PlayStation Network - Linh hồn của PS4 nhưng lại thiếu vắng tại thị trường Việt
Ra mắt chính thức vào ngày 16.11.2016 tại thị trường Việt Nam, PlayStation 4 (PS4) là một trong những cái tên dẫn đầu trong phân khúc Console (máy chơi game chuyên dụng) toàn cầu. Thiết bị của Sony không chỉ sở hữu cấu hình tối ưu, mà còn được đánh giá cao nhờ vào hệ sinh thái đa dạng cùng hàng loạt tựa game độc quyền có sức hấp dẫn lớn. Theo nhiều cuộc thống kê độc lập, PS4 dẫn đầu tuyệt đối về doanh số so với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Xbox One (Microsoft), Switch (Nintendo),...
Vì lý do đó, sự có mặt của PS4 tại thị trường Việt Nam do Sony phân phối chính thức đã thật sự tạo nên làn gió mới cho cộng đồng game thủ Việt, dù trước đó hệ máy này đã được nhiều doanh nghiệp bán lẻ thông qua con đường xách tay. Ưu điểm rõ rệt nhất chính là các gói Bundle (gói bán hàng ưu đãi), khuyến mãi, chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng,... của Sony liên tục xuất hiện và mang lại nhiều lợi ích cho game thủ Việt.
PS4 ra mắt chính thức tại Việt Nam vào cuối năm 2016, nhưng đến nay, PSN vẫn chưa hỗ trợ thị trường Việt Kim Chao
Tuy nhiên, sau hơn một năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Sony và hệ máy PS4 vẫn đang bỏ ngỏ một trongnhững tính năng quan trọng nhất: PlayStation Network (PSN) chính thức dành cho thị trường Việt Nam.
Đối với người dùng PS4, sau khi "tậu" chiếc Console này, một trong những thao tác đầu tiên chính là khởi tạo tài khoản PSN và sử dụng nó như một cách định danh cho chiếc PS4. Không chỉ đóng vai trò nhận dạng, tài khoản PSN là chiếc chìa khóa để người dùng truy cập vào cửa hàng trực tuyến PlayStation Store, thông qua đó mua các sản phẩm như game, phim ảnh, âm nhạc... và nhiều dịch vụ giải trí khác của Sony. Đặc biệt, tài khoản PSN còn giúp người dùng đăng ký PlayStation Plus - tính năng tối quan trọng để tham gia vào chế độ chơi mạng của hầu hết game trên PS4.
Đây cũng chính là điểm thiệt thòi lớn nhất của người dùng Việt Nam: PlayStation Network không hỗ trợ thị trường Việt. Như vậy, 100% người dùng sở hữu PS4 tại Việt Nam ngay từ bước đăng ký PSN buộc phải "khai man" thông tin cá nhân của mình (bao gồm cả địa chỉ sinh sống) để chiếc Console mà mình vừa mua có thể... dung nạp.
Hầu hết các thiết bị "đồ chơi" của PS4 đều có mặt tại Việt Nam, nhưng lại thiếu vắng đi linh hồn PSN
Nếu chỉ dừng lại ở bước đăng nhập thì vẫn có thể chấp nhận được, thế nhưng, chiếc PS4 của người dùng sẽ căn cứ vào vị trí địa lý của tài khoản PSN để "kéo" người chơi về thị trường của nước đó. Ví dụ, nếu đăng ký tài khoản PSN Singapore, người dùng sẽ phải mua game trực tuyến với giá tiền áp dụng cho thị trường Singapore, thập chí phải thanh toán bằng các loại thẻ do ngân hàng Singapore cung cấp/chấp nhận.
Thiệt thòi lớn
Có ba điểm thiệt thòi lớn rõ rệt nhất mà người dùng Việt - thông qua việc thiếu vắng PSN Việt Nam - phải gánh chịu: Không thể mua game trực tuyến, không thể tham gia chơi mạng, và không được hưởng chính sách hỗ trợ/chăm sóc khách hàng liên quan đến PSN.
Có hai cách để người dùng chơi game trên PS4: sử dụng game dạng đĩa (Physical) hoặc dạng kỹ thuật số (Digital). Sony Center hiện đang phát hành chính thức khoảng 50 trò chơi dạng đĩa cho người dùng Việt Nam, tuy nhiên, con số này là quá ít so với hơn 1.700 đầu game đang hiện diện trên hệ máy PS4 - vốn có thể được phân phối dễ dàng dưới dạng Digital, trong trường hợp có PSN và PlayStation Store dành riêng cho thị trường Việt Nam.
Số đầu game được phân phối chính thức vẫn còn quá ít, do sự thiếu vắng của PSN Việt Nam
Mất đi khả năng chơi mạng cũng là một khuyết điểm khó có thể bỏ qua đối với game thủ Việt. Chẳng hạn như sản phẩm Call Of Duty: WWII (hệ ASIA) được Sony phân phối chính thức tại Việt Nam, để tham gia chơi mạng người dùng cần đăng ký thành công PS Plus tại khu vực Châu Á. Và vì lý do PSN không hỗ trợ thị trường Việt, người dùng buộc phải "giả mạo" tài khoản sang một thị trường khác như Singapore, Hàn Quốc...
Và tất nhiên, khi đã "làm giả" tài khoản PSN để được trải nghiệm PS4, toàn bộ người dùng tại Việt Nam đều đã vi phạm vào những thỏa ước về tính xác thực thông tin. Do đó nếu có bất kỳ trục trặc, rắc rối hoặc lỗi trong quá trình sử dụng PS Store, PS Plus,... chúng ta đã vô tình mất đi một căn cứ quan trọng để tìm kiếm sự hỗ trợ của Sony.
"Sống chung với lũ"
Giữa bối cảnh không được Sony hỗ trợ chính thức, người dùng Việt Nam đã phải nghĩa ra muôn vàn cách để được sử dụng chiếc máy PS4 do Sony phân phối chính thức tại Việt Nam.
Đối với vấn đề PSN, cộng đồng game thủ đã chuyền tay nhau "bí kíp" để đăng ký thành công tài khoản "giả" tại nhiều quốc gia khác được Sony hỗ trợ. Các thông tin này bao gồm cả những địa chỉ nhà xác thực ngoài đời, hòng qua mắt được kênh kiểm tra thông tin của Sony. Thậm chí, việc mỗi game thủ sở hữu 2-3 tài khoản khác nhau trên một máy PS4 (trải dài nhiều thị trường) cũng là điều rất dễ bắt gặp, nhằm múc đích tìm kiếm mua được game với giá rẻ nhất (do mỗi thị trường đều được Sony điều chỉnh mức giá khác nhau).
Game thủ chuyền tay nhau cách thức đăng ký tài khoản PSN "giả", do Sony không hỗ trợ thị trường Việt
Ngoài ra, đối với những trò chơi dạng Digital mà Sony Việt Nam không hỗ trợ, các game thủ cũng tìm mua nhiều thẻ PSN Card (cạng card do Sony phát hành) được bán ở Việt Nam thông qua con đường xách tay. Hiện nay, loại thẻ này cũng không được Sony Việt Nam phát hành chính thức.
Nhìn chung, bằng nhiều cách "lách luật" khác nhau, người dùng PS4 tại Việt Nam vẫn có thể có được những trải nghiệm game khá ổn. Tuy nhiên, đây đều là những cách thức không ổn địch, mang lại rất nhiều thiệt thòi cho những người mua sản phẩm của Sony.
Vào hồi năm ngoái, Sony đã cập nhật ngôn ngữ Việt Nam vào hệ sinh thái PlayStation, nhưng chừng đó vẫn còn chưa đủ. PSN Việt Nam "chính hãng" mới là điều mà game thủ Việt Nam cần nhất, đây cũng là điều kiện tối cần thiết để cộng đồng người chơi PS4 trong nước có thể phát triền bền vững, gắn kết.
Bình luận (0)