Kiếm không phải là môn thể thao mà Quang lựa chọn ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp thể thao của mình. Ban đầu, Quang thử sức và được lựa chọn vào đội đua thuyền của Hà Nội, nhiều lần được thi đấu tại các giải trong nước. Đua thuyền là môn thể thao tốn nhiều sức, cậu bé trắng trẻo ngày nào bị cháy nắng với các vết lở loét ở chân, tay do trầm nước thường xuyên. Những tưởng phải chia tay thể thao nhưng cơ duyên lại đến khi Quang biết và đăng ký dự tuyển vận động viên (VĐV) đấu kiếm. Trong số gần 100 người dự tuyển, chỉ có 12 người được chọn, và Quang là một trong hai người được đánh giá là có tố chất.
Sở trường của Quang là kiếm chém. Quang luôn thể hiện vai trò thủ lĩnh của đội để đôn đốc, nhắc nhở đồng đội tập luyện. “Tuyển thủ đi thi đấu mang trên mình danh dự và kỳ vọng của những người yêu thể thao nước nhà, do đó, gánh nặng huy chương rất lớn. Môn kiếm những ngày đầu mới gây dựng muốn dành huy chương vàng cần nỗ lực rất lớn”, Quang nói. Vì vậy, có khi anh cùng đồng đội tập từ sáng sớm đến đêm muộn trong điều kiện thiếu sân tập, thiếu kiếm và đồ tập, chế độ dinh dưỡng rất eo hẹp. Có lúc kiếm gãy, các VĐV phải nối kiếm để tiếp tục tập luyện, bất chấp nguy hiểm rình rập… Nhờ những quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2003, Quang mang về vinh quang cho đất nước tại đấu trường SEA Games. Năm 2007, anh giành huy chương vàng (HCV) cá nhân tại giải vô địch Đông Nam Á.
tin liên quan
Những nữ xạ thủ xinh đẹp tài năng đội tuyển bắn súng Việt NamNhững cô gái đội tuyển bắn súng quốc gia không chỉ chinh phục người hâm mộ bằng tài năng chuyên môn mà còn bởi vẻ đẹp nữ tính, duyên dáng cùng nhiều tài lẻ.
Ước mơ HCV Thế vận hội
Năm 2007, kiếm thủ Quang giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện. “ Từ việc học hỏi, được chỉ dạy từng đường kiếm, tôi lại hướng dẫn, dìu dắt các vận động viên trẻ bước đến đài vinh quang. Nhìn các em trưởng thành từng ngày, tôi cảm thấy như mình cũng đang giành những tấm huy chương lớn hơn ”, HLV Quang chia sẻ.
Bằng kinh nghiệm của mình, HLV Quang nghiên cứu và truyền lại cho học trò những bài học để hạn chế chấn thương và những khiếm khuyết khi đấu đối kháng. Anh thường tăng độ khó của bài tập bằng cách cho từng VĐV cùng đấu với nhiều VĐV khác để thay đổi chiêu thức, dễ dàng “bắt bài” đối thủ trên sàn đấu. Có lẽ vì thế, ngay năm đầu tiên đảm nhiệm chức HLV trưởng đội tuyển, anh Quang đã dẫn dắt đội tuyển kiếm VN giành 3 HCV tại SEA Games 2007. Cũng từ đó, đội tuyển kiếm thường là “mỏ vàng” của thể thao VN nếu SEA Games có môn này. Tại SEA Games 2011, thầy trò HLV Quang giành 5 HCV, SEA Games năm 2015 giành 8 HCV trong tổng số 12 bộ huy chương. Năm 2016, VN tiếp tục đứng vị trí số 1 với 5 tấm HCV ở giải vô địch Đông Nam Á.
Dưới sự “nhào nặn” của HLV Quang, các thế hệ VĐV đã mang về nhiều vinh quang cho thể thao nước nhà. Lần lượt Như Hoa, Vũ Thành An và Lệ Dung giành vé đi Rio ở vòng loại Olympic khu vực châu Á. Đỗ Thị Anh là mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh đầy sắc màu của đội tuyển kiếm VN. Thành phần của môn kiếm tại Olympic 2016 đủ cả 3 bộ môn kiếm chém, kiếm ba cạnh và kiếm liễu.
Đằng sau những thành công của môn đấu kiếm là sự hy sinh của gia đình HLV và các VĐV. Có khi HLV Quang chỉ ăn cơm với vợ được một vài ngày rồi biền biệt 4 - 5 tháng. “4 năm nay, tôi chưa được dự sinh nhật các con. Bằng sự thấu hiểu và chia sẻ của vợ con, tôi đang cùng học trò nỗ lực thực hiện giấc mơ huy chương vàng Thế vận hội cho đấu kiếm VN”, anh Quang nói.
Bình luận (0)