Các cụ kể rằng, xưa kia đây là vùng đầm lầy ngập đầy cỏ dại. Các vị tiên hiền có nghề biển từ Bắc vào thấy vùng sông nước bình yên mới cho phát quang lau sậy lập xóm, lập làng, rồi dựng miếu, xây đình, hàng năm tổ chức lễ hội đua thuyền, tế thần, thờ cúng tổ tiên cho con cháu khắc ghi luôn nhớ về cội nguồn.
Trong tôi không có một xóm Câu xưa thật là xưa, nhưng vẫn còn một xóm Câu không xa lắm… Những ngày chuẩn bị vào vụ cá Nam, dân làng tất bật khác thường. Những chiếc thuyền nằm sấp ngủ suốt mùa “con nước bấc” nay được đánh thức, lên đà chuẩn bị cho những chuyến khơi xa. Trên bến, những cánh tay xe sợi đan lưới được nối với chiếc xa cứ quay tròn, quay tròn trong đôi mắt trẻ thơ. Đó đây râm ran tiếng nói cười của nhóm thợ cạo hàu, xảm thuyền cho ngày hạ thủy. Đêm đến, bọn trẻ thường tụ tập bên những đống lửa hun thuyền, nhuộm buồm, nhuộm lưới rồi hít lấy hít để mùi khói bổi thơm hương tràm, hương chổi. Vào vụ cá, buổi sáng có chút tĩnh lặng, nhưng chiều đến nhộn nhịp thuyền đi, thuyền về. Trong các con hẻm, thợ - bạn vai vác chèo, tay cắp rổ câu í ới gọi nhau xuống bến. Thợ là người có thuyền lưới, bạn là những người làm công nhưng không hề là chủ - tớ mà, coi nhau như bạn nghề. Người xóm Câu thông thạo biển khơi từ nghề xăm tủ, lưới rê đến nghề mành chốt, bóng khơi; biết hướng nước để dò chì, buông lưới, thả neo; biết nhìn sao, nhìn núi để ra bóng về bờ. Khi những cánh buồm nâu thấp thoáng cửa sông Nhật Lệ là lúc thuyền về. Các mạ (mẹ), các chị quang gánh, thúng mủng xuống bến đón cá cho kịp buổi chợ chiều. Tiếng là cá ngon như chim, thu, nụ, đé nhưng không bằng con dở, con ngứa, con chòe của biển quê tôi. Thuyền cập bến, bọn trẻ lanh chanh nhảy lên thuyền phụ giúp cha anh thu chèo, rủ lưới cho chuyến biển hôm sau. Chiều xuống cả xóm sực nức mùi cá kho, cá nướng. Cơm ít, cá nhiều, lũ trẻ chúng tôi nhờ tôm cá mà lớn lên thành người.
Xóm Câu trong tôi đâu chỉ có những ngày nồm nam mát rượi mà còn có cả những ngày mưa dầm gió bấc. Cả nhà quây quần vá lưới rôm rả chuyện xóm, chuyện làng. Bữa cơm ngày biển động không có cá nhưng có mắm. Mắm cá thu, cá hồng, cá lẹp thơm cứ nhức mũi, đến nỗi bây giờ tôi vẫn nhớ câu ca xưa: “Mắm lẹp mà kẹp rau mưng. Ông ăn một miếng mụ (bà) trừng mắt lên”. Và khơi xa đâu phải lúc nào cũng sóng yên, biển lặng. Ngày xưa không có dự báo thời tiết, trông trời trông nước mà ra khơi vào lộng. Không may gặp những cơn bão ập đến bất chợt cả xóm xuống bến, đứng ngồi không yên, thấp thỏm trông đợi một cánh buồm. Phải vật lộn với sóng gió có người may mắn “ôm phao mà về”, nhiều người thân gửi biển khơi hóa thành những cánh chim dập dờn trên ngọn sóng, người nhà chỉ biết làm cốt dâu đắp thành những ngôi mộ gió.
Chiến tranh phá hoại, bom đạn trút xuống, xóm Câu trở thành bình địa. Xóm làng ra bãi ngang phía bên kia Bảo Ninh đào hầm bám biển. Lớp trẻ chúng tôi ra trận, ngày về đứa mất, đứa còn. Các mạ, các chị xung phong vào đội thuyền vận chuyển vượt tọa độ lửa Long Đại đưa lương thực, vũ khí vào Nam. Những thợ, bạn quen ngụp lặn được sung vào đội rà phá bom từ trường, thủy lôi thông xe, thông tuyến trên sông Nhật Lệ. Nhiều người ngã xuống trên bến sông quê, có người được phong anh hùng. Xóm nghèo không địa linh nhân kiệt, người xóm Câu bình dị, lặng lẽ viết nên trang sử làng.
Hết chiến tranh, vẫn thủy chung với biển cả, người xóm Câu về định cư ở phường Hải Thành gần cửa Nhật Lệ thuộc thành phố Đồng Hới. Giờ đây trên bến không còn bóng dáng của những chiếc thuyền buồm lồng lái xỏ. Thay vào đó là những chiếc tàu hàng trăm mã lực vươn khơi xa. Không còn các bác thợ có tài nhìn sao, đón gió, mà nay là các chàng trai thông thạo tọa độ, dò tìm luồng cá bằng định vị siêu âm. Hồng phúc còn con cháu nối nghiệp ông cha đi biển nhưng cũng mừng cho lớp trẻ không chịu quẩn quanh trong các con hẻm lên nhà, xuống bến như xưa, học hành thành đạt, lập nghiệp khắp bốn phương kể cả tận trời Âu.
Đã gần suốt một đời, đi đây đi đó cũng nhiều sao tôi không thay đổi được cách ăn sóng nói gió, quê một cục của người dân quê tôi. Mỗi lần chuyện trò nghe giọng nói nặng chịch, ngọng nghịu, bạn bè thường trêu “Đồ dân xóm Câu”. Ừ thì tôi là dân xóm Câu, có sao đâu...
|
Bình luận (0)