Nguồn cung xăng dầu cuối năm sẽ 'rất căng thẳng'

13/10/2022 06:21 GMT+7

Diễn biến nóng bỏng của thị trường xăng dầu ở các tỉnh miền Nam khiến không khí cuộc họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Công thương diễn ra chiều 12.10 “nóng” ngay từ những phút đầu tiên.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ Công thương chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN) đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu VN bàn giải pháp ổn định thị trường xăng dầu trong những tháng cao điểm cuối năm.

Cây xăng Petrolimex ở ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Ngô Quyền (Q.5, TP.HCM) sáng sớm 11.10

Tấn Đạt

TP.HCM vẫn còn cây xăng đóng cửa, nhân viên ngồi chơi

Doanh nghiệp đầu mối giảm nhập khẩu

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông, nguyên nhân chính khiến một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu ở các tỉnh miền Nam như TP.HCM, An Giang, Bình Phước… xin đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định; giá biến động với biên độ lớn, có thời điểm giá tăng gấp 2 - 3 lần so với các năm trước đây.

Bên cạnh đó, một số DN bị siết tín dụng, tỷ giá USD/VND tăng nên không đủ nguồn tài chính nhập hàng với khối lượng lớn như trước đây mà chỉ nhập đủ hàng cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Ở các tỉnh miền Nam, một số DN đầu mối bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 - 1,5 tháng do vi phạm hành chính cũng dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ.

Theo ông Đông, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về VN từ cuối năm 2021 đến nay tăng rất cao. Trong khi khoản chi phí này lại chưa được tính đủ vào giá cơ sở trong mặt hàng xăng dầu do nhà nước điều tiết. Điều này khiến DN thua lỗ trong một thời gian dài, buộc phải thu hẹp phạm vi kinh doanh, sản xuất. Ngoài ra, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới rất khó khăn khi bị các nước châu Âu mua thu gom số lượng lớn, DN khó tiếp cận nguồn hàng này.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay trong quý 2/2022, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, công suất giảm xuống 50 - 55%, thậm chí có thời gian gián đoạn và không còn sản xuất, Bộ Công thương yêu cầu 10 DN đầu mối phải tăng nhập khẩu bù cho nguồn thiếu hụt trong nước. Ở thời điểm đó, DN mua xăng dầu với giá rất cao, nhưng sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến họ buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lý trong nước.

Nhiều cây xăng ở Đồng Nai vẫn đóng cửa, treo bảng hết hàng

TP.HCM chỉ đảm bảo đến hết tháng 10

Đến hôm qua, 1 ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP đã bớt căng thẳng dù vẫn còn nhiều nơi đóng cửa chưa bán.

Chiều 12.10, thông tin tại buổi họp báo của Sở Công thương TP.HCM, ông Đào Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 2 (Petrolimex Saigon), cho biết hoạt động của hệ thống cửa hàng xăng dầu công ty đến 12 giờ trưa qua đã “tương đối bình thường trở lại”. Hiện trong kho của công ty nguồn hàng trữ cho 10 ngày tới còn hơn 300.000 m3, từ nay đến cuối tuần sẽ có thêm 4 tàu xăng dầu nhập về tổng cộng là 100.000 m3. Như vậy, bảo đảm được nguồn cung đủ cho hết tháng 10 và cam kết đủ nguồn.

Ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 12.10, nhiều cây xăng thuộc hệ thống Comeco, Saigon Petro trên các tuyến đường Ba Tháng Hai, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Cộng Hòa, Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám… đã trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cửa hàng xăng treo biển hết hàng, chưa mở cửa trở lại.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết số cửa hàng nhập xăng dầu về tăng dần từ 7,4% ngày 1.10, lên 39,4% ngày 11.10 và hôm qua tăng 67,8%. Tính trong tổng số 137 cửa hàng tạm ngưng hoạt động vì hết hàng như thống kê trước đó thì đến chiều 12.10, tại TP.HCM còn khoảng 50 điểm chưa mở bán trở lại.

Người dân TP.HCM tạm thoát "nỗi ám ảnh đổ xăng" khi nhiều nơi mở bán trở lại

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng đến ngày 12.10 tình trạng người dân đổ xô đi mua xăng dầu đã không còn nữa. Các DN cũng đã tăng nguồn cung nên thị trường tạm thời ổn định. Sở đang thúc đẩy các DN đầu mối lớn như Petrolimex, Saigon Petro, Mipec, PVOil… tăng lượng hàng để cung ứng cho các thương nhân phân phối trong hệ thống và cả các đơn vị nhượng quyền. “Chúng tôi đã xoay xở cho xe bồn chạy để cung ứng và quanh vòng xe nhanh đã giúp giải tỏa lớn nhưng không thể đáp ứng hết nhu cầu, rất mong người dân TP chia sẻ…”, ông Vũ nói.

Đối với địa bàn các tỉnh miền Nam đang thiếu xăng cục bộ, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho biết Bộ Công thương đề nghị các nhà máy lọc dầu hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho DN đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký. Đối với các đầu mối không có hợp đồng dài hạn nhưng bán hàng ở khu vực đang thiếu cục bộ, các nhà máy sử dụng nguồn hàng dự trữ để cung ứng, kịp thời bổ sung nguồn cho các cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, Bộ Công thương đề nghị UBND các địa phương tạo điều kiện cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được lưu thông trong TP vào giờ cao điểm để kịp thời cấp hàng đến cửa hàng bán lẻ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Bản chất của thị trường nằm ở nguồn cung. Dù nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đảm bảo được 70 - 80%, nhưng 20 - 30% phải nhập khẩu và dự báo nguồn cung từ nước ngoài từ nay đến cuối năm vẫn “rất căng thẳng”.

Giải pháp quan trọng lúc này là phải tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách tăng chi phí vận chuyển khi thời gian qua chi phí này lại biến động rất mạnh. Bộ Công thương sẽ kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên nhằm chia sẻ khó khăn với DN.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Trách nhiệm của các bộ

Vấn đề của thị trường xăng dầu “nóng” trong mấy ngày qua là “giọt nước tràn ly” sau thời gian dài các chi phí tính vào giá cơ sở không được điều chỉnh đúng thực tế.

Có thể DN đầu mối có hàng, nhưng vì càng bán ra càng lỗ, hoa hồng cho đại lý bán lẻ cắt về 0 đồng vẫn còn lỗ hoặc không có lãi nên hạn chế đưa ra. Bây giờ, chi phí được tính toán đã tương đối đủ, nên DN sẵn sàng đưa hàng ra thị trường thôi. Việc chậm điều chỉnh chi phí kinh doanh cho DN là trách nhiệm của Bộ Tài chính, quá chậm rồi. Việc để cho DN đầu mối, phân phối có hàng nhưng không nhập về cửa hàng để bán lẻ cho người tiêu dùng là trách nhiệm của Bộ Công thương trong quản lý nguồn dự trữ.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.