Nam. Ở Mỹ, các trường học đã tổ chức học thêm cho học sinh của mình ra sao?

Các cấp đều có học thêm

Việc học thêm tại Mỹ sau chương trình chính khóa không chỉ giới hạn trong việc củng cố kiến thức mà còn bao gồm nhiều chương trình đa dạng giúp học sinh phát triển toàn diện hay các lớp học nâng cao (AP, IB) dành cho học sinh muốn thử thách bản thân với chương trình đòi hỏi trình độ cao để tích lũy tín chỉ đại học.

Hồi con gái còn nhỏ học ở Missouri, tôi có lịch làm việc phù hợp để đến đón con đúng giờ. Nhiều lần thấy cảnh con gái mình chia tay quyến luyến mấy đứa bạn thân sau giờ học vì các bạn được ở lại trường học thêm còn mình thì "bị" đón về. Nhiều lần cháu còn xin được tiếp tục ở lại như các bạn đó trong sự ngạc nhiên tột cùng của tôi.

Đến các cấp học tiếp theo, việc học thêm trong chương trình tiếp tục được diễn ra trước hoặc sau giờ học chính khóa ở trường.

Học sinh ở Mỹ có đi học thêm? - Ảnh 1.

Các lớp năng khiếu cũng tham gia trưng bày giới thiệu chương trình

Ảnh: Quốc Vinh

Hoặc khi chuyển sang học cấp 3 ở Texas, con gái vẫn tiếp tục được "học thêm" với giáo viên bộ môn bằng cách đăng ký vào lịch trống của thầy cô sau giờ chính khóa để hỏi han bài vở.

Trong suốt chương trình học tiến sỹ giáo dục tại trường đại học Texas Tech (bang Texas), bà xã tôi cũng đã tham gia vào các dự án nghiên cứu đề tài về hỗ trợ học sinh phổ thông. Các nhóm nghiên cứu sinh ngành quản lý giáo dục vừa học tập vừa tham gia hỗ trợ các em học sinh sau giờ học mà thông thường ở các trường nằm trong vùng xa thành phố, sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách ít hơn trường trung tâm.

Hay tôi cũng đã từng tham gia trình bày về văn hóa Việt Nam cho các bạn tiểu học trường Maple Grove (Missouri) trong một chương trình học thêm mùa hè do trường tổ chức cho học sinh ngay trong khuôn viên trường.

Đối với học sinh cấp 3, nếu các bạn trẻ xác định được ngành nghề phổ thông mà mình yêu thích thì có thể lựa chọn việc học thêm tại các trung tâm học tập nâng cao (advanced learning center) nơi cung cấp các khóa học nâng cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và kỹ thuật (Career and Technical Education - CTE) cho học sinh trung học nhằm chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học.

Tại đây, các học sinh có thể tham gia vào nhiều lộ trình CTE khác nhau, bao gồm các lĩnh vực như kỹ thuật, khoa học sức khỏe, dịch vụ công cộng, nghệ thuật thị giác và thương mại. Các chương trình này được thiết kế để cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, giúp học sinh sẵn sàng cho công việc ngay khi ra trường hoặc tiếp tục học tập ở bậc cao hơn.

Ở trường cấp 3 của thành phố Keller (bang Texas), các học sinh có thể chọn phương án sau giờ học buổi sáng bắt xe buýt đến học ở KCAL là trung tâm học tập nâng cao (Keller Advanced Learning Center) sau đó lại bắt xe về lại trường, học nốt các môn buổi chiều.

Chương trình đào tạo không bắt buộc này còn hợp tác chặt chẽ với cộng đồng và các doanh nghiệp địa phương để cung cấp cho học sinh những trải nghiệm thực tế thông qua các chương trình thực tập và học việc. Điều này giúp học sinh xây dựng mối quan hệ và tích lũy kinh nghiệm quý báu cho tương lai nghề nghiệp của mình.

Tuy vậy, đâu đó vẫn có nhiều gia đình chịu sự áp lực không hề nhỏ khi chọn môn học thêm cho con cái của mình.

Học thêm - "tiền nào của đó"

Theo thông tin chính thức của Keller Independent School District (Keller ISD) khu vực mà cô con gái nhỏ tôi đang theo học, ngân sách giáo dục dành cho mỗi học sinh của thành phố Keller trong năm học 2024-2025 rơi vào khoảng 6.000 USD.

Tuy nhiên, Keller ISD đang đối mặt với những thách thức tài chính đáng kể. Từ năm 2021 đến 2023, quỹ chung của Keller ISD đã giảm từ 82 triệu USD xuống còn 47 triệu USD. Ngoài ra, khoản trợ cấp cơ bản cho tài trợ trường học từ bang Texas đã không tăng kể từ năm 2019, góp phần vào tình trạng thâm hụt ngân sách hiện tại của phòng giáo dục thành phố. Từ việc này, các gia đình có hộ khẩu trong khu vực sẽ đóng thuế dành cho giáo dục cao hơn mỗi năm từ đó sẽ trực tiếp tăng tiền thuế đất đồng thời giá nhà ở đây cũng sẽ tăng cao hơn.

Đối với trường Westlake Academy của cô con gái lớn đang theo học thì con số này lên đến gần 13.000 USD mỗi năm. Do học viện là trường bán công lập (charter school là một loại trường công lập tại Mỹ, nhưng có sự tự chủ cao hơn so với các trường công lập truyền thống) nên cho dù đã nhận được hỗ trợ của nguồn quỹ liên bang, quỹ tiểu bang nhưng năm nay nhà trường vẫn thiếu khoảng 5000 USD cho mỗi cháu nên phải liên tục gây quỹ từ phụ huynh, nhà tài trợ hay các tổ chức giáo dục phi chính phủ để duy trì hoạt động.

Để thương hiệu của nhà trường, giáo viên trường hiện đang có thu nhập bình quân cao hơn so với các khu vực khác được duy trì, nhà trường cũng yêu cầu chất lượng tuyển dụng đầu vào sẽ cao hơn như việc phổ cập dần trình độ thạc sĩ giáo dục cho cấp độ tiểu học và tiến sĩ cho việc dạy chương trình IB quốc tế ở cấp 3.

Thực tế các gia đình có thu nhập hạn chế cũng sẽ có ít dần cơ hội cho con học ở những khu vực có trường học tốt do gánh nặng về tài chính khác dù nhà trường không thu học phí. Còn việc giáo viên phải luôn "nâng cấp" trình độ bản thân, bằng nhiều cách để học sinh hiểu bài và làm bài hiệu quả mang đến những kết quả tốt từ các kỳ thi chung trên toàn quốc là điều có thể nhìn thấy được. Đồng thời các gia đình nằm trong khu vực có trường tốt cũng phải "nai lưng ra làm quần quật" để có tiền nộp tiền thuế hằng năm trong đó khoản tiền dành cho giáo dục cũng giành phần kha khá.

Từ những áp lực bủa vây như vậy cũng giúp cho việc học thêm cũng phải bảo đảm như học chính khóa và thời gian của học sinh bỏ ra cho việc bổ sung kiến thức, kỹ năng cũng được đo lường bằng tính hiệu quả thay vì chỉ hoạt động cho có phong trào. Hội phụ huynh được quyền đòi hỏi tính minh bạch, hiệu quả trong mỗi báo cáo tài chính của nhà trường hay trong những cuộc họp của Hội đồng quản trị giáo dục của thành phố vào mỗi tháng.

Hằng năm, ở Mỹ luôn có kỳ thi chuẩn trên máy tính các môn chính để xếp hạng đối sánh từng học sinh trong mỗi trường với kết quả của toàn tiểu bang và toàn quốc.

Từ đó ban giám hiệu và giáo viên các trường phải tìm mọi phương pháp để dạy các học sinh thật hiệu quả bởi các kỳ thi này khi điểm chấm trực tiếp trên phần mềm và kết quả được gửi về cho từng phụ huynh. Nếu kết quả thấp thì chắc chắn phụ huynh sẽ được "giấy mời" gửi con đến cho giáo viên kèm cặp thêm sau giờ học hằng ngày.

Phụ huynh Mỹ đều nhận biết được nhiều lợi ích của việc học thêm sau giờ học chính như cải thiện kết quả học tập khi học sinh có thể nâng cao kỹ năng trong các môn học khó, phát triển kỹ năng mềm giúp học sinh rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề đồng thời sẽ tạo thêm lợi thế khi vào đại học, nhất là những học sinh tham gia các chương trình AP hoặc IB thường sẽ có thêm cơ hội vào đại học danh tiếng.

Các chương trình bổ trợ này còn giúp những học sinh gặp khó khăn trong học tập có thể nhận được sự giúp đỡ kịp thời cũng như học thêm không chỉ để bổ sung kiến thức mà còn là cơ hội để mỗi học sinh khám phá sở thích cá nhân.

Do đã có một lộ trình đồng hành cùng con từ mẫu giáo lớn đến khi chuẩn bị vào đại học cũng như tìm hiểu nhiều về môi trường học thuật trong giáo dục Mỹ, tôi đã quan sát và biết được rằng vẫn có "những con sóng ngầm" giữa các phụ huynh Mỹ trong việc chuẩn bị hành trang cho con vào đại học từ tấm bé.

Việc tham gia các chương trình bổ trợ các kiến thức, kỹ năng ngoài chương trình chính khóa cũng sẽ giúp cho hồ sơ giới thiệu bản thân của học sinh Mỹ được sáng hơn thu hút thêm sự quan tâm của ban giám hiệu các trường cấp 3, đại học.

Ấy vậy nên mỗi khi các gia đình Việt Nam đã từng du học Mỹ gặp nhau ở đây, tôi thì chia sẻ về việc con gái lớn tham gia câu lạc bộ DECA giúp học sinh trung học phát triển kỹ năng lãnh đạo, kinh doanh, tiếp thị, tài chính, quản lý và kinh tế thông qua các chương trình và cuộc thi thực tiễn làm tiền đề cho việc con xin học bổng vào các trường tài chính thì các gia đình khác, người thì cho con cái học piano từ nhỏ để xin học bổng vào trường âm nhạc, người thì cho con tập võ, học bơi để tham gia các cuộc thi, cố gắng đạt các thành tích cao để ghi điểm trong hồ sơ xin vào học trường "xịn" có số má trong thành phố.

Có lẽ làm phụ huynh ở Việt Nam hay trên đất Mỹ, tất cả cũng đều có nhiều nỗi niềm lo lắng giống nhau khi chuẩn bị cho hành trang học hành của những đứa con thân yêu của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.