Nguồn cơn thảm họa nhân đạo ở Haiti

26/10/2022 15:00 GMT+7

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đẩy hơn 4 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực.

Một người đàn ông tìm thức ăn trong đống rác ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti ngày 16.10

reuters

Theo Reuters, Haiti đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và nước đang gây ra nạn đói thảm khốc ở nước này và khiến chính phủ đang phải kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ nước ngoài.

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng hiện tại bắt nguồn từ việc các băng nhóm có vũ trang ở Haiti phong tỏa một kho chứa nhiên liệu quan trọng từ tháng 9. Động thái này đã dẫn đến tình trạng thiếu xăng và dầu diesel, khiến phần lớn hoạt động vận tải phải tạm dừng. Điều này làm thiếu hụt hàng hóa cơ bản, bao gồm cả nước sạch.

Hành động chặn kho nhiên liệu do một liên minh các băng nhóm có tên G9, băng nhóm đang kiểm soát các khu vực trong và xung quanh thủ đô Port-au-Prince của Haiti, thực hiện. Thủ lĩnh của G9, Jimmy "Bar Grill" Cherizier, là một cựu sĩ quan cảnh sát. Ông Cherizier nằm trong danh sách cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ vì có liên quan đến một vụ thảm sát năm 2018.

Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở Haiti, chuyện gì đã xảy ra?

Ông Cherizier và các thủ lĩnh băng nhóm khác “tung hoàng” ở các khu vực bao gồm Cite Soleil. Đây là một thị trấn ven biển nghèo đã phải trải qua các đợt bạo lực băng nhóm tàn bạo trong năm nay và là nơi ghi nhận các ca dịch tả đầu tiên trong đợt bùng phát vào tháng 10.

Các băng nhóm muốn gì?

Ngày 12.9, băng G9 đã đào hào bên ngoài lối vào chính của trạm nhiên liệu Varreux để phản đối việc Thủ tướng Ariel Henry thông báo rằng chính phủ sẽ cắt trợ cấp nhiên liệu. Ông Cherizier nói rằng việc tăng giá nhiên liệu sẽ gây hại cho người dân Haiti. Vào tháng 10, ông Cherizier đã xuất hiện trong một video quay ở lối vào trạm nhiên liệu yêu cầu Thủ tướng Henry từ chức.

Vì sao các băng nhóm Haiti lộng hành?

Các băng nhóm Haiti đã mở rộng quyền kiểm soát kể từ khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát vào năm 2021.

Người dân phải rời nhà do bạo lực băng nhóm ở Cite Soleil tị nạn tại quảng trường Hugo Chavez ở thủ đô Port-au-Prince ngày 16.10

reuters

Vụ ám sát, có sự tham gia của lính đánh thuê Colombia, đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Từ đó, ông Henry trở thành quyền thủ tướng của Haiti dù hiến pháp nước này quy định Haiti phải có tổng thống.

Đất nước này đã rơi vào khủng hoảng chính trị ngay cả trước khi vụ ám sát xảy ra do không thể tổ chức bầu cử vào năm 2019. Quốc hội Haiti cũng không còn hoạt động vì các nghị sĩ đã hết nhiệm kỳ. Trong hoàn cảnh này, rất ít người tin rằng Haiti có thể tiếp tục tổ chức bầu cử.

Tác động của việc phong tỏa trạm nhiên liệu

Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến hầu hết hoạt động kinh tế ở Haiti bị đình trệ.

Các bệnh viện ở nước này đã đóng cửa hoặc ngừng hoạt động vì thiếu dầu diesel để chạy máy phát điện. Máy phát điện rất cần thiết để duy trì nguồn điện ổn định ở Haiti vì lưới điện của nước này không đáng tin cậy.

Theo Liên Hiệp Quốc, Haiti đang trải qua ​​nạn đói thảm khốc. Hơn 4 triệu người Haiti đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Bất ổn dân sự cũng đang gia tăng và các cuộc biểu tình chống chính phủ đôi khi chuyển thành những cuộc cướp bóc. Người dân Haiti cho biết ngày càng nhiều cuộc đấu súng giữa các băng nhóm đối địch hoặc với cảnh sát xảy ra trong các khu dân cư.

Lốp xe dùng để chặn đường bốc cháy ở Port-au-Prince ngày 13.10

reuters

Liên Hiệp Quốc cũng cho biết các băng nhóm đang thực hiện hành vi bạo lực tình dục đối với cả trẻ em và người già để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân địa phương.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đề xuất lập "lực lượng phản ứng nhanh" để đối đầu với các băng nhóm và mở lại trạm nhiên liệu. Mỹ và Mexico cũng đề xuất tổ chức một nhiệm vụ an ninh do một "quốc gia đối tác" giấu tên dẫn đầu.

Những phát biểu trên được đưa ra sau khi Haiti yêu cầu hỗ trợ quân sự từ cộng đồng quốc tế.

Canada và Mỹ đã hứa cung cấp hỗ trợ an ninh cho Haiti, nhưng không đề nghị đưa binh sĩ sang nước này. Trong khi đó, Bahamas cho biết họ sẽ cử binh sĩ sang Haiti nếu được yêu cầu.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đóng quân ở Haiti từ năm 2004 đến năm 2017 đã phải đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội do vai trò của lực lượng này trong việc gây ra đợt bùng phát dịch tả chết người ở Haiti.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.