Nguồn gốc gây 'choáng' của ca khúc thiếu nhi nổi tiếng 'Kìa con bướm vàng'

04/08/2021 11:21 GMT+7

Tại Việt Nam, hầu như ai cũng nghe và thuộc lời bài nhạc thiếu nhi Kìa con bướm vàng. Song không nhiều người biết rằng đây chỉ là một trong hơn 50 phiên bản của bài đồng dao Pháp Frère Jacques . Sự thật như thế nào?

Hiện nay có nhiều dị bản với ca từ khác nhau đôi chút về bài Kìa con bướm vàng mà ta có thể tìm thấy trên mạng, do nhiều ca sĩ trình bày. Dưới đây là một phiên bản khá phổ biến:
"Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng.
Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh.
Bướm bướm bay đôi ba vòng, bướm bướm bay đôi ba vòng.
Ta cùng xem, ta cùng xem".
Còn đây là bản gốc Frère Jacques - một bài đồng dao của Pháp từ thế kỷ 18:
"Frère Jacques, Frère Jacques
Dormez-vous? Dormez-vous?
Sonnez les matines! Sonnez les matines!
Ding, dang, dong. Ding, dang, dong".
Bài này được dịch sang lời Việt là: "Này anh Jacques, này anh Jacques. Dậy đi thôi, dậy đi thôi. Chuông kinh sáng vang rồi, chuông kinh sáng vang rồi. Đing Đàng Đong! Đing Đàng Đong".
Nội dung nói về một giáo sĩ ngủ quên, được đánh thức để rung chuông cho lời cầu nguyện đầu tiên của ngày (matins) vào lúc giữa đêm hay trời chưa sáng.

Trong Paperback Writer, ban nhạc The Beatles từng hát nhạc nền theo bài Frère Jacques

Ảnh: T.L

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của bài Frère Jacques. Quan điểm thứ nhất cho rằng bài này ban đầu được tạo ra để chế nhạo các tu sĩ dòng Đa Minh (dòng Jacobin ở Pháp), vì lối sống lười biếng của họ hoặc chế nhạo người Do Thái, người theo đạo Tin lành hay nhà thần học Đức Martin Luther. Quan điểm thứ hai lại cho rằng bài này bắt nguồn từ một ca khúc của trường dòng Nga nói về "Cha Theofil"…
Tuy nhiên, Wikipedia tiếng Pháp cho biết từ lâu bài này được cho là vô danh, song có thể tác giả là Jean-Philippe Rameau (1683 - 1764), một nhà soạn nhạc người Pháp. Tác phẩm này lần đầu được xuất bản trong Recueil de Capelle (1811), một tuyển tập ca khúc được trình bày tại Hội Caveau - nơi tổ chức ca hát và văn chương nổi tiếng, do Pierre Gallet thành lập vào năm 1729 tại Paris và là nơi Jean-Philippe Rameau thường xuyên lui tới.
Phần lớn những phiên bản trên thế giới đều có nội dung gần giống bài gốc, chỉ đổi tên Frère Jacques thành nhân vật của ngôn ngữ nước nào đó, ví dụ như Brother John (bản tiếng Anh), Irmão Jorge (Bồ Đào Nha), Martinillo (Tây Ban Nha), Jaakko kulta (Phần Lan) hay Panie Janie (Ba Lan)…
Tuy nhiên, có những nước lại chuyển tên nhân vật thành đối tượng khác, chẳng hạn như ở Việt Nam là bướm vàng, Trung Quốc là con hổ, cái mùng; Hàn Quốc là chúng ta, Estonia là thợ rèn, Campuchia là mẹ và con, còn Thổ Nhĩ Kỳ là cậu bé lười biếng…

Frère Jacques trong văn hóa đại chúng

Về âm nhạc, ban nhạc The Beatles nổi tiếng của nước Anh đã từng hát nhạc nền của bài Frère Jacques trong những câu cuối của Paperback Writer, một ca khúc do họ sáng tác (qua sự thể hiện của John Lennon và George Harrison). Giai điệu của Frère Jacques còn là mô-típ lặp lại theo điệu rock'n'roll trong ca khúc Serafino campanaro do Mina Mazzini (Mina) ghi lại năm 1960. Một phiên bản của giai điệu bài này đã từng xuất hiện trong bản Giao hưởng số 1 của Gustav Mahler (nhà soạn nhạc người Bohemia – Áo)…

Pho mát Frère Jacques do các tu sĩ ở tu viện Saint-Benoit-du-lac Abbey (Canada) sản xuất

Ảnh: T.L

 Về kịch và phim hài, Henri Bernstein (nhà viết kịch Pháp) đã viết một vở kịch hài mang tên Frère Jacques vào năm 1904; còn Marcel Manchez thì làm đạo diễn cho bộ phim hài Mon Frère Jacques của Pháp năm 1925…
Về thực phẩm, Frère Jacques là một loại pho mát sữa bò do các tu sĩ ở tu viện Saint-Benoit-du-lac Abbey (Canada) sản xuất. Đây còn là tên của một nhà hàng Pháp ở Dublin (Ireland) và ở khu Murray Hill của New York (Mỹ). Ngoài ra, Frère Jacques còn là tên của một chuỗi nhà hàng Pháp được nhượng quyền ở Anh… Nhìn chung, giai điệu của bài Frère Jacques vang khắp thế giới, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng biết bài này.

Bên trong một nhà hàng Frère Jacques ở Pháp

Ảnh: T.L

Ở Việt Nam, ca khúc Kìa con bướm vàng rất phổ biến, riêng cộng đồng người Hoa thì lại thuộc phiên bản bài này bằng tiếng Quan Thoại: Hai con cọp (Lưỡng chích lão hổ) và tiếng Quảng Đông: Mở mùng chống muỗi (Đả khai văn trướng)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.