Tôi thấy có một cuộc tranh luận trên các báo xung quanh chuyện báo này chỉ trích báo kia là “lá cải”. Vậy khái niệm báo lá cải bắt nguồn từ đâu? (Minh Trí - Q.Bình Tân, TP.HCM)
Trong tiếng Anh, “lá cải” được thể hiện bằng từ “tabloid”. Vào cuối thập niên 1880, từ “tabloid” được hãng dược phẩm Burroughs Wellcome & Co dùng đặt tên cho loại thuốc viên nén, chứ chẳng liên quan gì đến báo chí. Trước đó, hầu hết các loại thuốc đều ở dạng bột nên khá khó uống. Vì thế, loại viên nén (tabloid) ra đời lập tức chiếm ưu thế do dễ nuốt khi uống.
Mặt khác, vào thập niên 1890 và 1900, một xu hướng báo chí mới ra đời. Xu hướng này không hề đặt nặng những vấn đề “đại sự, vĩ mô” mà chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, dễ đọc để thu hút sự hiếu kỳ của số đông… Vì thế, loại báo chí này trở nên “dễ nuốt” đối với số đông độc giả giống như loại thuốc viên nén (tabloid). Từ đó khái niệm “báo lá cải” (tabloid journalism) ra đời. Bắt nguồn từ Anh và Mỹ, xu hướng này đến nay đã lan rộng trên khắp thế giới.
Đến năm 1918, từ “tabloid” cũng được xem như trở thành tên gọi chính thức cho khổ báo A3, vốn đang được nhóm báo “lá cải” ưa chuộng. Do đó, nếu đứng riêng thì từ “tabloid” đơn thuần chỉ đại diện cho khổ báo tương đương kích thước A3. Thế nhưng, dần dà, khái niệm báo lá cải mang ý nghĩa phân loại nội dung hơn là khổ báo. Hiện nay, một số báo lá cải đạt số phát hành lớn, nổi tiếng thế giới là: Daily Star, Daily Mirror, The Sun của Anh; Star, Sun, The Globe của Mỹ; Bild của Đức.
Hoàng Đình
Bình luận (0)