Người Việt tại Campuchia giữa dịch Covid-19 bùng phát: Bình tĩnh đợi tiêm vắc xin

16/04/2021 12:02 GMT+7

Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 tại Campuchia đang chuyển biến phức tạp, ca nhiễm bệnh tăng lên từng ngày. Trước nguy cơ 'vỡ trận', người Việt sinh sống ở Campuchia dù khá lo lắng nhưng vẫn bình tĩnh sống chung với dịch.

Không về nước và bình tĩnh sống

Một số người Việt đang sinh sống tại Campuchia chia sẻ với PV Thanh Niên, nhiều người dân cho biết hiện đang vào trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền của người Khmer từ ngày 14 - 16.4. Tuy nhiên, Chính phủ kêu gọi người dân nên ăn Tết ở nhà và tuân thủ các quy định để phòng chống dịch bệnh.
Hiện tại, nhiều tỉnh thành tại Campuchia đang trong cảnh giới nghiêm. Tại thủ đô Phnom Penh, thời hạn giới nghiêm được gia hạn thêm 2 tuần đến ngày 28.4.

Nhân viên chuẩn bị thêm giường bệnh tại một trung tâm tiệc cưới ở Phnom Penh

ẢNH: AFP

Chị Phạm Thanh Bình, hiện đang sống tại thủ đô Phnom Penh và có một cơ sở kinh doanh quần áo tại đây, cho biết chị áp dụng biện pháp 5K chống dịch của Việt Nam và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ ăn và cũng mua thêm đồ ăn dự trữ.
Chị cho biết, tình hình dịch bệnh tại khu vực của chị bắt đầu căng thẳng từ ngày 13.4. Trước đó, ngày 12.3 chị vẫn đi công ty làm việc bình thường nhưng giữ khoảng cách, sống chung với dịch dù tình hình dịch bệnh đang chuyển biến xấu.

Đường phố ở Phnom Penh vắng người

ẢNH: NVCC

“Ra đường giờ vắng lắm, sáng tôi dự tính đi rút tiền mà ra đường chỉ có chợ mới đông hơn một xíu nhưng cũng đi nhanh nhanh để mua cà phê thôi, đồ ăn tôi cũng mua để dự trữ vừa đủ”, chị cho biết.
Chị tâm sự, ở Việt Nam, nếu có người bệnh sẽ tiến hành truy vết những người liên quan để thực hiện cách ly tập trung thì ở Campuchia, gia đình nào có người nhiễm thì gia đình đó sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Hàng xóm của người nhiễm bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
“Hôm trước công ty may vẫn còn hoạt động nhưng nay họ nghỉ Tết thôi, hết kỳ nghỉ lại đi làm việc bình thường. Ở đây chặn đường để người dân không ra vào thành phố, hạn chế về quê ăn Tết”, chị nói.
Chị cho biết vì gia đình ở Việt Nam nên cũng theo dõi quá trình chống dịch của Việt Nam và khá yên tâm vì công tác chống dịch tốt. Một mình chị Bình qua Campuchia kinh doanh để kiếm tiền. Chị chia sẻ không có ý định về nước vì còn lo công việc và đang cố gắng bình tĩnh sống, tự bảo vệ mình để sống chung với dịch.

Gánh nặng chi phí cách ly

Anh Nguyễn Văn Cường (hiện đang thực hiện cách ly tại Thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia) cho biết vừa cách ly xong 14 ngày thì lại tiếp tục thực hiện lệnh cấm đi lại của Campuchia thêm 14 ngày nữa.
Anh Cường vào Campuchia được 20 ngày vì công ty của anh ở Việt Nam nhận công trình ở Campuchia nên anh được phân công sang để làm việc. “Đợt trước vừa vào Campuchia mình vào khu cách ly luôn, sau 14 ngày thì ra ngoài thuê khách sạn để ở thêm 14 ngày nữa vì lệnh cấm và các ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng cao”, anh kể lại.
May mắn, anh Cường được công ty chu cấp chi phí sinh hoạt nhưng giá cả và chi phí ở Campuchia cao nên số tiền trợ cấp không đủ khiến anh phải bỏ thêm tiền ra để trang trải sinh hoạt. Không những vậy, đồ ăn ở khu cách ly và khách sạn lại không hợp khẩu vị những người mới qua Campuchia như anh.

Hình ảnh về bữa cơm khi đi cách ly do một người Việt cung cấp

ẢNH: NVCC

“Đa số anh em người Việt ở khu cách ly hoặc phải tự cách ly đang rất khốn khó. Người ta nấu cay, bữa ăn thì không có rau nên rất khó ăn. Chi phí cách ly là 1.150USD/14 ngày nhưng dịch đang căng thẳng lên từng ngày, mỗi ngày đều có ca nhiễm mới nên đang lo lắng bị nhiễm Covid-19”, anh nói.
Cũng như anh Cường, những người từ Việt Nam qua đều sẽ phải cách ly, nếu đi theo công ty thì sẽ được công ty chi trả còn nếu tự đi thì sẽ phải tự trả chi phí thực hiện cách ly.
Chị Đ.H cũng làm cho một công ty tại Phnom Penh từ năm 2018 và được công ty hỗ trợ hầu hết chi phí từ chỗ ở, đồ ăn và vé máy bay đi lại. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, công ty chị H. không cho nhân viên ra ngoài để phòng dịch. Chị H. ở lại ký túc xá cho người nước ngoài ở trong công ty còn nếu là người Campuchia thì về nhà. Phần lớn thời gian ở công ty nên chị H. không nắm rõ được tình hình dịch bệnh bên ngoài nhưng chị cho biết công ty chị nằm trong Khu công nghiệp nên ngày 16.4 sẽ bắt đầu tiêm vắc xin cho toàn thể người trong khu công nghiệp.
“Mình ở trong khu công nghiệp với công ty không tiếp tiếp xúc với bên ngoài nên cũng không lo lắng gì nhiều giờ đợi đến ngày tiêm vắc xin Covid-19 nữa”, chị cho biết.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 14.4, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 178 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có tới 177 ca liên quan vụ 4 bệnh nhân Trung Quốc trốn cách ly ngày 20.2, còn được gọi là sự kiện cộng đồng 20.2, theo tờ Khmer Times.
Tính đến ngày 14.4, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Campuchia tăng lên 4.874 ca, trong đó có tới 4.337 ca liên quan sự kiện cộng đồng 20.2 và 35 ca tử vong, theo Khmer Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.