Một khách sạn ở Phan Thiết mới đây thực hiện niêm yết, thanh toán tiền phòng bằng tiền ảo (Pi). Sau khi phát hiện, Công an Bình Thuận đã kiểm tra và buộc phải dừng niêm yết. Chủ khách sạn thừa nhận việc niêm yết và cho thanh toán tiền ảo từ cuối tháng 2.2023 do học cách làm của một số khách sạn ở P.Q đem về áp dụng. Chủ khách sạn cho hay đã niêm yết 0,5Pi/phòng/đêm và chỉ trao đổi chứ không mua bán đồng Pi.
Mua bán và trao đổi hàng hóa bằng Pi vẫn diễn ra
Việc trao đổi đồng Pi như khách sạn ở Phan Thiết không phải mới, trên mạng xã hội những hoạt động mua bán, trao đổi vẫn diễn ra với số đông người tham gia. Chẳng hạn, chỉ cần tìm kiếm từ khóa "Cộng đồng Pi Network" đã có cả trăm nhóm hoạt động trên các nền tảng như Facebook, TikTok… Hiện, nhiều nhóm vẫn trao đổi mua bán đồng Pi hoặc trao đổi hàng hóa lấy Pi.
Trong nhóm "Cộng đồng Pi Network giao dịch..." công khai trên mạng với hơn 24.000 thành viên, các thông tin đăng tải giao dịch khá thường xuyên. Ví dụ, một nickname mới đây rao mua công khai 82.000 đồng/1 Pi. Bên cạnh đó, vài người cũng rao bán xe máy, đồng hồ để nhận Pi. Hay có nickname cũng rao bán tour Quy Nhơn - Phú Yên và nhận thanh toán bằng Pi như chương trình 4 ngày 3 đêm là 500 Pi/khách; tour Kỳ Co Eo Gió trong ngày là 100 Pi/khách… Nếu quy đổi thì nickname này đang định giá 1 Pi tương ứng 6.800 - 7.000 đồng.
Thế nhưng, cũng có rất nhiều trường hợp cho biết đã bị các cá nhân mua bán, trao đổi Pi "lừa" khi không thực hiện sau khi đã nhận được Pi.
Gần đây, các thành viên Pi Network và KOLs (người ảnh hưởng) trên thị trường tiền số hay tiền ảo đang tích cực quảng bá hệ thống Pi sắp chạy Open Mainnet (Mainnet mở) khiến nhiều người tin tưởng và đẩy giá đồng tiền số này. Tuy nhiên, cuối năm 2022, mạng này vẫn đang ở trạng thái Mainnet đóng, khiến cho việc tương tác với bất kỳ bên thứ ba nào "về mặt kỹ thuật là không thể". Nhóm sáng lập dự án blockchain này cũng từ chối trách nhiệm với những sàn giao dịch tuyên bố niêm yết hay bất kỳ giao dịch nào đối với đồng Pi...
Như vậy, sau 4 năm ra mắt, đồng tiền ảo Pi vẫn chưa được niêm yết hay giao dịch trên bất cứ đâu, hay nói cách khác, Pi vẫn chưa có giá trị. Việc tự định giá của nhiều cá nhân thông qua trao đổi hàng hóa sẽ tùy thuộc vào mỗi người. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người tại Việt Nam hàng ngày vào "đào" Pi để chờ ngày đồng tiền này có giá trị.
Người dùng Việt vẫn lọt top 5 truy cập các sàn tiền ảo
Thị trường tiền số thế giới giữa tháng 11.2022 rúng động khi sàn giao dịch lớn thứ hai thế giới - FTX Group - nộp đơn xin phá sản. Trong hồ sơ xin phá sản, FTX Group liệt kê khoảng 130 công ty liên quan. FTX cho biết, hơn 100.000 chủ nợ có yêu cầu bồi thường trong vụ việc. Khi đó, hãng tin Reuters cho rằng có ít nhất 1 tỉ USD của khách hàng đã biến mất khỏi sàn giao dịch này mặc dù bản thân họ không được rút tiền. Điều đó khiến nổi lên nghi vấn rằng thành viên nội bộ hay bản thân ông chủ của FTX đã bí mật chuyển số tiền nêu trên...
Trên các diễn đàn tiền ảo tại Việt Nam, nhiều người hoảng hốt và than trời khi không thể rút được tài sản của mình sau sự kiện FTX. Có người nói họ mất hàng chục ngàn và thậm chí cả trăm ngàn USD… Thế nhưng, làn sóng say mê với tiền ảo dường như vẫn chưa kết thúc.
Theo thống kê đến tháng 2.2023 của trang Similarweb.com, người dùng từ Việt Nam vẫn đang đứng trong top 5 lượng truy cập vào các sàn giao dịch tiền ảo, tiền số lớn trên thế giới. Vị trí này tiếp tục được duy trì như những năm qua. Chẳng hạn, lượt truy cập vào sàn Binance.com của người Việt đứng thứ 4, cao hơn Ấn Độ và đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Argentina. Hay thống kê trong năm 2021 của Similarweb, Việt Nam đứng thứ hai về lượng truy cập vào website của Pi Network...
Thiếu tính pháp lý, không có cơ quan nào bảo vệ nên nhà đầu tư rót tiền vào tiền ảo sẽ theo kiểu "tự làm tự chịu". Trong quá khứ đã có hàng loạt sàn tiền ảo bị sập, phá sản hoặc nghi vấn các chủ sàn, chủ dự án ôm tiền bỏ trốn.
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia về thị trường tài chính nhận định: Sau cơn sụp đổ của sàn FTX và việc lao dốc của hàng loạt đồng tiền số, trong đó có cả những đồng tiền lớn như Bitcoin, Ethereum... trong những tháng cuối năm vừa qua khiến nhiều người mất tiền. Theo quan sát của ông, đến nay, lượng người Việt đầu tư hay quan tâm đến tiền ảo đã giảm mạnh so với một năm trước. Tất nhiên vẫn còn một số người vẫn tham gia trên các sàn này nhưng chủ yếu giao dịch dạng phái sinh thay vì mua nắm giữ trong ví như trước.
"Người đầu tư vào tiền số hay tiền ảo đều đối diện rủi ro dù ở bất kỳ đâu vì nhiều quốc gia không công nhận đó là tài sản hay đồng tiền thanh toán, đặc biệt ở Việt Nam càng khó để kiểm chứng được các đơn vị phát hành tiền ảo hay các sàn giao dịch có uy tín hay mang tính lừa đảo", ông Phan Dũng Khánh nhấn mạnh.
Bình luận (0)