|
Chỉ với 3 cuốn sách được in ra, gồm Sharp objects (năm 2006), Dark places (2009), Gone girl (2012), Flynn đã được xếp vào hàng những nhà văn ăn khách nhất của Mỹ hiện nay. Cả 3 cuốn đều thuộc thể loại trinh thám rùng rợn, đã đoạt rất nhiều giải thưởng, kể cả giải văn chương đơn thuần lẫn văn học trinh thám. Tác giả 43 tuổi, sinh ra tại Kansas, bang Missouri, đã sinh sống bằng nhiều nghề: viết truyện tranh, làm báo, viết phê bình phim truyền hình. Trả lời phỏng vấn của The Guardian, cô cho biết: “Tôi sẽ không viết nổi cuốn tiểu thuyết nào nếu tôi không làm báo suốt 15 năm. Nghề báo đã dạy tôi rằng sẽ chẳng có nàng thơ nào hạ cánh xuống ban tặng ta cảm hứng để viết. Mà là ta phải viết”.
Hai trong số 3 cuốn sách trên của Flynn đã được dịch ra tiếng Việt. Bóng ma ký ức (NXB Lao động) ra mắt sớm hơn một chút, được hâm nóng khi bộ phim Gone girl gây sốt ở các rạp chiếu trong nước. Và ngay sau đó, Cô gái mất tích, tiểu thuyết mà bộ phim dựa vào đó để chuyển thế, cũng trở thành cuốn sách bán chạy trong nước nhờ vào hiệu ứng phim. Bóng ma ký ức cũng đã được Hollywood chuyển thể thành phim, với vai chính do ngôi sao Charlize Theron thủ diễn, sẽ ra mắt vào đầu năm 2015.
Rùng mình vì sự lãnh đạm, ích kỷ
Có thể nhận thấy những điểm chung trong bút pháp thể loại trinh thám của Flynn giữa Cô gái mất tích và Bóng ma ký ức: cung cấp cho người đọc hàng loạt góc nhìn từ những nhân vật khác nhau (kể cả góc nhìn từ kẻ bị tình nghi thủ phạm lẫn nạn nhân) xung quanh một vụ án, và do đó dễ khiến người đọc lạc lối trong suy đoán của mình; sự đi sâu phân tích tận cùng tâm lý kỳ dị của những nhân vật chính. Không như những cuốn tiểu thuyết trinh thám khác, khi đọc truyện của Flynn, ta không chỉ trải qua sự hồi hộp, căng thẳng, cảm giác muốn nhanh nhanh tìm ra thủ phạm, mà vẫn có những đoạn khiến ta phải chậm lại, đọc đi đọc lại để thưởng thức những trang viết về tâm lý thực sự sâu sắc.
Có lẽ vì muốn có một tựa sách tiếng Việt hấp dẫn, nên Dark places đã được dịch là Bóng ma ký ức. Thực chất, tên sách của Flynn muốn nói đến những vùng tối trong ký ức của nhân vật chính Libby, một phụ nữ đã mất mẹ và các chị gái trong một vụ thảm sát gần 25 năm trước được các báo gọi là “Lễ hiến tế quỷ Sa tăng trong ngôi nhà ở nông trại”. Libby sau đó đã ra tòa khai rằng chính anh trai cô, Ben, là thủ phạm, khiến Ben phải vào tù. Sau đó, cô sống một cách thờ ơ, cau có và lười biếng bằng tiền của các nhà hảo tâm, thậm chí còn lợi dụng tai nạn của gia đình để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Đến khi các thành viên của một tổ chức cho cô tiền, cô mới miễn cưỡng lần lại những manh mối của vụ án, để rồi tìm ra một sự thật ngoài sức tưởng tượng… Bóng ma ký ức được kết cấu đan xen hiện tại và quá khứ: hiện tại là cuộc sống của Libby qua tự thuật của chính cô, quá khứ là sự tường thuật từ một điểm nhìn khách quan về những diễn biến trong ngày định mệnh. Người đọc phải tự chắp nối những mảng ký ức và câu chuyện hiện tại mờ ảo, vụn vỡ, rời rạc của Libby với những chi tiết tươi rói, sống động như mới hôm qua của quá khứ.
Sau khi đã vượt qua quãng đường dài căng thẳng, hồi hộp của một vụ án gay cấn, cái kết bất ngờ của Bóng ma ký ức thực sự có thể khiến người xem rơi nước mắt. Đã có một số nhà phê bình Mỹ cho rằng Flynn mắc chứng “nói xấu phụ nữ” trong tác phẩm của mình. Vâng, Amy trong Cô gái mất tích có thể khiến người ta sợ hãi vì sự tàn độc; Libby trong Bóng ma ký ức có thể khiến người ta rùng mình vì sự lãnh đạm, ích kỷ; nhưng sự hy sinh của người mẹ trong Bóng ma ký ức là một nguồn sáng thực sự, khiến sau bao trang viết đầy máu me rùng rợn, người đọc vẫn có cảm giác được thanh tẩy tâm hồn.
Phạm Thu Nga
>> Giới thiệu sách trinh thám mới của tác giả 'Harry Potter
>> Kỹ năng thần kinh học trong truyện trinh thám
>> Thời hoàng kim của văn chương trinh thám?
>> Tiểu thuyết gia Mỹ Tami Hoag: từ lãng mạn đến trinh thám hình sự
Bình luận (0)