Năm 1984, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), đã tham gia đàm phán, thúc đẩy ký kết Hiệp định Hàng không giữa VN và Philippines. Ông là người mở đường bay chính thức giữa VN và Philippines.
Hơn 20 năm qua, IPP đã đầu tư tại VN khoảng 50 dự án với vốn gần 500 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 22.000 lao động. IPP quan tâm tham gia công tác xã hội, từ thiện như xóa đói, giảm nghèo, văn hóa, giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa trên cả nước với trị giá nhiều triệu USD...
TS Nguyễn Trí Dũng là một trong những Việt kiều ở Nhật đầu tiên được Chính phủ mời về nước từ 1976 để giúp quê hương vượt qua khó khăn sau chiến tranh. Khi đó, ông đang là chuyên viên kinh tế phát triển của LHQ tại Nhật Bản phụ trách các nước đang phát triển. Ông là người VN đầu tiên làm việc cho LHQ. Về nước, ông là người thành lập trường tư thục đầu tiên đào tạo về quản trị kinh doanh, mở công ty... Ông khởi xướng chương trình “Giấc mơ VN” vận động thanh niên thế hệ trẻ đóng góp cho sự phát triển bền vững bằng chính giấc mơ và những cống hiến của chính mình. Ngoài ra, ông cũng làm cầu nối cho rất nhiều chuyến đầu tư, xúc tiến, tìm hiểu thị trường của các doanh nghiệp VN và Nhật Bản.
Đó chỉ là một vài trường hợp trong hàng ngàn Việt kiều đã trở về nước đóng góp sức người, sức của trong mấy thập niên qua. Nếu như trước đây, nguồn lực kiều bào tập trung chủ yếu dưới dạng kiều hối thì ngày nay, rất nhiều doanh nhân, trí thức thành đạt ở nước ngoài đã trở về. Đặc biệt trong mấy năm khó khăn vừa qua, đầu tư của các doanh nghiệp Việt kiều về nước không ngừng tăng lên, quy mô các dự án đầu tư cũng ngày càng mở rộng, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều cho biết, ngoài cơ chế, chính sách ngày càng tạo điều kiện cho họ yên tâm đầu tư về nước làm ăn thì đời sống tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của họ cũng được lãnh đạo từ trung ương và các địa phương hết sức quan tâm thông qua nhiều chương trình, sự kiện. Đơn cử tại TP.HCM còn có cả một ngân hàng các ý tưởng, hiến kế của bà con kiều bào và những đề xuất này đều được lãnh đạo TP chuyển cho các cơ quan có chuyên môn, có thẩm quyền nghiên cứu.
Không chỉ là 5 - 10 tỉ USD kiều hối mỗi năm, các doanh nhân, trí thức Việt kiều đầu tư về nước còn mang theo kinh nghiệm, công nghệ, phương thức quản trị chuyên nghiệp, tư duy mới - năng động trong sản xuất, kinh doanh. Họ cũng là cầu nối hiệu quả, thiết thực cho không ít những hợp tác ở cả tầm vĩ mô hay kết nối các giao thương giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với gần 5 triệu người ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt kiều là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà chúng ta cần có những chính sách tốt để khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực này.
Bình luận (0)