Người Việt ở Tây Ban Nha liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin từ tâm dịch

18/04/2020 11:35 GMT+7

Người Việt ở Tây Ban Nha những ngày này luôn chia sẻ thông tin với nhau trên các nhóm mạng xã hội . Người rành ngoại ngữ dịch các thông tin mới của nhà chức trách cho những người không biết để nắm bắt và thực thi.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (28 tuổi) - người Việt đến Tây Ban Nha từ tháng 10.2015 để học thạc sĩ và hiện làm việc tự do. Khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, thay vì về nước tránh dịch như nhiều người khác, chị chọn cách ở lại đất nước này. Những ngày Tây Ban Nha bị phong tỏa, chị cảm nhận được sự đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau của người Việt từ tâm dịch. Dù đôi khi chỉ là những dòng tin tức nhưng chị cảm thấy thật ấm lòng.
Chị Thảo đang sống tại Madrid, thủ đô và cũng là tâm dịch Covid-19 của Tây Ban Nha. Dưới đây là những tâm sự của chị Thảo gửi tới Báo Thanh Niên về cuộc sống ở “xứ sở của những chú tót”.

Người Việt chia sẻ thông tin từ tâm dịch

Ngoài du học sinh về nước tránh dịch, người Việt tại đây đa số vẫn cố gắng ở yên tại nhà và chấp hành đúng theo chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu. Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng cố gắng giúp đỡ mọi người: ra thông báo những thông tin về visa, khuyên bảo mọi người nên bình tĩnh, không chia sẻ những tin không chính thống, chấp hành đúng những biện pháp của nước sở tại, đặc biệt lập hẳn một đường dây nóng để hỗ trợ cho những ai có câu hỏi hoặc cần giúp đỡ liên quan đến dịch Covid-19. 

Đường phố thưa thớt, người dân đứng cách nhau xa để đảm bảo an toàn

Ảnh: Phương Thảo

Tính đến thời điểm ngày ngày 18.4, Tây Ban Nha có đến 190.839 ca nhiễm Covid-19 với 20.002 ca thiệt mạng.
Người Việt ở Madrid đang cố gắng chia sẻ những thông tin chính thống, tránh hoang mang và cập nhật tin tức của Chính phủ mỗi ngày giúp cho những ai không rành tiếng bản địa thì vẫn sẽ biết được tin tối thiểu.
Cộng đồng người Việt ở nước này hay trao đổi, liên lạc với nhau qua một group trên mạng xã hội. Ở đó, người Việt ở mọi nơi tại Tây Ban Nha luôn giúp đỡ và giải đáp cho những ai có khúc mắc về việc lây nhiễm. 
Bản thân tôi thì không hoang mang hay lo lắng gì. Chỉ có hơi cực là tôi bị dị ứng thời tiết và cây cối. Mà mùa này đang là mùa xuân ở đây nên bây giờ những ai dị ứng, chỉ cần ho hay hắt xì là đều bị nhìn và nghi ngờ. Bởi vậy việc đi siêu thị mua đồ tôi để hết cho chồng, đúng nghĩa một tháng tôi không ra đường.

Nhiều cửa hàng vẫn còn đóng cửa, người ra đường cũng rất ít

Ảnh: Phương Thảo

Ở Madrid đã phải dựng một bệnh viện dã chiến với 5.000 giường bệnh trong một trung tâm triển lãm lớn nhất Tây Ban Nha để giúp cho bệnh viện tránh quá tải (mặc dù thực ra đã quá tải rồi). Bệnh viện này dành cho nhóm những người không quá nặng. Mặc dù đã có số lượng là hàng trăm giường được trang bị thiết bị máy thở chăm sóc đặc biệt…

Phong tỏa cả nước là thế nào?

Theo thông tin ở thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha sẽ thực hiện phong tỏa cả nước cho tới ngày 26.4 và vẫn dừng mọi hoạt động kinh tế. Mới đây, Bộ Y tế đã mở một đợt kiểm tra diện rộng cho 60.000 người và dự đoán là có tới 90% số ca nhiễm Covid-19 nhưng không được phát hiện.
Khi có lệnh phong tỏa, đa số đều chấp hành ở tại nhà nhưng vẫn có những cá nhân trốn đi tiệc tùng bất kể độ tuổi, hoặc đơn giản là họ kiếm cớ để đi siêu thị dù chỉ mua một xíu đồ. Có lẽ vậy, nên mấy ngày này, cảnh sát, quân đội đang siết chặt việc kiểm tra.

Tôi mong mọi chuyện sớm quay trở về quỹ đạo

Ảnh: Phương Thảo

Nhà chức trách cũng khuyến cáo người dân đi siêu thị thì không đi theo cặp, đi ô tô cũng không ngồi sát nhau, muốn chạy xe ô tô phải giải trình. Nhưng tuần này đang là tuần lễ Phục sinh nên sẽ có nhiều trường hợp ra biển nghỉ lễ vì họ có nhà riêng ở thành phố khác. Tôi lo rằng việc này sẽ càng căng việc cho phía cảnh sát và quân đội.
Hiện nay, người dân Tây Ban Nha ở trong nhà là chính, dù chuyện này dường như là không thể vì tập quán tính cách của họ theo hướng Latin. Đó là họ thích tụ tập, thích gần gũi ôm hôn khi gặp nhau, thích hội hè. Bây giờ lại phải ở trong nhà rồi phải có khoảng cách khi ra ngoài đường nên đó là trở ngại lớn.

Công viên vẫn còn giăng dây, chưa hoạt động

Ảnh: Phương Thảo

Chưa kể sắp tới khi hết cách ly toàn quốc sẽ có đề nghị từ chính phủ là đeo khẩu trang trong cộng đồng. Nếu chuyện này xảy ra sẽ là bước ngoặt về văn hóa vì họ không bao giờ đeo khẩu trang và giao tiếp với nhau qua miếng vải như vậy.
Tin vui mừng nhất với người dân Tây Ban Nha lúc này là việc nới lỏng phong tỏa từ 13.4 khi tình hình dịch bệnh đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp, bao gồm xây dựng và sản xuất công nghiệp, được phép mở cửa trở lại. Hình ảnh cảnh sát đứng trao khẩu trang cho người dân đi làm và các tài xế xe buýt tại nhà ga trung tâm của thủ đô Madrid được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội khiến người dân cảm thấy ấm áp.

Tác động lớn đến thu nhập

Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thu nhập của người dân Tây Ban Nha, và tôi, người Việt sống tại Tây Ban Nha cũng không ngoại lệ. Trước mắt, tôi tiếc hùi hụi vì bị hủy 2 chương trình dù được nhận là tình nguyện viên: một là của giải tennis Madrid Open được tổ chức thường niên đầu tháng 5; hai là giải bóng đá EURO 2020 vì Tây Ban Nha là 1 trong 13 sân nhà tổ chức giải và dời sang 2021.

Giao thông ngày nới lỏng phong tỏa còn thưa thớt

Ảnh: Phương Thảo

Công việc của tôi làm về dịch vụ là chủ yếu như: giấy tờ cho người Việt tại Madrid, du học, đặc biệt là dịch thuật và du lịch cho khách Việt qua Tây Ban Nha và ngược lại. Tháng 3 vừa qua, tôi đã bị hụt 2 nhóm khách, trong đó có 1 nhóm tới 30 khách hưu trí và đi nghỉ dưỡng.
Còn dịch thuật thì giữa tháng 3 có một công ty đưa kế hoạch dịch web mà một tuần sau thì báo khách hàng hoãn do lệnh phong tỏa cả nước. Giấy tờ cho mọi người thì cũng hoãn luôn vì các cơ quan nhà nước dành cho người nước ngoài đóng hết, lịch hẹn làm việc thì bị hủy hết.

Người dân chấp hành nghiêm quy định hạn chế ra khỏi nhà

Ảnh: Phương Thảo

Đây cũng là khó khăn lớn cho người Việt, đặc biệt là du học sinh vì chờ đợi duyệt hồ sơ đã lâu, có thể từ 3 tới 6 tháng. Đến được ngày duyệt rồi thì hẹn lăn tay thẻ cư trú thêm dăm bữa một tháng nữa xong, trúng ngay đợt phong tỏa cả nước nên coi như hủy hẹn.
Bà con người Việt muốn xin giấy thông hành để về tránh dịch trong trường hợp đang chờ gia hạn thẻ cư trú cũng không thể xin được vì cơ quan cảnh sát đóng cửa.
Theo kế hoạch, tháng 8 này, tôi sẽ tổ chức đám cưới ở TP.HCM, mà bây giờ tình hình dịch bệnh như thế này nên tôi cũng không biết phải tính thế nào. Hiện tại visa 5 năm cho chồng tôi về Việt Nam cũng bị hủy tạm thời vì dịch bệnh.
Nhà chồng và bạn bè của chồng tôi đều đã mua vé để về Việt Nam dự đám cưới của tôi, để gặp gỡ với những bạn bè, người thân của tôi là người Việt. Nên tôi chỉ mong cả thế giới sớm chấm dứt đợt dịch bệnh này để mọi chuyện quay trở lại theo đúng quỹ đạo của nó…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.