Nguồn điện mới 'ngóng' cơ chế

06/03/2024 06:33 GMT+7

Sau gần 1 năm được ban hành, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 đến nay vẫn chưa có, kéo theo hàng loạt dự án nguồn, đường tải điện... tiếp tục bị chậm trễ vô thời hạn. Đáng nói, tình trạng này diễn ra trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện rất cao...

Hết hạn, vẫn chưa thấy công bố

Ngày 29.2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có Công văn 74, thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 - QHĐ8).

Nguồn điện mới 'ngóng' cơ chế- Ảnh 1.

Việc chậm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 khiến các dự án nguồn, lưới điện... chậm triển khai

NHẬT THỊNH

Trong đó, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh QHĐ8 đã được ban hành từ ngày 15.5.2023, song đến nay vẫn chưa ban hành được kế hoạch thực hiện là quá chậm. Điều này ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu của quy hoạch. Công văn của Văn phòng Chính phủ nêu: "Việc hoàn thiện Kế hoạch thực hiện QHĐ8 là yêu cầu quan trọng, cấp bách, không được để chậm trễ thêm, làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án và làm ảnh hưởng đến việc cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân".

Từ đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện QHĐ8, trình Thường trực Chính phủ trước ngày 2.3.2024. Trong đó, cần lưu ý thực hiện kế hoạch phải bảo đảm cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hằng năm; Bộ Công thương chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch để trình trong kế hoạch lần này… Đặc biệt, Thường trực Chính phủ lưu ý phải làm rõ căn cứ pháp lý về danh mục các dự án dự phòng trong kế hoạch thực hiện, tuyệt đối tránh việc thực hiện tùy tiện và cơ chế xin - cho.

Như vậy, sau gần 1 năm ban hành QHĐ8, nhiều lần nhắc nhở, trả về dự thảo tờ trình…đến nay kế hoạch thực hiện QHĐ8 vẫn còn trên giấy. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, kế hoạch thực hiện QHĐ8 mới nhất theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ đưa thời hạn trước ngày 2.3 vẫn chưa được công bố.

Trả lời Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh liên quan ngành điện đều tỏ ra sốt ruột với việc chậm có kế hoạch thực hiện QHĐ8. Nhiều người bức xúc, doanh nghiệp nguy cơ bị phá sản theo cơ chế chính sách mới chậm ban hành. Nhà đầu tư mới "ngóng" chờ cơ chế, nhà đầu tư cũ cũng "ngóng" cơ chế bởi không biết mở rộng, tiếp tục thế nào khi các chính sách về phát triển nguồn, lưới điện… vẫn còn mông lung. Trong khi đó, nguy cơ thiếu điện là hiện hữu.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Vinasol, nói thẳng chậm ban hành Kế hoạch thực hiện QHĐ8 gây ra nhiều khó khăn cho cho nhiều doanh nghiệp, tổng thầu, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

"Một thực tế mà trong ngành điện ai cũng thấy rõ là có rất nhiều nhà đầu tư lớn, nhỏ, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp… đang muốn đầu tư điện, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch. Lý do, thương mại thế giới đòi hỏi ngày càng lớn về các chứng chỉ xanh, tín chỉ cacbon đối với hàng hóa. Muốn bán được hàng sang các thị trường phát triển, nhà sản xuất kinh doanh phải có sản phẩm đạt chứng chỉ xanh, tín chỉ carbon…

Tuy nhiên, việc thực hiện xin thủ tục cấp phép đầu tư, lắp đặt về mảng năng lượng sạch đến nay gần như "đóng cửa" hoàn toàn. Chính sách chưa được ban hành, hướng dẫn cũng không có. Ngành điện bảo chờ, ngành công thương cũng bảo chờ, nhưng nhà đầu tư thì đang nóng lòng muốn triển khai vì mục đích chính là đảm bảo phát triển mảng kinh doanh của chính họ. Đây cũng là trở ngại rất lớn, tạo độ trì trệ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Nỗ lực phát triển nguồn nói chung và năng lượng sạch nói riêng đang bị chững lại một thời gian dài vì chờ cơ chế. Chờ QHĐ8 được ban hành, xong chờ tiếp kế hoạch thực hiện… Doanh nghiệp ảnh hưởng thấy rõ, hệ lụy của việc chậm ban hành là ảnh hưởng đến việc cam kết của Thủ tướng Chính phủ về một VN đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Chậm trễ gây nhiều hệ lụy...

Trước đó, tại Tờ trình số 644 ngày 26.1.2024 về Kế hoạch thực hiện QHĐ8, Bộ Công thương khẳng định kế hoạch thực hiện QHĐ8 đã xác định chi tiết kế hoạch phát triển đối với các dự án nguồn điện phù hợp cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với tổng công suất nhiệt điện khí LNG là 22.400 MW, nhiệt điện than là 30.127 MW và thủy điện là 29.346 MW; điện gió trên bờ là 21.880 MW, điện gió ngoài khơi 6.000 MW…

Tuy nhiên, sau khi QHĐ8 được ban hành và góp ý cho cơ quan soạn thảo kế hoạch triển khai, nhiều địa phương đề xuất tăng dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo; có địa phương mong muốn được bổ sung, đầu tư hạ tầng truyền tải nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải công nghiệp để thu hút đầu tư; không ít nơi yêu cầu sớm có hướng dẫn quy trình, thủ tục để triển khai và tạo điều kiện mở rộng đầu tư đáp ứng nhu cầu.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích: Quy hoạch phát triển điện lực cho giai đoạn từ năm 2021, nhưng đến giữa năm 2023 mới được ban hành. Rồi từ đó đến nay kế hoạch triển khai vẫn chưa có thì đã chậm đến 3 năm. Việc chậm trễ ban hành kế hoạch triển khai quy hoạch này tạo ra nhiều hệ lụy, mà lớn nhất là thiếu điện.

Cụ thể, với nguồn điện mới là điện gió ngoài khơi. Theo tổng sơ đồ điện 8 thì phải đạt 6.000 MW đến năm 2030. Với tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa nguồn điện gió ngoài khơi vào phục vụ nền kinh tế theo quy hoạch là khó khả thi.

Tương tự với nguồn điện khí, có đến hơn 29.000 MW cần đầu tư mới từ nay đến năm 2030. Nhưng kế hoạch, các quy định, quy trình về mua khí, khung giá mua điện khí… đều chưa có, làm thế nào để kịp thực hiện QHĐ8 đúng quy hoạch? Ông Đào Nhật Đình nhấn mạnh: "Mỗi khi chính sách chậm được hành, hoặc không rõ ràng, đặc biệt các cơ chế khuyến khích đầu tư, cơ chế về giá… thì việc thu hút đầu tư vào phát triển nguồn, lưới truyền rất khó khả thi".

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cũng tỏ ra sốt ruột cho việc chậm trễ này. Ông cho biết hiện các dự án điện có trong Quy hoạch điện 7 và Quy hoạch điện 7 điều chỉnh bổ sung vẫn chưa hoàn thành vì thiếu cơ chế chính sách, nhưng Chính phủ vẫn chưa có phương án để xử lý dứt điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ.

"QHĐ8 hiện chỉ mới nêu danh mục, tổng công suất nhưng ai đầu tư, ai triển khai thì không có. Việc chậm trễ triển khai QHĐ8 có thể sẽ lặp lại như Quy hoạch điện 7 trước đây. Trong khi an ninh năng lượng là vấn đề sống còn của nền kinh tế. Nếu cứ để việc thiếu nguồn chỉ dừng ở mức cảnh báo, thanh tra, kiểm tra, kiểm điểm thôi, chậm vẫn cứ chậm thì việc thiếu điện của VN không chỉ đến năm 2025 mà còn kéo dài nữa. Nên nhớ nhu cầu sử dụng năng lượng theo nhu cầu phát triển kinh tế chỉ có tăng, không giảm qua mỗi năm. Trong khi đó, việc chậm ban hành chính sách khiến chúng ta mất cơ hội tìm được nhà đầu tư tốt và có năng lực", ông Trần Viết Ngãi phân tích và cho rằng kế hoạch triển khai để xúc tiến các dự án điện là nhu cầu cấp thiết, cấp bách hiện nay.

Nguồn điện mới 'ngóng' cơ chế- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.