Người xa xứ: Mơ làm gì đến những miền xa?

Có lẽ quà quê, món quê chính là sức hút và sự gắn kết lâu bền nhất giữa con người và xứ sở. Nói đến hương vị ẩm thực quê nhà, cái chất Việt dung dị đậm đà và không kém phần hấp dẫn trong mỗi món ăn tưởng đơn giản hằng ngày, có lẽ không gì thấm bằng niềm thương nỗi nhớ của người xa xứ.

Có lẽ quà quê, món quê chính là sức hút và sự gắn kết lâu bền nhất giữa con người và xứ sở.
Vừa qua, từ Mỹ, có dịp trở lại quê nhà trong một chuyến đi ngắn vội, nhà văn Nguyễn Hữu Tài đã “kể chuyện” món quê với những cảm nhận thật thú vị.
1. Khoảng đầu tháng bảy vừa qua, tôi có việc về VN. Ngày đầu tiên trở lại Sài Gòn, tôi vừa check in chưa đầy năm phút, chị Thanh Thúy bên Hội quán các bà mẹ đã nhắn tin, Tài ơi, làm một talk show về Chồm hổm giữa chợ quê nhé. Rồi tới trưa, Lê Trinh, BTV của chương trình Vui sống mỗi ngày gọi tới, tỏ ý muốn có thêm một buổi nói chuyện phát sóng VTV3.
Hai talkshow diễn ra khá thành công, dẫu Chồm hổm giữa chợ quê (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2013) - cuốn sách về ẩm thực quê hương tôi ra đời gần bốn năm, đã có nhiều bài báo và buổi chuyện trò, nhưng vẫn hút một lượng độc giả quen thuộc lẫn khách vãng lai tham dự. Sài Gòn sáng thứ bảy nắng nóng, bên trên nhà văn và độc giả giao lưu, phía dưới cái chợ quê bé tí có mấy xâu nem chua, chả lụa Ninh Hòa bọc lá chùm ruột tạo men, gói lá chuối bên ngoài, cột bằng dây lát (thay vì dây nhợ hay thun), bỏ trong thúng mủng bằng tre, kèm theo mớ hột đát trắng ngà, dẻo bùi mang từ quê vô gợi thương gợi nhớ…
Trong buổi nói chuyện, có bạn đọc hỏi sao sách anh viết, đi tới thành phố nào anh cũng tìm đồ Việt vậy. Ăn hoài không chán sao? Tôi bảo chắc do em chưa nếm trải cuộc sống xa nhà. Thử một lần thôi, em sẽ hiểu rõ tâm trạng của anh ngay. Tôi kể cho em nghe về ba của người bạn, mỗi lần lái xe đi chơi đâu xa, ba thứ ông luôn thủ theo là nồi cơm điện, bịch gạo và chai nước mắm.
Ai ăn gì mặc kệ, với ông, chỉ nhiêu đó là đủ rồi. Có lần đi châu Âu, tới ngày thứ ba ở Athen, tôi mừng như bắt được vàng khi google được quán ăn Việt tên “Mai” bé xíu. Cô chủ quán người Sài Gòn, mới sang lại của ông chủ Tàu được hơn năm, vừa là chủ vừa đầu bếp. Trong cơn đói cồn cào, tôi đã xử hết hai đĩa bánh cuốn, một tô phở, hai đĩa cơm sườn và một ly chè sâm bổ lượng. Trời ơi. Lần đầu tiên trong đời tôi ăn khủng khiếp đến vậy.
Mơ làm gì đến những miền xa? 1
Mơ làm gì đến những miền xa? 2
Tác giả trong buổi giao lưu tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM
2. Tôi may mắn đặt chân tới đủ năm châu, bốn bể. Từ những đất nước giàu sang, tới các nước thế giới thứ ba nghèo khó. Tới đâu, ăn đồ Tây được hai bữa, là tôi phải cuống cuồng tìm quán Việt mà ghé vô liền. Mới hay, người Việt thiên di khắp nơi trên thế giới, từ Úc, New Zealand, tới Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, sang Ấn Độ, Mexico, Dubai, thậm chí ở đất nước Nam Phi xa thẳm, đều mang theo cái hồn quê xứ sở của mình, qua những món ăn quen, khu chợ mô phỏng Bến Thành, Đông Ba hay Đồng Xuân gắn liền với cả tuổi thơ êm đềm và thời thiếu niên mộng đẹp.
Ở Mỹ, người Việt tập trung ở những thành phố lớn, tạo thành khu VN như Little Saigon (California), Bellaire (Houston), Dorchester (Boston) hay Eden (Virginia) để bán buôn và gặp gỡ. Lái xe từ xa, nghe mùi nước mắm tanh tanh, vị phở thơm lừng, nước mắt đã ứa ra ràn rụa, tưởng chừng đâu sắp gặp lại máu thịt của mình. Giữa mùa đông xứ người lạnh lẽo, ăn tô phở bò nóng hổi với đĩa quế và giá thơm lừng, kèm cuốn chả giò chiên, hay đĩa bánh bèo béo ngậy, tưởng nghe vị quê hương vương trên đầu lưỡi.
Nhiều khi tôi để hình món quê như cháo lòng, bánh canh, chè đậu ván, sầu riêng tươi hay thậm chí tiết canh vịt lên Facebook, mọi người vào hỏi, ở Mỹ mà cũng có thứ này ư? Tôi cười to, sống xứ này chỉ sợ thiếu tiền, chứ đồ ăn thì có đủ. Cầm cọc tiền ra chợ là mua được thôi. Có điều, cái quan trọng nhất, tiền không mang lại được, đó là vị mùi quen thuộc của món quê không lẫn vào đâu được.
Hồn vía của món Việt bắt nguồn từ cọng rau, tí hành ngò được nuôi dưỡng bằng phù sa màu mỡ, hay con cá tươi sống vừa bắt từ biển lên, mang còn phập phồng hơi thở, hoặc miếng thịt heo mới mổ xong còn nóng hổi tươi xanh. Xứ này, đất cát lạ xa, rau củ cũng biến đổi nhiều. Cá mắm, heo bò đông lạnh làm giảm đi chất mặn mòi. Muối mỏ mặn chằn, đường củ cải không dẻo và ngọt như đường mía xứ mình. Càng đi xa, chất quê cũng phai lạt đi qua bàn tay người nấu để phù hợp với khẩu vị số đông.
Tiêu biểu như món nước tương để chấm chả cuốn Ninh Hòa, thay vì được nấu bằng nếp pha màu tôm, hột điều và nêm gia vị, người ta trộn gan heo, gan gà, có nơi thêm đậu phộng thịt bằm xa lạ. Nem chua chẳng được quết từ thịt tươi còn nóng hổi rồi cuộn lá chùm ruột tương tư, gói vô lá chuối tươi xanh. Nó được thay bằng mớ thịt đông lạnh xay nhuyễn, trộn thêm men chua, gói bằng bịch ni lông. Mất chất.
Mơ làm gì đến những miền xa? 3
Ảnh: Nguyễn Hữu Tài
3. Hơn mười bảy năm sống xa nhà, tôi về thăm quê mấy chục lần. Sáng ngủ dậy, bước xuống nhà, đã thấy có sẵn đĩa cơm thịt nướng, tô bún cá nóng hổi, hoặc đĩa bánh dây bánh hỏi hay bánh căn thơm lừng với chục bịch chè chị mua sẵn. Trưa, đi chơi về, trước sau gì cũng có tô canh chua cá dìa, chảo mắm ruột cá bò kho với da heo, hay cá hồng cá đỏ chiên giòn với mắm ớt tỏi. Chiều ra đường nhâm nhi đĩa ốc nhảy, ốc ngựa, hay cuốn chả, đĩa bánh xèo, tô bún cá mát lòng. Những món tôi ăn không biết bao nhiêu lần nhưng mỗi bận đối diện, cảm giác thèm thuồng, nôn nao cứ ùa về trong dạ.
Chị tôi nhớ nết ăn của thằng em đã đành, những bà hàng ngoài chợ, tuổi ngoài năm sáu chục, miệt mài bán từ thuở tóc xanh, vẫn nhớ như in từng thói quen của cậu em viễn xứ. Bánh canh chỉ ăn ớt xanh không ăn ớt đỏ, cơm thì thịt ba chỉ nhiều hơn nạc, cháo lòng thích ăn cuống họng giòn giòn, không thích phổi với gan… Chỉ cần ra chợ bảo bán cho cậu Tài. Họ cười tươi, về nữa rồi à. Và trước sau gì tôi sẽ có được đĩa thức ăn y chang năm cũ.
Chả trách, một năm tôi về thăm nhà đến mấy lần. Chỉ để ngồi chồm hổm vỉa hè hay thơ thẩn chái bếp sau nhà, ăn một món quen, nghe ký ức nhớ thương chảy tràn trong từng tế bào gan ruột.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.