Nguồn tin đám đông: Mảnh ghép hình cho phóng viên

21/06/2014 12:35 GMT+7

(TNO) "Chấp nhận rằng bạn không thể biết mọi thứ, và cho phép mọi người, thông qua công nghệ, trở thành tai và mắt của bạn, và khiến những người khác trong cộng đồng không chỉ là người đọc tin tức thụ động mà trở thành các cộng sự cùng sản xuất tin tức".

(TNO) "Chấp nhận rằng bạn không thể biết mọi thứ, và cho phép mọi người, thông qua công nghệ, trở thành tai và mắt của bạn, và khiến những người khác trong cộng đồng không chỉ là người đọc tin tức thụ động mà trở thành các cộng sự cùng sản xuất tin tức".

Nguồn tin đám đông

 
Các ảnh cắt ra từ video cho thấy nạn nhân đã bị cảnh sát chống bạo động đánh từ sau lưng

Paul Lewis - một phóng viên của tờ The Guardian - đã nói như thế về khái niệm đang được nhắc đến ở Việt Nam: “Báo chí công dân”.

Ngày 1.4.2009, Ian Tomlinson, một người bán báo bị cho là đột quỵ và chết trên đường về nhà, khi ông đi giữa một đám đông biểu tình hội nghị G20. Thông tin từ phía cảnh sát công bố, Ian Tomlinson chết vì nguyên nhân tự nhiên.

Nhưng vào thời điểm đó, Paul Lewis và tờ Guardian đã tìm thấy một góc khác của sự thật. Paul Lewis đăng ký vào Twitter và theo dõi những cuộc thảo luận trên mạng về vụ việc. Anh bất ngờ phát hiện ra, có rất nhiều người đã đăng lại những hình ảnh cùng với Ian Tomlinson, hình ảnh ngồi với ông trước khi ông chết, hình ảnh ông ngã và cố bò đi trong đám đông, hình ông gục xuống. Có một tấm ảnh trong số đó cho thấy Ian Tomlinson nằm hoảng hốt khi cảnh sát đang tiến về phía ông. Paul đã đặt câu hỏi tại sao lại như vậy?

Trong 6 ngày trên mạng xã hội, Paul đã tìm ra 20 nhân chứng khác nhau ở hiện trường cuộc biểu tình lúc đó. Người ta chép lại cho anh ảnh của nạn nhân, ảnh của cảnh sát, ảnh lúc Tomlinson chết. Nhiều người trong số này nói, cảnh sát đã đánh Ian Tomlinson trước khi ông chết. Nhưng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy sự việc này. Không có điều tra chính thức nào về cái chết của ông được tiến hành.

Tờ Guardian đã làm một infographic về hiện trường của vụ việc, đặt những chỗ click được trên bản đồ, cho người đọc thấy những góc khác nhau mà các nhân chứng tại hiện trường đã chụp ảnh hoặc kể lại. Nhưng vẫn còn thiếu một thứ gì đó để đủ cho một sự thật.

Đột nhiên, Paul nhận được email có chứa một video từ một giám đốc của một quỹ đầu tư. Một đoạn video chớp nhoáng chỉ 2:02 giây, người quay nó đã ghi lại toàn bộ hình ảnh cuối cùng của Ian Tomlinson. Ông không chết vì nguyên nhân tự nhiên. Có một cảnh sát đã dùng dùi cui đánh vào ông từ phía sau, ông ngã xuống, cố lết đi và gục chết ngay giữa đường.

Đoạn video đã hóa giải tất cả các “điểm mù” trong hình ảnh mà 20 nhân chứng trước cung cấp, kết nối nó thành một sự thật gây chấn động. Cảnh sát London buộc phải đưa vụ việc ra điều tra.

Sự thật ở đâu?

“Điều kì diệu của internet là thông tin mọi người đưa lên mạng đều có thể được những người khác truy cập dễ dàng. Những thông tin này không chỉ đến với những Facebooker, người dùng Twitter mà còn đến tay cả các nhà báo. Mọi người đều có thể truy cập và xem miễn phí những câu chuyện thế này, đặt câu hỏi trước phiên bản sự thật được công bố chính thức."

 
Từ video được gửi đến, Paul Lewis đã ghép được mắt xích quan trọng nhất của vụ việc, cho thấy cái chết của ông Tomlinson không phải là “nguyên nhân tự nhiên” - Ảnh chụp màn hình của video từ The Guardian

Sử dụng internet và mạng xã hội một cách lão luyện, Paul Lewis đã cùng với những công dân có điện thoại di động, máy quay phim... sử dụng thiết bị hằng ngày của họ như một công cụ mới của báo chí.

Những hình ảnh Ian Tomlinson trước khi chết có thể chỉ được share trên mạng xã hội như một lời thương cảm, một cuộc trò chuyện, tán dóc... nhưng khi có một biên tập viên như Paul Lewis, ngồi “chơi xếp hình” nó lại, thì 20 nhân chứng và cái băng video kia, nhanh chóng được xử lý và trở thành thông tin thực sự có giá trị mà bất cứ tờ báo nào, người đọc nào cũng cần.

Trước đây, người ta hay nhắc đến báo chí công dân, hàm ý người dân cũng phỏng vấn, cũng bày tỏ ý kiến, cũng đưa thông tin lên mạng. Nhưng cũng có nhiều dữ liệu khác, do không phải chuyên môn báo chí, người dân không hiểu đó là thông tin giá trị. Cần một bàn tay phù thủy để “đọc” những gì diễn ra đằng sau những hình ảnh buôn chuyện đó. Chính ở cấp độ này, các tòa soạn và phóng viên thực hiện công việc mà họ đã lão luyện: xử lý thông tin.

Tự thừa nhận rằng mình không thể biết tất cả, chấp nhận rằng công dân chính là tai và mắt của tờ báo, sẽ khiến sự hợp tác giữa hàng trăm câu chuyện nhỏ xíu trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Trong vụ án Ian Tomlinson, tờ Guardian đã khôn khéo khi giới thiệu một Infographic, giả lập lại hiện trường từ bản đồ thành phố, để người đọc báo dễ dàng mường tượng ra liệu hình ảnh/clip mình ghi lại có giá trị gì với câu chuyện hay không.

 
Nhà báo Paul Lewis của tờ The Guardian - Ảnh: Reuters

Sự công nhận vai trò của người dân trong tường thuật tin tức, xử lý “nguyên liệu thô” mà người dân trao cho, báo chí được tiếp thêm sức mạnh và càng thể hiện được vai trò quan trọng của mình hơn.

“Nguồn tin đám đông” - là một khái niệm nổi lên vài năm về trước, khi người ta ca ngợi sức mạnh của báo chí công dân. Nhưng nhiều tòa soạn quên rằng, đôi khi người dân, vì không có chuyên môn, không thực sự hiểu mình đang nắm mắt xích nào quan trọng của một vụ việc, vấn đề. Nếu tờ báo biết cách đưa bàn tay ra cho người đọc hiểu họ đang có gì có thể giúp, họ sẽ đem đến các thông tin quan trọng bất ngờ.

Trong vụ việc Ian Tomlinson, phóng viên Paul Lewis chơi Twitter và tờ Guardian đã miêu tả sự việc bằng cách trưng bày cho độc giả thấy mình đang cần thêm góc nhìn khác, thông qua một tấm bản đồ có hình và lời hàng chục nhân chứng.

Đưa báo chí công dân lên một cấp độ cao hơn, nghĩa là tòa soạn coi trọng và xử lý thông tin mà người dân cung cấp -như một nguồn tin, một phóng viên, người tường thuật... và không bỏ qua những chi tiết vặt vãnh ít được chú ý. Như Paul Lewis đã làm, anh đã xem từng tấm ảnh người ta chia sẻ trên mạng để nhận ra “nét hoảng hốt” trong một bức ảnh khi nạn nhân còn lết đi được trên đường.

Một người “chết tự nhiên” có lẽ không hoảng hốt như thế.

Ngày Báo chí Việt Nam (21.6), Thanh Niên cũng muốn nói rằng, nguồn tin nhân dân, hay “nguồn tin đám đông” bao giờ cũng là một phần quan trọng trong những tin tức của mình. Những nhà báo công dân, góp thêm những tin tức, những sự kiện mà bao giờ Thanh Niên, các nhà báo chúng tôi cũng trân trọng.

Paul Lewis là phóng viên điều tra của tờ The Guardian (Anh). Anh đặc biệt chuyên khai thác thông tin trên điện thoại di động, mạng xã hội và internet. Tại Guardian, anh đã tường thuật nhiều vụ việc quan trọng, dựa trên các thông tin từ người sử dụng mạng xã hội tung lên, đôi khi chỉ là “để chơi” hoặc tán dóc.

Vụ giết Ian Tomlinson là một trường hợp điển hình trong việc sử dụng nguồn tin đám đông. Toàn bộ thông tin độc lập mà tờ Guardian đưa lên để buộc cảnh sát Anh phải điều tra và xin lỗi gia đình nạn nhân, đều đến từ hàng chục nhân chứng là những người nhìn thấy, quay phim, chụp ảnh ... xung quanh hiện trường.

Khải Đơn

>> Ngày nhà báo ấm áp giữa Hoàng Sa
>> Nhà báo Ukraine bị cấm đến gần Brad Pitt
>> Phóng viên không có thẻ nhà báo mất quyền tác nghiệp tại tòa
>> Hai nhà báo ra tòa vì tội phỉ báng quân đội Thái Lan
>> Philippines cho phép nhà báo, bác sĩ mang theo súng
>> Tạm giữ nghi phạm giả danh nhà báo để lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.