Nguồn lực kiều bào - Kỳ 2: Thuốc đặc trị cho người Việt

26/02/2015 03:00 GMT+7

Từ thành công trong sản xuất thuốc đặc trị tại VN, doanh nhân Việt kiều Mỹ, TS Hồ Nhân được xem là nhà khoa học tiên phong trong ứng dụng công nghệ sinh học ở VN.

Từ thành công trong sản xuất thuốc đặc trị tại VN, doanh nhân Việt kiều Mỹ, TS Hồ Nhân được xem là nhà khoa học tiên phong trong ứng dụng công nghệ sinh học ở VN.

TS Hồ Nhân đang giới thiệu một số thuốc đặc trị của công ty TS Hồ Nhân đang giới thiệu một số thuốc đặc trị của công ty - Ảnh: Ng.Nga

Ép thuốc nhập giảm giá

Đó là khoảng năm 2003, thời điểm mà khái niệm công nghệ sinh học (CNSH) còn khá mới mẻ ở VN. Trước khi quyết định về VN đầu tư, TS Hồ Nhân đã có một phòng thí nghiệm tại Mỹ và làm tư vấn cho nhiều hãng dược lớn của Mỹ, Ấn Độ. “Càng tìm hiểu, tôi thấy người dân mình bị ung thư nhiều quá, tập trung nhiều là người nghèo, trong khi giá thuốc trị bệnh lại quá cao. Điều đáng nói, nhiều nhà khoa học gốc Việt giữ những vị trí quản lý cao cấp trong các hãng dược này. Điều này chứng tỏ người Việt hoàn toàn có khả năng làm những viên thuốc đặc trị chứ không phải thuốc ngoại mới tốt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là trở về để làm ra được sản phẩm tốt, giá rẻ cho người Việt mình”, TS Hồ Nhân cho biết.

Sau hai năm, phòng nghiên cứu và nhà máy của Nanogen đã cho ra đời nhiều dược phẩm ứng dụng CNSH để chữa trị viêm gan siêu vi B, C, suy thận, xơ gan và tăng bạch cầu trung tính hỗ trợ bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị. TS Hồ Nhân nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thành công công nghệ DNA/tái tổ hợp protein, một tiến bộ của CNSH, để sản xuất ra dược liệu và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị đầu tiên và duy nhất tại VN hiện nay”.

Sau hơn 10 năm, trong khuôn viên đất rộng hơn 15.000 m2 trong Khu công nghệ cao TP.HCM, Nanogen đã đầu tư  xây dựng hệ thống phòng nghiên cứu, nhà xưởng với số tiền trên 50 triệu USD. Các dược phẩm đặc trị viêm gan B và C của Nanogen hiện chiếm trên 80% thị phần trong nước. Đặc biệt, giá bán chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với sản phẩm tương đương được nhập khẩu. Điều đáng nói là đã "ép" các công ty dược phẩm nước ngoài phải liên tục giảm giá thuốc có tác dụng tương đương của mình. Ví dụ: Thuốc Feronsure điều trị viêm gan siêu vi B và C hàng nhập có giá 600.000 đồng/liều, Nanogen bán 200.000 đồng/3 liều trong một tuần. Sản phẩm cùng chức năng cao cấp có giá 1,5 triệu đồng/liều/tuần thì với thuốc nhập, người bệnh phải bỏ ra 4,5 triệu đồng/liều/tuần và nay còn giảm thấp hơn nữa”.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản, làm khoa học giỏi trước hết phải biết biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tế phục vụ con người”, ông Nhân nói.

Xuất khẩu thuốc           

Nanogen còn nghiên cứu các công nghệ về gien và chuyển giao thành công cho các hãng dược, mỹ phẩm nước ngoài. Đơn cử, đã chuyển giao thành công công nghệ gien chống lão hóa cho một hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, gien làm thuốc trị tiểu đường cho một hãng dược Ấn Độ, gien làm thuốc chữa trị tim mạch cho một hãng dược Thụy Sĩ. Nanogen cũng chủ trương mua bản quyền một số nghiên cứu tại các nước phát triển để sản xuất thuốc.

TS Hồ Nhân kể, năm 2010 có một hãng dược phẩm Mỹ đặt vấn đề mua đứt công nghệ của Nanogen hoặc mua 30% cổ phần với giá 30 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã từ chối. Ông bộc bạch: “Ngày trước, tôi đã quyết định trở về làm thuốc chữa bệnh cho người dân mình, tại sao tôi lại bán đi? Nếu ai cũng có suy nghĩ công ty lớn thì bán lấy lời thì rốt cuộc đất nước VN sẽ đi về đâu?”.

Hiện các sản phẩm chữa viêm gan siêu vi B và C, suy thận và xơ gan của Nanogen đã xuất sang các thị trường: Mỹ, Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Pakistan... với số lượng lớn. Ngoài ra, Nanogen cũng đã nghiên cứu làm thuốc điều trị ung thư. Theo chuyên gia CNSH Mỹ, TS Nguyễn Đức Thái, tư vấn CNSH cho một số trường viện tại VN, nghiên cứu kháng thể đơn dòng (mAb) của Nanogen đã được Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ phê duyệt và có khả năng ảnh hưởng rất lớn trong điều trị ung thư tại VN. “Thuốc sinh học sẽ là tương lai của ngành dược, bởi ưu điểm của nó là ít phản ứng phụ, nhưng giúp điều trị đúng bệnh”, TS Hồ Nhân khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.