Dâng sớ xin chém nịnh thần
Chu Văn An (1292 - 1370) quê ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, H.Thanh Đàm (nay thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, H.Thanh Trì, Hà Nội) là bậc hiền nho, một tấm gương tiết tháo, suốt đời không màng danh lợi. Nhận thấy tài năng và đức độ của Chu Văn An, vua Trần Minh Tông đã mời ông làm Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám dạy học cho thái tử.
Đến đời Trần Dụ Tông, thế sự thay đổi, vua quan ăn chơi sa đọa, gian thần thì nhũng lạm, đục khoét dân nghèo ngày càng nhiều. Cảm xót trước vận mệnh nước nhà, Chu Văn An nhiều lần can ngăn nhưng vua không nghe và ông đã dâng sớ xin chém 7 nịnh thần - những kẻ xu nịnh, o bế vua, dựa vào quyền thế vua để lộng hành thu lợi riêng và làm hại cho dân cho nước. Song việc bất thành nên ông cáo quan về dạy học, viết sách cho đến lúc mất.
Đây là tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng, tiến sĩ Lê Tung dưới triều vua Lê Thánh Tông và Lê Tương Dực, tác giả của Đại Việt thông giám tổng luận viết: “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”. Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ 20) có thơ:
Thất trảm vô vi tồn quốc luận
Cô vân tuy viễn tự thân tâm
(tạm hiểu: Sớ thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận. Đám mây tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng).
“Tham nhũng tràn lan là nguy cơ mất nước”
Xuất thân dòng dõi khoa bảng, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) có kiến thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực như: Lịch sử, địa lý, thiên văn, lý số, khoa học, kinh sách và thơ văn... trong đó sách Vân đài loại ngữ của ông được coi là bộ bách khoa toàn thư hoàn hảo nhất thời Lê Trung hưng.
Giữa bối cảnh vua Lê - chúa Trịnh thống trị ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn cát cứ ở Đàng Trong khiến Lê Quý Đôn ý thức được hiểm họa thường lặp lại của lịch sử là mỗi lần đất nước rối ren suy yếu thì kẻ thù lại dòm ngó. Vì thế, ông đã khuyến cáo triều đình 5 nguy cơ mất nước gồm: Một là sĩ phu thức giả ngoảnh mặt đi trước thời cuộc; Hai là xã tắc tham nhũng tràn lan; Ba là binh kiêu ngạo, tướng thoái hóa; Bốn là học trò không kính trọng thầy giáo; Năm là trẻ con khinh thường người già. Lê Quý Đôn vốn tinh thông về lý học, biết trời đất hết vơi rồi lại đầy, hết đầy rồi lại vơi, nhưng theo ông thì phải “tận nhân lực mới tri thiên mạng”.
Viết sách chống tham nhũng
Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) nổi tiếng thông minh, đĩnh ngộ từ nhỏ. Khoa thi Hội năm 1844, ông lọt qua các vòng thi Kỳ coi như đã chắc chắn đỗ tiến sĩ nhưng khi vào thi Đình lần cuối chẳng may bài thi phạm húy nên bị cách tuột và cấm thi suốt đời.
Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua, ông được thi lại và lại đỗ tiến sĩ. Ra làm quan, Đặng Huy Trứ lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường (Nam Định). Một thời gian sau, ông được triệu về kinh làm Hàn lâm viện trước tác rồi Ngự sử. Ông là người đầu tiên mang nghề nhiếp ảnh vào VN khi mở hiệu ảnh ở phố Thanh Hà (Hà Nội) năm 1868.
Là mệnh quan của triều đình nhưng ông cũng là nhà thơ và là tác giả bộ sách Từ thụ yếu quy gần 2.000 trang có nội dung chống hối lộ, tham nhũng. Từ thụ yếu quy nghĩa là nguyên tắc chủ yếu của việc từ chối và có thể nhận những thứ biếu xén mà kẻ làm quan cần tỉnh táo phân biệt để giữ mình. Mở đầu cuốn sách, ông viết: “Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là Thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may”.
Từng lăn lộn trong chốn quan trường gần 20 năm, nên khi viết Từ thụ yếu quy, Đặng Huy Trứ có cái nhìn thật sự thông cảm trước những sự thể khó xử của kẻ làm quan: “Trước chưa làm quan nay ra làm quan, trước địa vị thấp nay địa vị cao, khi giỗ chạp, vai lợn không kín mâm cỗ đâu có thể được? Khi đã có nhân dân, có xã tắc, muốn đi xe nát, cỡi ngựa còm đâu có thể được?...”. Và ông khẳng định không thể lấy của nước, càng không thể dùng bạo lực và mánh khóe để lấy của cấp dưới và của dân. Ông cho rằng với của mang đến thì thư tâm mà ứng xử. Có thể nhận thì nhận, không thể nhận thì dứt khoát từ chối. Nhận hay không nhận thì trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi. Nhận theo điều nghĩa, lấy điều tiết kiệm mà giữ mình, giữ mình ở khoảng không đục không trong, tiêu dùng thì không hoang cũng không bủn xỉn. Nếu bảo phải thanh liêm hoàn toàn thì cái khí tiết gian khổ ấy khó lâu bền được... Ông rút ra 104 kiểu hối lộ quan chức mà từ Hán gọi là “tang”. Ông quan niệm, bổn phận của người làm quan trước hết là phải vì dân: “Dân không chăm sóc chớ làm quan” và “Vì dân, bệ ngọc giải oan khiên...”. Không những thế, ông còn cho rằng:
Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả...
Bình luận (0)