Tôi biết đến tác giả Lê Trung Cường (sinh năm 1977, ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) khi đọc cuốn sách Trong mắt trái tim do anh viết. Đọc tác phẩm của anh, tôi thấy được sự bình yên, nhẹ nhàng, trong sáng của cuộc sống đa sắc màu. Đó là những lát cắt cuộc sống được cảm nhận rất rõ qua giác quan nhạy bén của người khiếm thị.
Khi biết chàng trai của thành phố "hoa phượng đỏ" cũng là một người khiếm thị, tôi đã rất cảm phục ý chí và nghị lực của anh.
Vượt lên sự nghiệt ngã của số phận bằng tình yêu văn chương
Năm 7 tuổi, một biến cố xảy đến khiến đôi mắt của Lê Trung Cường không còn nhìn thấy ánh sáng. Tưởng như những ước mơ, hoài bão còn dang dở sẽ khép lại khi bóng tối bao phủ trong đôi mắt anh, nhưng, trái tim anh lại bùng cháy lên ngọn đuốc thắp sáng ý chí và nghị lực. Anh vẫn quyết tâm theo học văn hóa dù rằng những chữ, số phải sờ tay để cảm nhận.
Khi đã dần thích nghi với cuộc sống của người khiếm thị, những rung động trong tâm hồn khiến anh nghĩ về những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ, khi anh còn nhìn thấy ánh sáng. Anh bắt đầu viết lại những điều mình từng trải qua và đang cảm nhận bằng đôi mắt trong trái tim.
Năm 2013, anh được bạn đọc biết đến với tác phẩm bút ký Cô Tô trong mắt người khiếm thị in trên Tạp chí Cửa biển Hải Phòng. Sau đó anh có nhiều tác phẩm lần lượt đăng trên báo, tạp chí của trung ương và địa phương. Bằng sự nỗ lực, không nản lòng trước sự nghiệt ngã của số phận, anh đã đạt được nhiều giải thưởng văn học: giải thưởng của Tạp chí Cửa biển Hải Phòng với bút ký Cô Tô trong mắt người khiếm thị, năm 2013; giải nhì (không có giải nhất) với bút ký Cơn mưa bất ngờ trong cuộc thi truyện ngắn và ký của Báo Văn nghệ Thái Nguyên, năm 2016; giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm Trong mắt trái tim, năm 2018; giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bút ký Cây nào cũng muốn nở hoa, năm 2020…
Lê Trung Cường đã xuất bản những cuốn sách: bút ký và tản văn Trong mắt trái tim, tản văn Dẫu không nhìn thấy nắng, truyện dài Phú Quốc trong mắt kính thần…
Sáng tác văn học với một người bình thường là một công việc nhọc nhằn, nhiều gian khổ. Vậy mà Lê Trung Cường vẫn miệt mài viết. Tôi từng hỏi Lê Trung Cường: "Vì sao anh viết?", và được anh chia sẻ: "Tôi viết để cộng đồng hiểu thêm về người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung. Họ cũng có những ước mơ, hoài bão và khao khát cống hiến những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Tuy rằng tôi không may mắn khi mất đi thứ ánh sáng của cuộc đời nhưng tôi luôn cố gắng thực hiện những điều có thể làm trong khả năng của mình, để cống hiến cho quê hương, đất nước...".
Người thầy tận tâm của những đứa trẻ khiếm thị
Hiện tại, Lê Trung Cường là giáo viên dạy tin học của Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng.
Học trò của anh là những đứa trẻ chỉ được cảm nhận màu hoa phượng rực đỏ dưới nắng qua những vần thơ, câu hát và lời kể của người khác.
Hằng ngày, anh Lê Trung Cường đi xe ôm đến trường để dạy học. Trong những tiết tin học tưởng chừng như khô khan, với sự đồng cảm và với tình thương của một người thầy, anh thường trò chuyện, chia sẻ, động viên học trò cố gắng vượt lên số phận bằng nghị lực của mình.
Anh nói với học trò rằng, "những ngày đầu mò mẫm trong bóng tối, thầy đã rất tuyệt vọng khi sinh hoạt phụ thuộc rất nhiều vào người khác. Cặp kính, chiếc gậy thường khiến thầy cảm thấy bất tiện. Nhưng con chữ, câu văn đã tiếp thêm nghị lực cho thầy chiến thắng tất cả để trở thành thầy giáo và "nhà văn", viết ra những điều tốt đẹp. Các em hãy cố gắng học tốt, dẫu không có niềm đam mê với văn chương thì cũng có thể làm một công việc khác giúp ích cho gia đình, cho xã hội...".
Thời gian cuối tiết học, anh thường mở máy tính để học trò nghe những tác phẩm viết về người khuyết tật và các tác phẩm của tác giả khuyết tật, cùng những tác phẩm hay dành cho thiếu nhi… Anh tin rằng qua những câu văn trong trẻo, tươi sáng, nhân văn..., ít nhiều sẽ truyền lửa, khơi dậy những ước mơ đang ấp ủ trong tâm hồn các em.
Sau 18 năm dạy học, nhiều học trò khiếm thị của anh đã sử dụng thành thạo máy vi tính để thuận tiện trong việc, giao tiếp, trao đổi và cập nhật thông tin; nhiều người đã và đang giữ những vị trí quan trọng của Hội Người khiếm thị thành phố Hải Phòng.
Khi viết bài này về anh, tôi từng nghĩ nếu đôi mắt chúng ta không còn nhìn thấy ánh sáng, liệu chúng ta có đủ nghị lực để vượt qua khó khăn... Vậy mà "nhà văn khiếm thị" Lê Trung Cường vẫn dạy học và miệt mài viết. Dường như bão giông, sóng gió cuộc đời không thể quật ngã anh, một "cây phượng vĩ" kiên cường nơi thành phố cảng. "Cây phượng vĩ" ấy bốn mùa đơm hoa rực đỏ, tô thắm sắc màu tươi đẹp cho quê hương bằng nghị lực và đôi mắt trong trái tim.
Bình luận (0)