Người Việt trải nghiệm đón thế kỷ 15 ở xứ sở nghìn lẻ một đêm

06/04/2022 12:12 GMT+7

Khi gia đình tôi chuyển đến Uzbekistan sống và làm việc cách đây vài năm, chúng tôi mới biết đến Navruz, lễ hội “ngày mới” hay “ngày bắt đầu”, đánh dấu ngày đầu tiên của mùa xuân. Đây là ngày lễ quốc gia nên cả nước được nghỉ giống như Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Trong ngày này, người Uzbek sẽ ăn mặc đẹp, nấu các món ăn truyền thống, tặng quà lẫn nhau và ca hát, nhảy múa. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thêm, tôi mới hiểu rõ hơn nguồn gốc của ngày này: Ngày hội Navruz hay Nowruz (trong tiếng Farsi) đã được tổ chức ở Iran và cộng đồng người Ba Tư trong hơn 3.000 năm qua. Nowruz đánh dấu ngày đầu tiên của lịch Ba Tư và rơi vào cùng thời điểm với ngày Xuân phân (thường vào ngày 20 hoặc 21.3). Đây là một ngày lễ của Hỏa giáo (Zoroastrianism), tôn giáo độc thần lâu đời nhất thế giới, từng thịnh hành ở Ba Tư cổ đại, vốn coi sự xuất hiện của mùa xuân là một chiến thắng trước bóng tối. Cuộc chinh phục Ba Tư của người Hồi giáo ở thế kỷ VII sau Công nguyên đã dẫn đến việc Hỏa giáo dần bị xóa sổ, nhưng các nguyên tắc cơ bản của nó - bao gồm cả sự tôn kính sâu sắc đối với bốn yếu tố tự nhiên là đất, nước, lửa và khí - vẫn được bảo tồn và sinh ra ngày lễ này.

Trước một nhà thờ hồi giáo ở Yazd

Gia đình tác giả và hướng dẫn viên trong phút giao thừa Tết Ba Tư tại Shiraz

Tết Ba Tư được tổ chức không chỉ ở Iran (tên gọi ngày nay của vương quốc Ba Tư) mà còn ở Azerbaijan, Afghanistan và các quốc gia trên khắp Trung Á như Uzbekistan nơi tôi đang sống, cũng như trong cộng đồng người hải ngoại của họ trên khắp toàn cầu với con số lên tới 300 triệu người.

Tác giả ở Yazd

Chính bởi các lý do thiên thời (mùa xuân đang đến), địa lợi (Uzbekistan khá gần Iran, chỉ mất 3 giờ đồng hồ để bay từ Tashkent đến thủ đô Tehran), nhân hòa (một người bạn Uzbek từng sống 1 năm ở Iran hỗ trợ chúng tôi lập chương trình) nên gia đình tôi quyết định tận dụng những ngày nghỉ lễ Navruz năm nay để đến Iran đón Tết Ba Tư. Tôi rất háo hức khi được biết Tết Navrows ở Iran “hoành tráng” hơn ở Uzbekistan nhiều và quả vậy, gia đình 5 người chúng tôi đã có 8 ngày ở Iran với những kỷ niệm vô cùng đặc biệt, mặc dù cũng phải trải qua vài phen toát mồ hôi hột.

Được biết đã gần 40 năm nay, Iran bị Mỹ cấm vận kinh tế nên người nước ngoài không thể sử dụng thẻ tín dụng quốc tế ở nước này. Bởi vậy, khách du lịch chỉ có thể mang theo ngoại tệ và đổi tiền mặt tại Iran trong thời gian lưu trú tại đây.

Chúng tôi đặt chân đến Tehran chỉ 2 ngày trước Tết Ba Tư. Theo hướng dẫn của đại lý du lịch, chúng tôi cần đổi tiền ngay tại sân bay rồi lên đường di chuyển ngay đến Yazd, một thành phố ở phía Nam, cách thủ đô Tehran hơn 6 giờ chạy xe. Tuy nhiên quầy đổi tiền ở đây không còn tiền nên chúng tôi đành tiếp tục lên đường sau khi được cô hướng dẫn viên người Iran hứa sẽ cho vay tiền ăn tạm bữa tối.

Cô Azita, hướng dẫn viên, hứa rằng việc đổi tiền ở Iran rất dễ và chúng tôi có thể làm việc đó ở Yazd vào ngày hôm sau. Có điều, chính cô ấy cũng không ngờ do lễ nên các ngân hàng đều đóng cửa, hoặc các điểm đổi tiền đều cạn nguồn cung nên chúng tôi không có cách nào đổi tiền mặt, đành muối mặt “dùng nhờ” ví của Azita cho tới khi đại diện của công ty du lịch mang đến một giải pháp.

Tôi ngạc nhiên và bất ngờ khi biết mình chuẩn bị đón năm 1401, tức năm đầu tiên của thế kỷ 15, của người Iran.

Iran có 2 mệnh giá tiền: đồng Rial (R) và đồng Toman (T). 1 USD tương đương 250.000 R, hay 25.000 T, tức đồng T có giá trị cao gấp 10 lần đồng R. Vì cả hai loại tiền này đều được lưu hành trên thị trường nên mỗi khi mua sắm, khách du lịch cần để ý xem giá tiền được ghi bằng đồng R hay T. Vấn đề nữa là thông qua thẻ tín dụng, người Iran chỉ được phép rút tối đa 2 triệu Rial mỗi ngày (tương đương… 8 USD) nên anh quản lý công ty du lịch cũng không có cách nào rút tiền mặt cho chúng tôi tự xài được. Giải pháp cuối cùng là anh ấy cho chúng tôi mượn thẻ tín dụng trả trước, anh sẽ nạp vào đó số tiền mà chúng tôi cần đổi thông qua chuyển khoản trực tuyến. Có thể nói đây là giải pháp tối ưu nhất đối với tình trạng có tiền mà như không của chúng tôi, bởi việc tiêu xài bằng ngoại tệ ở Iran chỉ có thể được sử dụng ở một số nơi như khách sạn hay cửa hàng thủ công mỹ nghệ, hoặc khi mua những món đồ có giá trị lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà chuyến tham quan Iran của chúng tôi mất đi ý nghĩa.

Vào ngày thứ ba của hành trình, chúng tôi di chuyển đến Shiraz, một thành phố cổ ở trung nam Iran, sau khi vượt 300km sa mạc. Azita chỉ cho chúng tôi 20 phút để nghỉ ngơi và thay đồ trước khi đến nhà hàng đón giao thừa. Tôi cứ tưởng giao thừa của Tết Ba Tư cũng giống Việt Nam, tức vào lúc 12 giờ đêm, nhưng bất ngờ biết thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 03 phút. Tôi cũng ngạc nhiên và bất ngờ hơn nữa khi biết mình chuẩn bị đón năm 1401, tức năm đầu tiên của thế kỷ 15, của người Iran.

Chụp hình tại nhà thờ Hồi giáo ở Shiraz

Thật may khi nhà hàng nằm ngay gần khách sạn nên chúng tôi không phải mất sức chạy bộ cho kịp giờ. Tôi tranh thủ vài phút trước thời khắc giao thừa để chiêm ngưỡng bàn cỗ truyền thống của người Ba Tư, được trang trí vô cùng sang trọng và lộng lẫy tại sảnh của khối nhà hàng 7 tầng lớn nhất thành phố Shiraz. Cỗ bàn bày Tết Ba Tư (được gọi là Haft-sin trong tiếng Farsi) luôn có 7 thứ đồ truyền thống, tên gọi của mỗi món đều bắt đầu với chữ S, đó là: Táo (Seeb) - thường là táo đỏ, biểu tượng cho Sắc đẹp; Tỏi (Seer) - biểu tượng cho Sức khỏe; Dấm (Serkeh) - biểu tượng cho sự Kiên nhẫn; Hoa Dạ liên hương (Sonbol) - biểu tượng của Mùa xuân; Bánh ngọt Samanu - biểu tượng cho Khả năng sinh sản; Mầm mạ (Sprouts) - biểu tượng cho sự Hồi sinh và Đồng xu (Sekeh) - biểu tượng cho sự Thịnh vượng.

Một số món đồ khác cũng có thể được đặt trên bàn cỗ Tết như bột Sumac (màu đỏ rực của loại gia vị này tượng trưng cho mặt trời mọc), hạt Senjed (ô-liu Ba Tư) đại diện cho tình yêu, Vỏ trứng luộc được trang trí sặc sỡ hay cá vàng đang bơi.

Một anh hề với chiếc mũi đỏ, đầu đội tóc giả đủ màu tiến đến ra hiệu cho tất cả mọi người yên lặng và cùng đếm ngược khi giây phút chuyển giao đã đến. Tuy là lần giao thừa thứ ba nhưng năm nay tôi vẫn thấy vui và xúc động khi được hòa chung với không khí vui vẻ của những người Iran. Được chứng kiến họ ôm hôn và chúc tụng nhau, có những người khóc vì xúc động, tôi không nghĩ mình đang ở một đất nước được gán cho rất nhiều định kiến.

Bữa tối tất niên diễn ra trong một nhà hàng rất đẹp ở tầng hầm của tòa nhà 7 tầng này. Nội thất màu trắng, phong cách kiến trúc độc đáo gợi nhớ chi tiết của các công trình Hồi giáo và những món ăn đậm đà bản sắc Ba Tư đã mang lại cho chúng tôi trải nghiệm thú vị, khó quên. Tôi thấy hợp với ẩm thực Iran và đặc biệt ưa thích những món ăn nấu với cà tím hay thịt cừu dù bình thường tôi không bao giờ ăn món này.

Khi nghe ban nhạc sống chơi những bản nhạc nổi tiếng của Iran, Azita ghé vào tai tôi nói: “Tôi thèm được nhảy múa quá, nhưng tiếc là không thể”.

“Vì sao vậy?” tôi thắc mắc. “Ở Iran, phụ nữ không được phép nhảy múa trước công chúng. Nếu vi phạm, tôi có thể bị bắt”, Azita giải thích. “Để tôi nhảy thay cô vậy” tôi nói đùa rồi lắc lắc hai vai ra chiều đang nhảy cho cô vui, vì hôm đó cũng là ngày sinh nhật của Azita.

Iran vẫn còn các quy định hà khắc, nhất là với phụ nữ như: không được phép ca hát trước công chúng, nữ ca sĩ chỉ được hát nếu ghép giọng với đàn ông, không được đi bốt cao quá đầu gối, không mặc váy hở chân hoặc tay, không được kết hôn với đàn ông ngoại đạo…

Bánh mỳ Iran

Cũng như phụ nữ ở mọi nơi trên thế giới, phụ nữ Iran thích làm đẹp và tôn vinh sắc đẹp. Trong dịp Tết Ba Tư, mọi người đều đổ ra đường đi chơi nên tôi có dịp quan sát và nhận thấy ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở đây rất phát triển, thông qua hình ảnh nhiều người Iran cả nam lẫn nữ với những chiếc mũi băng kín. Azita giải thích rằng giá nâng mũi ở Iran không quá cao, tay nghề của các bác sỹ thẩm mỹ lại tốt nên không chỉ người Iran mà cả từ các nước láng giềng như Iraq, Pakistan, Azerbaijan hay Ả Rập đều thích sang đây cải thiện sắc đẹp. Đàn ông thường làm lại mũi hoặc trồng tóc trong khi phụ nữ thường nâng mũi, nâng ngực, nâng cơ mặt hay bơm môi, xăm chân mày.

Trong suốt 8 ngày ở Iran, tôi và cô con gái 12 tuổi đã luôn tuân thủ quy định của chính phủ nước này qua việc luôn trùm khăn che tóc cũng như không để lộ cẳng tay, cẳng chân. Tôi không lấy thế làm phiền, thậm chí còn khá thích thú với hình ảnh trùm khăn mới mẻ nên đã sắm cho mình một chiếc khăn Iran có màu của saffron (nhụy hoa nghệ Tây) - đặc sản nổi tiếng của quốc gia Tây Á này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.