Người Việt tuy hạnh phúc nhưng nhiều định kiến và 'mê tín'

14/01/2019 17:42 GMT+7

Theo một khảo sát năm 2018 của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, suy nghĩ, cảm nhận của người Việt hiện tại có thể được miêu tả đầy đủ trong cụm từ “hạnh phúc, lạc quan, định kiến, đầy tín ngưỡng”.

TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứ phát triển Mekong, cho biết Viện này vừa thực hiện cuộc khảo sát xã hội học với hơn 1.400 người từ 18 tuổi trở lên, được chọn ngẫu nhiên trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy, có thể miêu tả đầy đủ cảm nhận và suy nghĩ của người Việt năm 2018 trong cụm từ “hạnh phúc, lạc quan, định kiến, đầy tín ngưỡng”.
Hạnh phúc
Người Việt, đặc biệt là nữ giới và người có trình độ học vấn cao, tỏ ra rất hạnh phúc và hài lòng với những người thân quanh mình. Trên 90% người được phỏng vấn cho rằng mình hạnh phúc. Trong đó, gần một nửa số người là rất hạnh phúc. Nữ giới có tỷ lệ người rất hạnh phúc cao hơn so với nam giới và tỷ lệ không hạnh phúc thấp chỉ bằng 1/2 so với nam giới. Người có học vấn càng cao thì càng thấy hạnh phúc hơn. Hoặc người nghèo thì ít hạnh phúc hơn.
Quan hệ với các thành viên trong gia đình người Việt rất tốt đẹp. Hầu hết mọi người đều hài lòng với mối quan hệ với các thành viên khác trong gia đình (trên 80%). Nữ giới có tỷ lệ hài lòng với các thành viên khác trong gia đình cao hơn so với nam giới. Người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ hài lòng cao hơn so với người có trình độ học vấn thấp hơn.
 Điều gì khiến người Việt lo lắng nhất?
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển Mekong, đứng đầu trong danh sách các vấn đề khiến người Việt lo lắng nhất là việc làm (24,12% số người được hỏi lựa chọn mục này), tiếp theo là ô nhiễm không khí (17,06%) và tham nhũng (15,69%).
Các vấn đề lo lắng tiếp theo lần lượt là: y tế (11,32%), ô nhiễm nguồn nước (8,16%); an toàn vệ sinh thực phẩm (7,28%); giáo dục (6,32%); nhà ở (3,24%); khả năng ứng phó thiên tai (1,4%); biến đổi khí hậu (1,32%); an ninh năng lượng (0,44%); tính minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản trị nhà nước (9,22%); môi trường kinh doanh (0,15%).
Qua thứ tự danh mục các vấn đề khiến người Việt lo lắng nhất cho thấy điều mà người Việt bận tâm hàng đầu chính là sức khỏe thông qua việc lựa chọn các mục ô nhiễm không khí, y tế, ô nhiễm nguồn nước, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Lạc quan
Theo kết quả khảo sát, khoảng 90% số người được phỏng vấn tin tưởng vào hệ thống giáo dục của đất nước. Trong đó, có hơn một nửa số người hoàn toàn tin tưởng và khoảng 21% là có sự tin tưởng lớn. Chỉ có khoảng 8% người trả lời là không tin hoặc rất ít tin vào hệ thống giáo dục hiện tại của đất nước.
Kết quả tương tự đối với hệ thống y tế và hệ thống pháp luật. Chỉ có khoảng 10% số người được phỏng vấn rất ít tin hoặc không tin tưởng vào hệ thống y tế hoặc pháp luật hiện tại.
Tinh thần lạc quan thể hiện rõ nét ở niềm tin tham nhũng sẽ bị đẩy lùi. Đa số mọi người đều tin rằng tình hình tham nhũng sẽ được cải thiện trong 5 năm tới (68%). Chỉ có khoảng 17% cho rằng sẽ không thay đổi và một tỷ lệ nhỏ cho rằng sẽ tệ hơn. Điều thú vị là những người càng nhiều tuổi thì càng lạc quan hơn về việc tình hình tham nhũng sẽ được cải thiện trong những năm tới.
Kết quả tương tự đối với việc cải thiện chênh lệch về giàu nghèo (bất bình đẳng). Trên 75% số người được hỏi đều cho rằng triển vọng kinh tế và việc làm trong 5 năm tới sẽ được cải thiện và trên 85% cho rằng hệ thống giáo dục và y tế trong 5 năm tới sẽ được cải thiện. Những người có trình độ học vấn cao thì lạc quan hơn so với những người có trình độ học vấn thấp nhưng không có sự khác biệt đáng kể giữa nam giới và nữ giới cũng như giữa nhóm giàu và nghèo.
Định kiến
Chỉ có khoảng 21% số người phỏng vấn cho rằng ly dị là không sai trái, trong khi có đến 40% cho rằng ly dị là sai trái, và một tỷ lệ tương tự cho rằng ly dị đôi khi là sai trái. Đa số người Việt (đặc biệt là phụ nữ) cho rằng phụ nữ phá thai khi không có điều kiện nuôi con là một hành vi sai trái.
Hầu hết những người được khảo sát không tán đồng với quan điểm về tình dục đồng giới, hành vi lao động tình dục và tình dục trước hôn nhân. Chỉ có khoảng 30% cho rằng tình dục đồng giới là không hề sai trái, 20% chấp nhận tình dục trước hôn nhân và chỉ 4% chấp nhận hành vi lao động tình dục.
Định kiến giới vẫn còn nặng nề khi vẫn còn trên 50% số người phỏng vấn (cả nam và nữ) đồng ý rằng “việc của chồng là kiếm tiền và việc của vợ là chăm sóc gia đình”. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở những người có trình độ văn hóa thấp (từ 55% đối với những người tốt nghiệp THCS và 80% đối với những người chưa tốt nghiệp tiểu học). Quan điểm này hầu như không tồn tại đối với những người tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên.
20% người được hỏi tin lời thầy bói
Đa số người được hỏi cho biết tin tưởng các tổ chức tôn giáo. Chỉ khoảng 25% ít hoặc không tin tưởng các tổ chức tôn giáo. Không có sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới trong vấn đề này.
Gần một nửa số người khảo sát tin vào “sự sống sau khi chết” và một tỷ lệ tương tự tin vào “sự tồn tại của luân hồi”. Có đến 20% tin tưởng vào những điều mà thầy bói nói. Nữ giới tin vào thầy bói cao hơn nhiều so với nam giới. Tuy nhiên, việc tin vào thầy bói không có sự khác biệt giữa người thành thị và nông thôn, trình độ học vấn. Đa số người được hỏi đều cầu khấn 1 tháng từ 2 đến 3 lần và có một tỷ lệ không nhỏ cầu khấn vài lần trong ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.