Người Việt yêu Tây: Mấy sông cũng lội, 'mấy đèo thủ tục' phải qua

26/04/2016 13:12 GMT+7

Hai con người của hai đất nước để yêu nhau đã khó, đến được với nhau càng khó hơn và để cầm được tờ giấy Chứng nhận kết hôn lại phải qua một chặng đường gian truân nữa. Thủ tục này được thực hiện như thế nào?

Chuyện tình đẹp của chàng trai Đồng Hới yêu nàng Ailenanh Tuyên Quang cưới cô gái Mỹ cuối cùng cũng có quả ngọt. Giống như họ, bao cặp Việt Nam - người nước ngoài định gắn bó cuộc đời nhau cũng gian truân không kém. Với cả hai người, yêu thì dễ nhưng để cầm được tờ giấy Chứng nhận kết hôn là những ngọn đồi cao phải cố vượt qua. 
Hai con người của hai đất nước khác nhau để yêu nhau đã khó, đến được với nhau càng khó hơn và để cầm được tờ giấy Chứng nhận kết hôn lại phải qua một chặng đường gian truân nữa. Thủ tục này được thực hiện như thế nào?
Bỏ phỏng vấn, khỏi lên Sở
Theo bà Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, từ đầu năm nay, việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài được thực hiện theo Luật Hộ tịch mới (có hiệu lực từ 1.1.2016) và có hai thay đổi so với trước kia, giúp đơn giản và thuận tiện hơn cho người đi đăng ký kết hôn.
Theo đó, việc đăng ký kết hôn với người nước ngoài sẽ được thực hiện ở UBND quận, huyện (phòng Tư pháp) thay vì phải đến Sở Tư pháp của tỉnh, thành và cũng bỏ phỏng vấn khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
Theo Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016), quy định tại Điều 37: UBND cấp quận, huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì UBND cấp quận, huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.
Về thủ tục đăng ký kết hôn giữa người Việt Nam và nước ngoài, Điều 38 Luật Hộ tịch quy định: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Tùy mỗi tỉnh, thành sẽ có quy định bệnh viện (chuyên khoa tâm thần) người đăng ký kết hôn đến khám để có giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần.
Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.
Giấy tờ để chứng minh tình trạng độc thân của người nước ngoài có thể xin ở nước ngoài hoặc ở Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước đó tại Việt Nam. Giấy này phải được Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước đó tại Việt Nam ký, đóng dấu thị thực; được Sở Ngoại vụ Việt Nam chứng nhận chữ ký của người ký giấy, dịch ra Tiếng Việt và công chứng. Đây là thủ tục khiến nhiều cặp đôi mất thời gian, công sức nhất.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp quận, huyện giải quyết.
Luôn phải có hai người
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở UBND, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Chủ tịch UBND cấp quận, huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Như vậy, cặp đôi đăng ký kết hôn phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau để nộp hồ sơ (Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết cụ thể hồ sơ đăng ký kết hôn) gồm:
+ Tờ khai đăng ký kết hôn (theo mẫu lấy tại cơ quan thực hiện việc đăng ký kết hôn)
+ Bản sao CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của người Việt Nam; bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu của người nước ngoài (trường hợp người nước ngoài không có hộ chiếu để xuất trình theo yêu cầu thì có thể xuất trình giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú)
+ Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài: là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc không có chồng, trường hợp nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.
Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch chỉ có giá trị 6 tháng, kể từ ngày cấp.
+ Ngoài ra, nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn.
Nếu là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.
Nghị định cũng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn, Phòng Tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Nếu một hoặc hai bên nam, nữ không thể có mặt để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì theo đề nghị bằng văn bản của họ, Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao Giấy chứng nhận kết hôn nhưng không quá 60 ngày (kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn).
Hết 60 ngày mà hai bên nam, nữ không đến nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký.
Việc không cần phải lên Sở Tư pháp mà chỉ đến UBND quận, huyện để làm đăng ký kết hôn với người nước ngoài nhằm giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại, tránh đổ dồn về Sở Tư pháp.
Bên cạnh đó, bỏ phỏng vấn khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài cũng giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn (tính từ khi cơ quan có chức năng làm Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ đến khi trao Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn) xuống còn khoảng 15 ngày thay vì phải đến 25 ngày như trước kia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.