>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 3: Chải chuốt từng cọng tóc
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 2: Bí quyết dưỡng da chốn hoàng cung
>> Người xưa làm đẹp - Kỳ 1: Tìm người cà răng căng tai
|
Người răng đen còn sót lại
Cụ bà tên Nguyễn Thị Gái, 76 tuổi, ở đội 7 thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, một vùng quê thuần nông của Thừa Thiên-Huế. Tuy tuổi đã cao, nhưng hàm răng đen bóng của cụ vẫn còn đều đặn và rất chắc. Trong một cuộc tiệc gia đình, bà Gái vẫn thản nhiên cầm chiếc càng cua cắn vỡ ăn ngon lành. Bà cụ vui vẻ bảo: “Tui thuộc lớp người Việt cuối cùng còn nhuộm răng. Những cụ bà nhỏ hơn tôi ít tuổi đều không còn nhuộm răng nữa”.
Thật vậy, bây giờ ở các vùng quê những cụ bà răng đen như bà Gái cũng dần dần hiếm đi theo thời gian. Bà Gái cho biết, bà nhuộm răng lúc 16 tuổi. Ngày ấy, con gái không nhuộm răng đều bị các cụ quở mắng là học đòi theo Tây. Vì tinh thần dân tộc mà hầu hết thiếu nữ đến tuổi cập kê đều phải nhuộm răng đen tuyền. Chỉ những người con gái theo học ở các trường Tây mới không chịu nhuộm răng. Còn lại, con gái lớn lên ai cũng phải nhuộm.
|
Công đoạn nhuộm răng không hề đơn giản. Bà Gái kể, muốn có hàm răng đen bóng, trước đó người con gái phải ngậm nước nấu từ lá cây sôn (một loại lá chua người Huế thường dùng nấu canh - PV) nhiều đêm liền cho hàm răng tẩy sạch hết các vết bám. Sau khi thứ nước chua này ngấm vào răng, người con gái bôi lên răng một loại phẩm nhuộm được làm từ nhiều loại lá, thân cành cây trên núi. Loại thuốc này sau khi nhuộm vào, răng sẽ ngấm thuốc đen tuyền cho đến trọn đời không bao giờ phai nhạt.
Ngoài nhuộm răng là nét văn hóa của người xưa, bà Gái cho biết răng nhuộm sẽ không bao giờ bị sâu: “Ngày xưa, con gái không có nhiều cách làm đẹp như bây giờ, để tránh các bệnh về răng miệng thì họ phải nhuộm”.
Một nét văn hóa bị tàn phai
Tục nhuộm răng đen không chỉ có đối với phụ nữ người Kinh xưa mà các dân tộc miền núi như: Pa Cô, Vân Kiều, Tà Ôi, Pahy... trên dãy Trường Sơn của miền Trung cũng áp dụng.
Trong một lần đi công tác ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên-Huế), tôi gặp cụ bà Cả Ngoan (85 tuổi, ở làng Pe Dụt, xã Hồng Trung) cũng là người còn giữ được hàm răng đen tuyền. Điểm khác biệt của tục nhuộm răng giữa người phụ nữ miền núi với miền xuôi là ngoài nhuộm răng đen, người miền núi còn phải mài cho hàm răng bằng phẳng. Cụ Ngoan là người hiếm hoi còn nhớ rõ về tục mài, nhuộm răng. Cụ kể: “Từ khi sinh ra lớn lên chừng 14 - 15 tuổi, con gái con trai Pa Cô đã được mẹ dạy cho cách cà răng rồi. Để răng đen bóng, không bị sâu, con trai, con gái Pa Cô còn lấy củ turda giã nhuyễn kết hợp với nhựa đen trong tẩu thuốc bôi lên răng. Bôi ngày này qua ngày khác đến khi hợp chất này khô thì sẽ có hàm răng đẹp, suốt đời không phai”.
Những ai đã từng yêu mến thơ Hoàng Cầm, chắc không thể không nhớ những câu thơ ngợi ca vẻ đẹp đậm sắc thái văn hóa Việt của vùng quê Kinh Bắc, trong bài thơ Bên kia sông Đuống:
“Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”
Không chỉ vùng quê Kinh Bắc mà hầu hết phụ nữ Việt ngày xưa đều giữ tục nhuộm răng đen. Ngày nay, những hàm răng hạt huyền lóng lánh đã dần dần đi vào quên lãng. Thiếu nữ Việt bây giờ không còn giữ tục nhuộm răng. u đó cũng là quy luật của sự phát triển trong thế giới hội nhập.
Hương bồ kết Bồ kết là loại dầu gội tự nhiên phổ biến nhất của thiếu nữ Việt xưa. Chỉ sau khi đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, các hãng dầu gội nước ngoài mới tràn vào VN với hàng nghìn sản phẩm gội đầu đã làm cho thói quen gội bằng bồ kết thưa dần. Sau nhiều ngày dò hỏi, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra tiệm gội bồ kết duy nhất còn lại ở Huế. Tiệm gội đầu của mệ Sô, lô số 1 dãy hàng quán làm tóc dọc bờ sông Hương của chợ Đông Ba. Tiệm gội của mệ Sô tồn tại đã hơn 40 năm nay. Chị Na, con gái mệ Sô, cho biết tiệm gội đầu của mẹ chị đã trải qua 4 đời, từ bà ngoại đến mẹ chị (tức mệ Sô, hơn 80 tuổi, đã nghỉ ở nhà) đến chị, và hiện tại con trai của chị đang nối nghiệp mẹ để giữ nghề. Mặc dù nơi đây có hơn 10 tiệm gội đầu nhưng hầu như không ai còn giữ truyền thống gội đầu bằng bồ kết. Chị Na cho biết chị cố gắng giữ nghề truyền thống vì hiện có rất nhiều khách hàng quen thuộc của Huế vẫn tìm đến chị. Khi chúng tôi có mặt ở tiệm, chị Na đang gội đầu cho mệ Hương, Việt kiều từ Mỹ về. Xa Huế gần 30 năm, nhưng năm nào về Huế mệ Hương cũng phải đến tiệm Sô để gội đầu bồ kết. “Cái mùi bồ kết và chanh làm cho tôi nhớ lại thuở còn con gái. Nhớ mạ tôi và những kỷ niệm thuở thiếu thời” - mệ Hương nói. |
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)