Chấp nhận giá cao vẫn khó mua
Theo khảo sát của phóng viên, từ đầu tháng 2 đến nay, giá cát xây dựng ở Nghệ An tăng mạnh. Cát ở H.Thanh Chương (Nghệ An) lấy từ sông Lam lâu nay được giới xây dựng đánh giá là cát có chất lượng vào hạng nhất, nhì ở Nghệ An. Nếu như cuối năm 2022, cát xây loại 1 ở đây giá chỉ dao động 50.000 - 60.000 đồng/m3 thì nay đã tăng gần gấp đôi, nhưng cũng không có để mua.
Một chủ kinh doanh cát xây dựng ở xã Nghi Đức (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết, cuối năm 2022, cát rất dễ mua, cần bao nhiêu cũng có. Tuy nhiên, kể từ tháng 2 đến nay, khi cát còn tồn dư của các mỏ cát ở H.Thanh Chương và H.Nam Đàn (Nghệ An) sắp hết thì cát rất khan hiếm, nhất là cát có chất lượng tốt. Giá bán cát từ 170.000 đồng/m3 đổ tại chân công trình vào cuối năm 2022, nay đã tăng lên 230.000 đồng/m3.
"Nguyên nhân giá cát tăng không hẳn là do thời điểm thời tiết thuận lợi để xây dựng, nhiều người tranh thủ làm nhà. Cát hiếm, khó mua và giá tăng cao chủ yếu bởi các mỏ cát có trữ lượng khai thác lớn ở H.Thanh Chương đã bị đóng cửa", người này nói.
Anh Lê Văn Dũng (trú xã Hưng Lộc, TP.Vinh) cho biết, anh khởi công xây nhà từ cuối tháng 2 vừa qua. Sau khi đổ xong móng, anh phải chạy đến nhiều bãi tập kết cát để tìm mua nhưng tìm "toát mồ hôi" cũng không mua được cát ưng ý.
"Tôi đến nhiều bãi, có bãi thì cát trông khá đẹp nhưng sạn lẫn trong cát rất nhiều. Loại ít sạn thì trông cát không được sạch. Cát là vật liệu rất quan trọng, quyết định sự bền vững của ngôi nhà nên tôi chấp nhận giá tăng nhưng cát phải đảm bảo chất lượng, dù vậy cũng rất khó tìm được loại ưng ý", anh Dũng nói.
Giá cát tăng nhưng người kinh doanh lại không vui. "Giá cát và các loại vật liệu khác tăng khiến nhiều người tạm dừng ý định làm nhà. Giá cát ở mỏ cũng đã cao nên chúng tôi không dám tăng giá nhiều, lãi cũng chẳng bao nhiêu", một người kinh doanh cát xây dựng ở xã Hưng Đông (TP.Vinh) nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ người dân xây nhà, nhiều nhà thầu công trình ở Nghệ An cũng đang phải "gồng mình" khi giá nhiều loại vật liệu khác tăng, trong đó tăng mạnh nhất là giá cát. Ông Trần Văn Nam, một nhà thầu xây dựng ở Nghệ An, cho biết giá cát và thép tăng cao từ đầu năm nay đã khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn, phải bù đắp thêm kinh phí đáng kể.
"Giá thép tăng có thể dự đoán được, nhưng giá cát thì rất khó vì lâu nay giá khá ổn định, ít biến động. Với những công trình không thể thương lượng để điều chỉnh được giá với chủ đầu tư thì giá vật liệu tăng, nhà thầu đều phải gánh chịu", ông Nam nói.
"Bó tay" kiểm soát khai thác cát?
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm cát và giá tăng cao kể trên chủ yếu bởi nhiều mỏ cát ở H.Thanh Chương và H.Nam Đàn phải đóng cửa vì lệnh tạm đình chỉ khai thác. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành (H.Nam Đàn) 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác 5,5 tháng do khai thác cát vượt công suất cho phép.
Đây là một trong những hợp tác xã có nhiều xà lan khai thác cát nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 53 xà lan, được cấp phép khai thác cát trên sông Lam đoạn qua H.Nam Đàn. Hợp tác xã này đã khai thác vượt mức cho phép trong suốt 2 năm liền mà chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không hề phát hiện ra. Cuối năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành của Nghệ An kiểm tra và phát hiện trong năm 2020, hợp tác xã này khai thác vượt 80,8% công suất cho phép; năm 2021 vượt 171,6% công suất cho phép.
Tương tự, tại Công ty CP khai thác cát, sạn và vận tải Thanh Chương (H.Thanh Chương), cơ quan chức năng cũng phát hiện năm 2020, doanh nghiệp này đã khai thác cát vượt công suất cho phép 211,2%; năm 2021 vượt 208,6%. Công ty này cũng bị xử phạt 900 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 5,5 tháng.
Đây là hai "ông lớn" trong lĩnh vực khai thác cát ở Nghệ An với nhiều mỏ khai thác và hàng chục điểm tập kết cát dọc 2 bờ sông Lam qua 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn.
Ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, cho biết huyện có 8 khu vực mỏ được cấp phép khai thác cát, sạn. Chính quyền rất khó kiểm soát khối lượng các chủ mỏ khai thác. "Việc khai thác trái phép hay khai thác ngoài khu vực mỏ đã cấp phép thì dễ phát hiện, nhưng việc kiểm soát khối lượng thì rất khó", ông Thanh nói.
Tương tự, một lãnh đạo Phòng TN-MT H.Nam Đàn cũng thừa nhận phòng không quản lý được việc này. "Họ khai thác tại mỏ, chở đến huyện khác bán thì không thể giám sát được. Chúng tôi chỉ kiểm soát khai thác trong mỏ hay không, đừng ra khỏi mỏ là được", vị này nói và cho rằng, để kiểm soát được tình trạng này cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Đặc biệt, cảnh sát giao thông đường thủy cần chốt chặn để kiểm tra hóa đơn.
Tuy nhiên, thiếu tá Nguyễn Khánh Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nghệ An), cho rằng đơn vị chỉ quản lý phương tiện, không quản lý bến bãi và điểm mỏ nên rất khó kiểm soát.
"Trên mặt đất, dùng hình ảnh vệ tinh thì giám sát được, chứ dưới mặt nước thì chịu. Về nguyên tắc khi xuất bán, tại điểm bán phải có cân trọng tải, camera, số liệu ra vào hàng ngày phải lưu, nhưng hiện tại gần như chưa có nơi nào có", thiếu tá Dũng nói.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ra văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Theo đó, Nghệ An yêu cầu các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm việc thực hiện lắp đặt camera, trạm cân của các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh bến, bãi tập kết khoáng sản cát, sạn; nghiên cứu quy định về việc kết nối dữ liệu camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu của các đơn vị khai thác với cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài nguyên để giám sát sản lượng khai thác tại mỏ.
Bình luận (0)