Nghiên cứu được thực hiện tại các tỉnh/thành phố trên 4.000 người từ 18 - 69 tuổi và 3.568 học sinh từ 14 - 17 tuổi tại 50 trường học.
Ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Không lây nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận xét: Tiêu thụ rượu bia của VN đứng “thứ hạng” cao, xếp thứ hai trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện có uống rượu bia chiếm đến 77% (đứng đầu toàn thế giới). Tỷ lệ này ở khu vực tây Thái Bình Dương là 59%; châu Mỹ (70,7%); châu Phi (40%); châu Âu (73%) và chung cho toàn thế giới là 47,7%. Theo điều tra này, 11% nữ trưởng thành có uống rượu bia.
|
Ông Bảo cho biết thêm về tỷ lệ sử dụng rượu ở mức nguy hại, trung bình toàn cầu là 12,3% còn ở châu Âu là 24,9% nhưng con số này tại VN lên đến 44,2%. Tỷ lệ này tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng… thua VN.
Theo nghiên cứu trên, tuổi bắt đầu uống rượu bia cũng sớm hơn so với các điều tra trước với 43% học sinh uống cốc đầu tiên trước 14 tuổi. “Các nghiên cứu cho thấy, người uống rượu trước 15 tuổi so với người bắt đầu uống khi 21 tuổi có khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần”, ông Bảo lưu ý.
Tìm nhà vệ sinh khó, quán nhậu thì khắp nơi
Thông tin tại hội thảo cho biết sản xuất và kinh doanh rượu bia tại VN gia tăng liên tục trong các năm, trong đó, sản lượng bia tăng trung bình 7%/năm và rượu là 4,4%/năm; sản lượng bia đạt 3,7 tỉ lít và rượu công nghiệp là 70 triệu lít (năm 2015). Ngoài ra, lượng rượu không chính thống ước lên đến 200 triệu lít/năm.
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của WHO, lưu ý VN là một trong 12 nước hiện còn cho nhân dân sản xuất rượu; đồ uống có cồn rất sẵn có và giá rẻ là nguyên nhân gây lạm dụng. VN đang trẻ hóa tuổi uống rượu, người uống rượu mức nguy hại ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động của quốc gia. “Quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?” là cảnh báo của chuyên gia này. Một chuyên gia cũng đã dẫn lời của đoàn chuyên gia nước ngoài khi đến Hà Nội làm việc: ở Hà Nội tìm nhà vệ sinh khó, tìm thư viện khó nhưng quán nhậu thì khắp nơi.
“Có tới 45% số người uống rượu bia từng điều khiển phương tiện giao thông trong vòng 2 giờ sau khi uống rượu, là một trong những yếu tố dẫn đến gia tăng tình trạng tai nạn giao thông”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo. Theo phản ánh của bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội, tại BV này, các năm gần đây tiếp nhận khoảng 400 - 500 bệnh nhân đến cai nghiên rượu mỗi năm, tăng nhiều lần so với 10 năm trước.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết bộ này đang chuẩn bị những bằng chứng khoa học xây dựng dự án luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Bình luận (0)